Trao đổi với báo chí sáng 24/1, bà Trần Thị Thúy Lan, Phó Trưởng ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội cho biết, hiện công tác trùng tu biệt thự 49 Trần Hưng Đạo đã cơ bản hoàn thành.
Ban Quản lý quyết định mở cửa biệt thự này đón khách tham quan từ 26/1 với hoạt động trưng bày đầu tiên về quá trình trùng tu, cải tạo ngôi biệt thự. Ngoài các hình ảnh ghi lại quá trình trùng thu, trưng bày còn giới thiệu một số hiện vật như cấu kiện gỗ cũ của ngôi biệt thự, đôi găng tay của người thợ.
Bà Trần Thị Thúy Lan chia sẻ, căn biệt thự này là một kiến trúc Pháp điển hình của Hà Nội. Ban quản lý muốn người dân và du khách hiểu hơn về những kiến trúc đặc trưng làm nên vẻ đẹp cổ kính của Hà Nội. Những hình ảnh, hiện vật trưng bày lần này sẽ giúp người dân và du khách hiểu hơn quá trình mà các kiến trúc sư, chuyên gia của Việt Nam và Pháp đã nỗ lực tôn tạo, tu bổ ngôi biệt thự theo kiến trúc cũ.
Cùng với hoạt động mở cửa, trưng bày đón khách tham quan vào dịp Tết Nguyên đán, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội cũng đang xây dựng các kế hoạch để đưa vào sử dụng ngôi biệt thự này một cách hiệu quả với những hoạt động mang tính thường xuyên hơn, để địa chỉ này trở thành điểm đến của người dân và du khách.
Ban Quản lý dự báo, biệt thự 49 Trần Hưng Đạo sẽ sớm trở thành một điểm tham quan, check-in ưa thích của đông đảo bạn trẻ giống như Trung tâm văn hóa 22 Hàng Buồm thời gian qua sau khi cải tạo xong.
Sau khoảng một năm trùng tu lớn với sự hỗ trợ của các chuyên gia Pháp, biệt thự 49 Trần Hưng Đạo sắp hoàn thành cải tạo. Biệt thự này từng gây tranh cãi lớn trên truyền thông về màu vôi khi cải tạo. Các chuyên gia Pháp khẳng định, ngôi biệt thự được tôn tạo, bảo tồn theo đúng màu sơn gốc. Vì thế, quận Hoàn Kiếm bảo lưu quan điểm bảo tồn đúng màu vôi gốc.
Việc mở cửa ngôi biệt thự 49 Trần Hưng Đạo nằm trong chuỗi chương trình “Tết Việt – Tết phố 2024” do Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội tổ chức. Chương trình gồm nhiều hoạt động phong phú như: Dâng lễ cửa đình, dựng cây nêu, khai mạc sáng 28/1 tại đình Kim Ngân (Hàng Bạc); giới thiệu không gian sinh hoạt, đón Tết của một gia đình Hà Nội xưa tại ngôi nhà di sản (87 Mã Mây); trang trí không gian Tết truyền thống tại đình Kim Ngân (số 42 Hàng Bạc); trang trí không gian Tết truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ)… |
PV