Những ngày hè, công viên Yang Bay ở xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh là điểm đến thú vị của du khách khi đến tham quan tỉnh Khánh Hòa. Công viên du lịch này rộng gần 600 héc ta, được đầu tư thành điểm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp với quảng bá, giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Raglai. Công viên Yang Bay hấp dẫn du khách bởi vẻ hoang sơ của rừng núi, bạt ngàn cỏ cây và nhiều thác nước, không khí thoáng đãng. Tại đây có 3 thác nước từ trên cao chảy xuống dưới như dải lụa trắng, trong đó, tại thác Ho Cho, du khách được thưởng thức và khám phá mạch nước khoáng nóng tự nhiên.
Đầu năm 2024, huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa đón nhận tin vui khi Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đàn đá Khánh Sơn trở thành bảo vật quốc gia. Nơi đây còn các nghi lễ, phong tục tập quán đặc sắc của người Raglai như: Lễ bỏ mả được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể năm 2012; Lễ ăn đầu lúa mới; Nghi lễ vòng đời; Lễ tạ ơn. Huyện Khánh Sơn có các nhạc cụ dân tộc nổi tiếng đi vào thơ ca với cây đàn Chapi, có không gian sinh hoạt văn hóa cồng chiêng…
Tuy vậy, việc phát triển du lịch tại đây còn gặp nhiều khó khăn do việc đi lại còn cách trở. Mấy năm gần đây, huyện miền núi này bắt đầu xây dựng các điểm du lịch cộng đồng. Tại xã Sơn Lâm, mô hình làng du lịch cộng đồng Sa Mông của Hợp tác xã khởi nghiệp Xanh đang được đầu tư với sự tham gia của các hộ dân người Raglay và người Kinh.
Anh Huỳnh Mazsa, thành viên sáng lập Làng du lịch cộng đồng Sa Mông chia sẻ: “Các dịch vụ như lưu trú nhà sàn, ẩm thực Raglay có các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Qua đó, sẽ truyền tải đến du khách những hoạt động nghệ thuật của Raglay như đàn đá, đàn Chapi, các điệu múa của người Raglay. Các dịch vụ kết hợp sản phẩm leo núi, giới thiệu du khách trải nghiệm rừng, sông suối, thác, các di tích lịch sử tại xã Sơn Lâm, huyện Khánh Sơn”.
Giai đoạn 2022-2025, tỉnh Khánh Hòa dành gần 8 tỷ đồng hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng như: lắp đặt biển báo, biển chỉ dẫn ở các khu, điểm du lịch; xây dựng và phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch, bồi dưỡng kỹ năng phục vụ du lịch cho cá nhân, hộ gia đình trong cộng đồng…
Ông Văn Ngọc Hường – Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết huyện có tỷ lệ bao phủ rừng cao, nhiều sông suối, thác, hồ cùng với văn hóa đa dạng, đặc sắc của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, thủ công, chế biến nông sản… có cơ hội trở thành sản phẩm phục vụ khách du lịch.
“Khánh Vĩnh là đơn vị xuất phát sau, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý về đất đai, tài nguyên phải có trong quy hoạch, bài học về công tác đầu tư. Khi diễn ra rồi, công tác quản lý về du lịch sinh thái, nhiệm vụ kinh tế – xã hội sát sườn với nhau phải làm cho tốt, phải học hỏi nhiều thêm. Có cơ chế đầy đủ, điều kiện đầy đủ, Khánh Vĩnh sẽ có điều kiện thuận lợi hơn” – ông Văn Ngọc Hường nói.
Hiện nay, các sản phẩm du lịch cộng đồng tại miền núi tỉnh Khánh Hòa còn nhỏ lẻ, manh mún. Việc phát triển du lịch cộng đồng ở miền núi còn khó khăn, tự phát do quy hoạch sử dụng đất tại một số địa phương chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, ảnh hưởng đến công tác xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư.
Nhiều hợp tác xã, tổ chức, cá nhân đăng ký hoạt động du lịch trải nghiệm, du lịch trên đất nông nghiệp, đất rừng… gặp nhiều trở ngại khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh – Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa đề nghị các cấp thẩm quyền sớm hoàn thiện các quy hoạch chi tiết, thu hút đầu tư, tập trung xây dựng các điểm du lịch cộng đồng: “Đầy đủ các điều kiện mới thụ hưởng được. Chúng tôi và các sở, ngành phối hợp chặt chẽ, hướng dẫn chi tiết cụ thể. Song song đó, Sở Du lịch Khánh Hòa trực tiếp khảo sát, có định hướng để hỗ trợ các địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ này. Cần có giải pháp nếu như yếu về con người, cần phải cơ cấu thêm các ngành, lĩnh vực khác của huyện, vực dậy được du lịch cộng đồng tại địa phương”.
Nguồn: https://vov.vn/du-lich/du-lich-cong-dong-gap-kho-tai-huyen-mien-nui-khanh-hoa-post1096813.vov