Đại diện các trường đại học nhận định những điểm mới trong dự thảo thông tư tuyển sinh đại học lần này đều hợp lý và cần thiết. Đặc biệt quy định mới sẽ giúp các trường đỡ sợ tuyển vượt chỉ tiêu.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo thông tư quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh giáo dục đại học và cao đẳng ngành giáo dục mầm non.
Điều chỉnh phù hợp
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, dự thảo thông tư được xây dựng theo cách tiếp cận mới từ thông tư 17/2021/TT-BGDĐT của bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học và thông tư 01/2024.
Nêu ý kiến về những điểm mới trong dự thảo thông tư, TS Nguyễn Trung Nhân – trưởng phòng đào tạo Trường đại học Công nghiệp TP.HCM – cho biết nhà trường nhất trí cao với nội dung những điểm mới trong dự thảo này.
“Việc xác định năng lực đào tạo tối đa với hệ số 40 người học/giảng viên đảm bảo tính thống nhất với thông tư 01 về chuẩn cơ sở giáo dục đại học. Quy định này giúp các trường không phải lo lắng mỗi khi xác định tỉ lệ gọi thí sinh vì sợ tuyển vượt quá 3% sẽ bị phạt rất nặng như trước đây”, ông Nhân nói.
Tương tự, ThS Phạm Thái Sơn – giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường đại học Công Thương TP.HCM – cũng cho rằng các quy định trong dự thảo rất hay vì đã giúp các trường đỡ phải “sợ vượt chỉ tiêu” do các ngành khó tuyển sinh.
“Với quy định hiện tại, việc thực tuyển không vượt quá chỉ tiêu đã công bố gây ra không ít khó khăn cho các trường trong xét tuyển và thu hút thí sinh chất lượng. Quy định mới sẽ giúp các trường linh hoạt trong xác định chỉ tiêu, từ đó chọn được thí sinh có điểm cao hơn hoặc thực sự mong muốn theo học tại trường”, ông Sơn khẳng định.
ThS Cù Xuân Tiến, trưởng phòng tuyển sinh và công tác sinh viên Trường đại học Kinh tế – Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), nhận định: “Tất cả những điểm mới trong dự thảo thông tư lần này đều hợp lý và cần thiết. Trong đó đáng chú ý dự thảo cho phép các cơ sở đào tạo thực hiện tuyển sinh không được vượt quá 20% chỉ tiêu đã công bố.
Theo tôi, điểm này dự thảo chỉ làm rõ hơn so với quy định trước đây và sẽ giúp các trường đỡ phải giải trình với Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo khi tuyển vượt chỉ tiêu nhưng vẫn dưới năng lực đào tạo. Còn trường hợp tuyển vượt năng lực đào tạo theo quy định thì bị xử phạt là bình thường”.
Đảm bảo tính chủ động của các trường
Theo TS Nguyễn Quốc Anh – phó hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ TP.HCM, dự thảo thông tư lần này có nhiều điểm quy định chi tiết hơn trong việc xác định chỉ tiêu liên quan đến năng lực đào tạo, cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng tuyển sinh và đào tạo.
Việc cho phép các cơ sở đào tạo thực hiện tuyển sinh phù hợp với chỉ tiêu đã công bố, bảo đảm số lượng thực tuyển của từng ngành, nhóm, trình độ và hình thức đào tạo không được vượt quá 20% là rất phù hợp và cũng giúp các trường tháo gỡ những khó khăn trong việc xác định được chính xác tỉ lệ gọi nhập học hằng năm.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Anh, việc xác định chỉ tiêu theo năng lực đào tạo của từng nhóm ngành buộc các trường phải đảm bảo tốt nhất việc bố trí đội ngũ giảng viên có chuyên môn phù hợp, gắn sát hơn với ngành đào tạo.
Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo cũng phải chú trọng hơn trong việc đảm bảo chất lượng giảng dạy, hướng nghiệp và chăm sóc sinh viên thể hiện qua việc hạn chế tăng chỉ tiêu khi tỉ lệ sinh viên thôi học năm đầu cao hơn 15%.
ThS Lê Văn Hiển – phụ trách phòng đào tạo Trường đại học Luật TP.HCM – hoàn toàn đồng ý với quy định xác định chỉ tiêu theo năng lực đào tạo của từng nhóm ngành đào tạo.
Việc này nhằm đảm bảo tính chủ động của cơ sở đào tạo trong việc điều chỉnh chỉ tiêu giữa các ngành khi có số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển không như dự kiến ban đầu.
Thay đổi tích cực
Các chuyên gia cho rằng việc điều chỉnh quy định trong dự thảo thông tư theo hướng bỏ hạn chế tăng chỉ tiêu đối với các ngành có tỉ lệ tuyển sinh thấp và bổ sung quy định hạn chế tăng chỉ tiêu đối với trường có tỉ lệ sinh viên thôi học cao hơn 15% ngay từ năm đầu là thay đổi tích cực. Vì đây cũng là tiêu chí đánh giá chất lượng và uy tín của nhà trường.
Quy định mới giúp đơn giản hóa và thống nhất cách tính chỉ tiêu tuyển sinh giữa các trình độ và hình thức đào tạo, tạo điều kiện cho các trường dễ dàng tuân thủ mà không cần phải phân biệt chi tiết theo từng cấp bậc và lĩnh vực đào tạo như trước.
6 điểm mới nổi bật
1. Các cơ sở đào tạo phải xác định chỉ tiêu riêng đến từng phân hiệu và trụ sở đào tạo chính (hiện chưa yêu cầu bắt buộc).
2. Điều chỉnh quy định về các tiêu chí xác định chỉ tiêu, trong đó chỉ tiêu tuyển sinh được xác định theo người học quy đổi đối với tất cả các trình độ/hình thức đào tạo trên năng lực đào tạo tối đa của giảng viên (40 người học quy đổi/giảng viên) và diện tích xây dựng phục vụ đào tạo (2,8m2/người học quy đổi).
3. Xác định chỉ tiêu theo năng lực đào tạo của từng nhóm ngành đào tạo và đối với trình độ đại học ngoài các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên phải xác định theo từng ngành, dự thảo bổ sung thêm nhóm ngôn ngữ, văn học và văn hóa Việt Nam; ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài là những ngành đòi hỏi năng lực ngôn ngữ nước ngoài khác nhau (hiện chỉ yêu cầu đối với các ngành đào tạo giáo viên).
4. Bỏ quy định hạn chế việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh trình độ đại học đối với các trường hợp có tỉ lệ thực tuyển thấp hơn 70%, đồng thời bổ sung quy định hạn chế việc tăng chỉ tiêu đại học đối với trường hợp có tỉ lệ sinh viên thôi học năm đầu cao hơn 15%.
5. Cho phép các trường thực hiện tuyển sinh phù hợp với chỉ tiêu đã công bố, bảo đảm số lượng thực tuyển của từng ngành, nhóm ngành, trình độ và hình thức đào tạo không được vượt quá 20% chỉ tiêu đã công bố nhưng phải đảm bảo năng lực đào tạo theo quy định.
6. Điều chỉnh, bổ sung một số quy định để đơn giản hóa quy trình, biểu mẫu xác định và thực hiện chỉ tiêu nhằm tạo điều kiện để các cơ sở đào tạo chủ động hơn trong công tác tuyển sinh từ việc xác định, điều chỉnh chỉ tiêu đến việc báo cáo kết quả thực hiện chỉ tiêu.
Nguồn: https://tuoitre.vn/du-thao-thong-tu-tuyen-sinh-dai-hoc-2025-thao-go-noi-lo-tuyen-vuot-chi-tieu-20241106215039314.htm