Đủ nguồn kinh phí để giải quyết các trường hợp nghỉ sau sắp xếp bộ máy

Báo Đô thịBáo Đô thị05/02/2025

Kinhtedothi - Chiều 5/2, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh đã thông tin liên quan đến việc rà soát, đánh giá công chức, viên chức, người lao động sau khi tinh gọn bộ máy, nguồn kinh phí giải quyết các trường hợp nghỉ chế độ khi thực hiện sắp xếp.


Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết: Ngày 31/12/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 178 quy định về chính sách áp dụng đối công chức, viên chức, người lao động trong việc điều chuyển, sắp xếp; 2 tuần sau rất khẩn trương, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 01 hướng dẫn thực hiện Nnghị định này.

Ngày 4/1 Bộ tham mưu cho Ban chỉ đạo văn bản hướng dẫn các ban ngành địa phương quy định tiêu chí điều kiện cụ thể, phù hợp với đặc điểm tình hình của từng bộ ngành địa phương. Trên cơ sở đó cộng với việc tự đánh giá 3 năm gần nhất để lựa chọn những người tiếp tục giữ lại để công tác, những người nào đưa vào diện sắp xếp để tính toán có lộ trình.

Trên cơ sở đó đảm bảo nguyên tắc rõ việc trong bộ máy, rõ người, rõ sản phẩm.

Nếu không chứng minh được ở vị trí đó sẽ làm việc gì, sản phẩm là gì, khối lượng trong 1 năm làm được gì thì sẽ phải đưa vào diện sắp xếp. Đồng thời, phải tính toán để tìm ra được đội ngũ có phẩm chất đạo đức, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ ngang tầm nhiệm vụ để vận hành bộ máy mới bảo đảm hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần của khoa học tổ chức bộ máy.

Đến nay, theo đề án mà đã sáng nay đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và được thống nhất rất cao với phương án của Chính phủ về cơ cấu của Chính phủ. Cơ cấu về nhân sự và 2 dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương tới đây trình Quốc hội để Quốc hội thông qua.

Với tinh thần như vậy, đến nay các bộ ngành đã có phương án cụ thể sắp xếp, về tổ chức bộ máy đã có số lượng cụ thể, còn về con người phải tính toán từng người vị trí nào thì đang phải chờ, để sau khi Quốc hội thông qua cơ cấu Chính phủ, thì Chính phủ ban hành nghị định, quy định chức năng nhiệm vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ.

Tất cả các bộ không thực hiện sắp xếp và các bộ thực hiện sáp nhập cũng phải ban hành quy định mới về chức năng quyền hạn để quy định vận hành bộ máy mới.

Trong thời gian này, công tác về nhân sự, ai thuộc diện tinh giản, liên quan đến tâm tư nguyện vọng… thì đang chờ để sau khi các cơ quan có thẩm quyền, Quốc hội, Chính phủ thì mới có số liệu chính xác.

Hiện nay, Bộ Nội vụ đang cùng Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng thông tư hướng dẫn về xây dựng nguồn kinh phí, dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí này. Hiện, Bộ Tài chính đang xin ý kiến các bộ và sớm trình để ban hành thông tư này để làm cơ sở để thực hiện việc sắp xếp.

Như vậy, về cơ sở pháp lý đã có Nghị định 178, có Thông tư hướng dẫn cách tính từng người, Bộ Tài chính đã có thông tư hướng dẫn về lập dự toán, nguồn kinh phí, công tác quản lý kinh phí… như vậy khi cấp thẩm quyền bấm nút thông qua đề án sắp xếp thì chúng ta có thể vận hành được ngay.

Về câu hỏi của phóng viên rằng có đủ nguồn hay không, Người phát ngôn Bộ Nội vụ cho rằng, khi xây dựng dự thảo Nghị định 178, Bộ Nội vụ đã xin ý kiến của Ban Chỉ đạo Trung ương, trực tiếp xin ý kiến của Tổng Bí thư cho ý kiến về các phương án, trong đó rất quan tâm về việc có đủ nguồn để làm hay không.

Trong đánh giá tác động, nếu thực hiện phương án này, nguồn kinh phí thực hiện chi trả cho những người sẽ nghỉ sau khi thực hiện sắp xếp còn thấp hơn nếu như những người này tiếp tục làm việc trong 5 năm. Như vậy yên tâm đủ nguồn kinh phí để chi trả.



Nguồn: https://kinhtedothi.vn/du-nguon-kinh-phi-de-giai-quyet-cac-truong-hop-nghi-sau-sap-xep-bo-may.html

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available