Thời gian qua, hoạt động du lịch gắn với văn hóa Khmer đã có nhiều bước phát triển đáng khích lệ, nâng cao đời sống tinh thần, gắn với tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số…
Những năm qua, cùng với việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021–2030; giai đoạn I từ năm 2021–2025 (Chương trình MTQG 1719) đã hỗ trợ nguồn lực quan trọng và tiếp thêm động lực cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Nhờ vậy, hoạt động du lịch gắn với văn hóa Khmer đã có nhiều bước phát triển đáng kể, được xem là một nét mới, tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách.
Trình diễn nghệ thuật Khmer trong khuôn khổ sự kiện Ngày hội văn hóa du lịch hằng năm của tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh: Phương Nghi) |
Chung tay giữ gìn văn hóa của đồng bào Khmer
Hằng năm, vào các dịp lễ hội lớn, các phum, sóc của người Khmer vô cùng nhộn nhịp. Sự độc đáo, náo nhiệt của các lễ hội này đã thu hút hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến với Bạc Liêu. Cùng với các lễ hội, những ngôi chùa của người Khmer với lối kiến trúc độc đáo cũng là điểm thu hút khách du lịch tứ phương với nhiều tiết mục nghệ thuật dân gian truyền thống đầy màu sắc.
Ông Thạch Quyết ở ấp Cù Lao (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) chia sẻ: “Đa số các lễ hội truyền thống, hoạt động sinh hoạt văn hóa của người Khmer đều gắn với ngôi chùa. Tuy nhiên, các thiết chế văn hóa được đầu tư đến tận các ấp cũng có vai trò quan trọng trong việc gắn kết cộng đồng, thúc đẩy các phong trào văn hóa – văn nghệ ở cơ sở, trong đó việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc khu dân cư hằng năm là minh chứng. Ngoài chùa Khmer thì đây cũng là một không gian để giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa Khmer”.
Những sinh hoạt văn hóa được đồng bào Khmer, bảo tồn thể hiện sức sống mãnh liệt qua các loại hình âm nhạc, nghệ thuật truyền thống. Vì lẽ đó, chùa Xiêm Cán (xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) đã thành lập Đội văn hóa, văn nghệ (Đội văn nghệ) nhằm lưu giữ những giá trị văn hóa vốn có của người Khmer, đồng thời phục vụ người dân địa phương và du khách gần xa đến thưởng ngoạn cảnh chùa.
Thượng tọa Dương Quân, trụ trì chùa Xiêm Cán chia sẻ: “Từ khi có Đội văn nghệ, người dân địa phương và du khách đến chùa ngày càng nhiều hơn. Đó là tín hiệu đáng mừng, vì nghệ thuật Khmer vẫn còn nguyên sức sống mãnh liệt…”.
Thời gian qua, các địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Bên cạnh đó, đời sống ngày càng được nâng cao tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào Khmer tiếp xúc với sản phẩm văn hóa mới.
Bà Trần Thị Lan Phương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Trong hai năm qua, Bạc Liêu đã tổ chức trình diễn, tái hiện 2 lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer là Tết Chol Chnam Thmay, lễ hội Ok Om Bok. Hiện tại, Bạc Liêu là địa phương duy nhất trong khu vực có nhà hát biểu diễn nghệ thuật truyền thống phục vụ khán giả hằng tuần. Những tiết mục biểu diễn với trang phục truyền thống, phục dựng các lễ hội truyền thống một cách cô đọng, dễ hiểu, thu hút rất nhiều khách du lịch.
Bên cạnh đó, hỗ trợ kinh phí cho 2 đội văn nghệ của chùa Xiêm Cán mua sắm trang phục, hoạt động để phục vụ du lịch; tổ chức thi đấu các môn thể thao truyền thống dân tộc Khmer trong các ngày hội, liên hoan về văn hóa, thể thao của đồng bào Khmer. Đồng thời, sản xuất ấn phẩm phim tài liệu về bảo tồn các lễ hội truyền thống của dân tộc Hoa và Khmer; xây dựng các sản phẩm, dịch vụ, kết nối tua, tuyến thu hút khách du lịch”.
Để bảo tồn và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian múa Khmer nhiều phum sóc vùng đất Chín Rồng thường xuyên tổ chức múa trong sinh hoạt cộng đồng. (Ảnh: Phương Nghi) |
Phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống
Hiện nay, Sóc Trăng có 8 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó 5 di sản là của đồng bào Khmer là lễ hội đua ghe Ngo, nghệ thuật trình diễn sân khấu Dù kê, nghệ thuật trình diễn dân gian múa Rom vong, nghệ thuật trình diễn nhạc Ngũ âm, nghệ thuật sân khấu Rô băm. Trong đó, nổi tiếng nhất là lễ hội Ok Om Bok – Đua ghe ngo được tổ chức vào tháng 10 âm lịch hàng năm khi kết thúc vụ mùa.
Trong niềm vui và tự hào của đồng bào Khmer Sóc Trăng, nghệ thuật trình diễn dân gian nhạc ngũ âm, nghệ thuật múa Rom vong của người Khmer là loại hình văn hóa – nghệ thuật được hình thành và gắn liền các buổi sinh hoạt văn hóa, lễ hội tại các vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Khmer.
Ông Lưu Thanh Hùng, Trưởng đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Thời gian qua, Đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng tổ chức mở 2 lớp truyền dạy nghệ thuật sân khấu Rô băm, nhạc Ngũ âm và múa Rom vong, cho 153 học viên tham gia. Các học viên là diễn viên, học sinh, nhạc công và những người đam mê nghệ thuật múa, nhạc đến từ các đội, tụ điểm sinh hoạt văn hóa nghệ thuật tại các chùa Khmer và các trường phổ thông dân tộc nội trú…
“Thông qua công tác đào tạo, truyền dạy này, nhằm trang bị cho anh chị em học viên đầy đủ hơn những kiến thức về nghệ thuật truyền thống của đồng bào Khmer, nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của các loại hình di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”, ông Hùng chia sẻ.
Nghệ thuật trình diễn nhạc Ngũ âm luôn tạo sự lôi cuốn, thu hút đông đảo người dân và du khách. (Ảnh: Phương Nghi) |
Nhận thức được những giá trị văn hóa vô song đó trong nền văn hóa đầy màu sắc của đồng bào dân tộc Khmer, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo đơn vị chuyên môn tham mưu xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian này. Trước hết phải khẩn trương kiểm kê một cách đầy đủ để hiểu hơn nền văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer nhằm đề ra kế hoạch gìn giữ, bảo tồn các giá trị di sản văn hóa không bị mai một.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng, ông Sơn Thanh Liêm, hiện nay, các chùa Khmer trong tỉnh đang hướng đến xây dựng thiết chế văn hóa hoàn chỉnh. Từ trong phum, sóc của cộng đồng người Khmer Sóc Trăng vẫn luôn vang vọng tiếng nhạc Ngũ âm, vẫn nồng nàn điệu múa Rom vong… Thời gian qua, Sóc Trăng tích cực hỗ trợ các chùa Khmer về cơ sở vật chất và kinh phí thực hiện xây dựng thành các tụ điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng cộng đồng, nhằm góp phần gìn giữ và bảo tồn các loại hình di sản văn hóa truyền thống đặc trưng và phát hiện những tài năng mới cho văn hóa, nghệ thuật dân tộc tỉnh nhà.
Điệu múa Rom vong duyên dáng, dịu dàng, nhẹ nhàng là món ăn tinh thần không thể thiếu sau những giờ lao động. (Ảnh: Phương Nghi) |
“Hiện nay, tỉnh Sóc Trăng đã mở những lớp dạy múa Rom vong tại Trung tâm Văn hóa, Thư viện, Bảo tàng và Trung tâm Văn hóa Triển lãm Hồ nước ngọt Sở (Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng) tổ chức Lớp múa sinh hoạt cộng đồng dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng. Các học viên được huấn luyện viên Đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh hướng dẫn những kỹ năng múa cơ bản trong sinh hoạt cộng đồng của đồng bào dân tộc Khmer”, ông Liêm nói.
Nhờ sự quan tâm, chú trọng việc nâng cao đời sống tinh thần, công tác bảo tồn phát huy giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào Khmmer, còn gắn với tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số qua các dự án bảo tồn gắn với phát triển du lịch, dịch vụ phục vụ khách du lịch.