Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã nhiều lần gửi văn bản đề xuất UBND TP.HCM bổ sung cầu vượt biển Cần Giờ nối H.Cần Giờ với TP.Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) vào quy hoạch chung xây dựng TP.HCM giai đoạn 2021 – 2040, tầm nhìn đến 2060.
Theo ý tưởng của HoREA, cây cầu sẽ dài khoảng 17 km với độ tĩnh không lên tới xấp xỉ 56m để tàu biển quốc tế có thể ra vào thuận lợi. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, khẳng định thiếu cầu vượt biển từ Cần Giờ đến Vũng Tàu sẽ là lãng phí rất lớn. Cây cầu sẽ là “dấu gạch nối” hoàn thiện tuyến đường ven biển phía đông. Hiện tuyến đường này bắt đầu từ Hàm Tân (Bình Thuận) và đến Bà Rịa-Vũng Tàu thì kết thúc, phương tiện phải di chuyển một quãng đường rất xa để tới TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai (từ QL51 qua cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây để ra QL1A). Nếu có cây cầu vượt biển này, từ tuyến đường ven biển tại Bà Rịa-Vũng Tàu, người dân có thể dễ dàng tới TP.HCM qua Cần Giờ.
Kỹ sư Vũ Đức Thắng cũng đã nghiên cứu và kiến nghị phương án hình thành trục đường Vũng Tàu – Cần Giờ nối Gò Công – Mỹ Tho. Trong đó, đoạn cầu vượt biển Vũng Tàu – Cần Giờ cần hoàn thành trước, sau đó nối tiếp làm cầu Soài Rạp sang Gò Công để có lối tắt gần hơn cho cả một mạng đường vận tải. Theo ông, nhu cầu trao đổi nguồn lực từ Cần Giờ với các tỉnh bên ngoài và phát sinh tụ tập dân cư sẽ ngày càng lớn, dẫn đến sự cần thiết phải mở thêm cầu đường theo những trục giao thông mới.
Để hồi sinh vị thế của Cần Giờ, luồng đường mới từ Cần Giờ phải phát triển theo hướng qua vịnh Gành Rái sang Vũng Tàu và qua sông Soài Rạp sang tới Gò Công – Mỹ Tho. Đó là tuyến đường mới đi men theo ngoài rìa rừng ngập mặn để bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái, phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, trên luồng đường hàng hải viễn dương Âu – Á qua Biển Đông và hải đảo VN, vùng biển Vũng Tàu – Cần Giờ vẫn có tiềm năng lớn chưa khai thác hết năng lực cung ứng dịch vụ tàu biển, chưa trở thành nơi dừng chân thư giãn, du lịch, nghỉ dưỡng, và giao lưu văn hóa. Có thể thấy, tuyến giao thông nối các vùng dân cư kinh tế ven biển vẫn còn tiềm năng và cơ hội phát triển.
Cụ thể, Mỹ Tho là tụ điểm giao thông quan trọng, một điểm nút trên mạng đường giao thông từ miền Tây sang miền Đông. Mọi nguồn lực lớn lưu chuyển đông – tây bằng đường sắt, đường bộ, đường sông đều hội tụ tại Mỹ Tho. Tụ rồi phải tán. Các con đường giải tỏa cho nguồn lực tụ lại Mỹ Tho đến nay đều phải đi vòng quanh miên man theo các đường vành đai lớn rất tốn chi phí logistics, lãng phí năng lượng thời gian. Trong khi đó, Cần Giờ là nơi bị hạn chế bởi môi trường sông nước bùn lầy, thiếu đường liên vùng, đang cần tăng cường phát triển cảng biển và đô thị hóa.
TP.HCM muốn tìm đường đi Vũng Tàu với lưu lượng lớn hơn thì buộc phải mở tuyến mới men rừng Sác Cần Giờ rồi qua biển sang Vũng Tàu. Có thể tìm thêm cách đi gần nhất bằng các con đường ven bờ tả ngạn sông Soài Rạp về Bình Khánh và hữu ngạn về Hiệp Phước. Mặt khác, khu vực Vũng Tàu và Long Hải, Bình Châu là những chuỗi đô thị du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng nổi tiếng thu hút khách du lịch trong ngoài nước, nay lại phát triển thêm hoạt động kinh tế dịch vụ thương mại giao lưu quốc tế, sẽ trở thành khu đô thị lớn đặc biệt.
“Xây dựng cầu vượt biển tạo trục đường nối Mỹ Tho – Cần Giờ là công trình đột phá táo bạo, nhưng có hiệu quả kinh tế lớn và tác động sâu rộng đến sự phát triển chuỗi đô thị cùng trung tâm kinh tế ven biển phía nam. Vì vậy, đề nghị sớm cập nhật bổ sung vào quy hoạch giao thông và quy hoạch đô thị, sớm triển khai nghiên cứu điều tra cơ bản để khởi động dự án này”, kỹ sư Vũ Đức Thắng kiến nghị.