Trên dòng sông gần như hoang vắng, không có một bóng tàu: thỉnh thoảng mới thấy ven bờ có một con thuyền đánh cá, một chiếc xuồng tam bản nép mình dưới tán cây, một chiếc ghe mà người chèo đang vào lều đánh giấc trưa, trong lúc đợi thủy triều.
Sau những náo động của chuyến vượt biển, những tiếng gào thét của đại dương, sự hiu quạnh dưới bầu không sáng sủa này, sự tĩnh lặng và vạn vật bất động này mang đến cảm giác thật lạ.
Những người thích chu du cho rằng Sài Gòn chỉ là một điểm dừng không mấy thu hút trên tuyến đường Viễn Đông, phần nào giống như 36 giờ ngồi trong buồng đốt.
Chắc hẳn là không một ai, kể cả những người có suy nghĩ ngược đời nhất, lại có thể ca ngợi khí hậu miền này và giới thiệu Sài Gòn như một trạm nghỉ mùa đông lý tưởng.
Trên thực tế, thành phố khá thoáng đãng. Đây chắc chắn là một trong những đô thị đẹp nhất của phần châu Á liên chí tuyến và có thể là đô thị duyên dáng nhất. Có những thành phố khác lớn hơn, sầm uất hơn nhưng không có thành phố nào duyên dáng, lộng lẫy bằng Sài Gòn. Về mặt này, dù mới thành lập nhưng Sài Gòn không hề lép vế trước những đối thủ lâu đời hơn nó ở Đông Ấn Anh hay Đông Ấn Hà Lan [nay là Indonesia].
Tóm lại, Sài Gòn là công trình khiến nước Pháp tự hào hơn cả. Dù không có ý chê bai những thành phố thuộc địa khác của chúng ta, tôi cũng xin nói thêm rằng, theo tôi thì không thành phố nào ở các thuộc địa hải ngoại của chúng ta sánh được [Sài Gòn], đương nhiên là trừ Algérie và Tunisie!
Đó là ấn tượng của tôi về Sài Gòn khi đến đây lần đầu vào năm 1885, cũng như lần trở lại này, thấy thành phố được tôn tạo, mở thêm những đại lộ mới, khang trang hơn bao giờ hết, và đầy lạc quan bất chấp những muộn phiền hiện tại, đồng bạc Đông Dương rớt giá cùng những khó khăn về thương mại.
Thậm chí vùng phụ cận xấu xí, chuyến vượt biển chậm chạp, buồn tẻ đều là sự chuẩn bị thích đáng cho niềm vui bất ngờ khi đến nơi.
Hơn ba giờ qua, chúng tôi vẫn men theo những khúc quanh của dòng sông không bờ bãi, giữa những cù lao nửa chìm, nửa nổi do mê cung kinh rạch tạo thành. Con sông cứ mở rộng ra như một hồ nước lớn rồi hẹp lại thành những con lạch ngoằn ngoèo.
Có lúc những khúc cua sát nhau, gấp khúc đến nỗi đuôi tàu suýt va vào cành cây còn mũi tàu thì sượt qua bờ đối diện. Ở một trong những khuỷu sông này, đã xảy ra tai nạn đứt xích bánh lái và tốc độ khiến tàu mắc cạn trong rừng. Tuy nhiên, không mảy may nguy hiểm, tàu chỉ đâm vào bụi cây như một nhát dao xuyên vào cục bơ. Sau một giờ dừng nghỉ, dây xích được nối lại, tàu lùi, và chúng tôi tiếp tục lên đường.
Hơn bao giờ hết, chúng tôi không tin rằng mình đang ở gần một thành phố, thiên nhiên vô cùng hoang dã, không có gì cho thấy sự hiện diện của con người. Mặt trời dần khuất bóng.
Miền đất này không có hoàng hôn, chỉ nửa giờ nữa là đêm xuống. Lúc này chúng tôi đã đến đoạn hợp lưu của sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Chúng tôi vừa rời dòng sông hùng vĩ bắt nguồn từ dãy núi Trung Kỳ, bên mạn phải tàu thì cảnh tượng đột ngột thay đổi.
Bức mành cây bụi che kín hai bờ bị xé toạc, những cánh đồng canh tác, ruộng lúa nhấp nhô, một màu xanh mơn mởn trải tận chân trời, từ đây đất đai màu mỡ thay thế cho rừng ngập mặn. Trong ánh chiều tà, đồng quê có vẻ thật yên bình. Những bụi cây rải rác – đánh dấu vị trí một ngôi làng hay một túp lều tranh lẻ loi – trở thành những mảng tối không phân biệt được đường nét với tán lá. Vào thời khắc chạng vạng, góc nhỏ châu Á này khiến ta nhớ về châu Âu xa xôi, nhớ về một chiều muộn tháng 6 trên những đồng lúa mì sắp chín.
Bên trái hiện lên nhiều công trình lớn, lán hàng, kho cảng, ống khói cao của các nhà máy xát gạo, xa hơn nữa là rừng già, trên nền xanh đó những cột buồm, những biển báo và những tháp chuông của ngôi thánh đường mới [nhà thờ Đức Bà] vút lên trời. Sau khúc quanh cuối cùng là bến cảng: tàu chiến thả neo giữa sông, phần vỏ trắng sáng lên dưới ánh trăng, như những con chim biển lớn đang nghỉ ngơi. Bóng đen của ba hay bốn thương thuyền chạy hơi nước, rồi một đoàn thuyền Trung Hoa, sà-lúp, ghe, sà-lan, tấp nập ra vào rạch Chợ Lớn. Cuối cùng là những con thuyền tam bản An Nam nhỏ, với đèn bão treo ở mũi thuyền và lò lửa ở đuôi thuyền, qua lại như mắc cửi, lập lòe như đom đóm. (còn tiếp)
(Trích Vòng quanh châu Á: Nam kỳ, Trung kỳ, Bắc kỳ, Hoàng Thị Hằng và Bùi Thị Hệ dịch, AlphaBooks – Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I và NXB Dân Trí ấn hành tháng 7.2024)
Nguồn: https://thanhnien.vn/du-ky-viet-nam-sai-gon-do-thi-duyen-dang-nhat-185241202235211284.htm