TRÍ VĂN (Tổng hợp)
Ngày càng có nhiều tiến sĩ tốt nghiệp các ngành Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM) tại Mỹ chọn quay trở lại Trung Quốc. Chính những “rào cản vô hình” tại xứ cờ hoa buộc sinh viên Trung Quốc phải đưa ra những lựa chọn nghề nghiệp khó khăn.
Sinh viên Trung Quốc đang theo học tại Mỹ. Ảnh: SCMP
Sau nhiều tháng đấu tranh, Jackie Lee, một nghiên cứu sinh tiến sĩ năm cuối chuyên ngành toán ứng dụng tại Đại học Texas, quyết định quay về làm việc tại một trung tâm nghiên cứu ở thủ đô Bắc Kinh sau khi tốt nghiệp trong năm nay. Lee đã từ chối lời mời làm việc trước đó từ ngân hàng đầu tư đa quốc gia Mỹ Goldman Sachs. Nghiên cứu sinh 27 tuổi này cho biết anh cảm thấy vị trí đó không an toàn trong bối cảnh bất ổn chính trị gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington. “Lợi thế khi làm việc ở Mỹ là tôi có thể kiếm được nhiều tiền hơn nhưng có một rào cản đối với người châu Á ở đây và xu hướng này đang trở nên tồi tệ hơn do địa chính trị. Ngoài ra, một lý do chính đáng để tôi trở về Trung Quốc là tôi có thể phát triển tốt hơn chuyên môn của mình” – Lee chia sẻ.
Không riêng gì Lee, Noah Tsui, nghiên cứu sinh tiến sĩ năm hai chuyên ngành khoa học máy tính tại Đại học New Hampshire, cũng đang cân nhắc về nước làm việc trong bối cảnh Mỹ tìm cách “tuyệt giao” với Trung Quốc. “Tuy nhiên, những người tốt nghiệp tiến sĩ trở về Trung Quốc vẫn bị coi là người ngoài cuộc trên thị trường nghiên cứu khoa học trong nước” – Tsui lo ngại.
Bất chấp những quan ngại về sự cạnh tranh gay gắt ở quê nhà trong các lĩnh vực tương ứng, sự không chắc chắn về quan hệ Mỹ – Trung và môi trường nghiên cứu thuận lợi hơn ở trong nước đang thu hút nhiều tiến sĩ Trung Quốc tương lai trong các ngành STEM quay về nước để làm việc hoặc nghiên cứu. Kể từ khi chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi năm 2018 đưa ra “Sáng kiến Trung Quốc” nhằm chống lại các mối đe dọa an ninh quốc gia từ Bắc Kinh, trong đó nhiều học giả Trung Quốc được đưa vào “tầm ngắm”, Washington đã khiến nhiều nhân tài “ngã về” tay đối thủ châu Á. Số liệu thống kê do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế công bố hồi tháng 4 cho thấy, Mỹ hồi năm 2021 đã mất 896 học giả trong khi Trung Quốc tăng 3.108 người. Dưới thời chính quyền Trump, tỷ lệ lưu trú dài hạn của tiến sĩ Trung Quốc tương lai trong các ngành STEM tại Mỹ cũng giảm. Theo một cuộc khảo sát, trước năm 2017, hơn 80% nghiên cứu sinh cho biết họ có kế hoạch ở lại Mỹ sau khi nhận bằng tiến sĩ. Song, đến năm 2021, tỷ lệ này giảm xuống còn 74%.
Trong khi đó, Trung Quốc đặt mục tiêu thu hút nhiều tài năng STEM hơn để đạt được mục tiêu tự chủ về công nghệ. Và trong bối cảnh Trung Quốc có kế hoạch xây dựng một mạng siêu máy tính vào cuối năm 2025, các chuyên gia máy tính hàng đầu đang trở thành mục tiêu săn đón của chính quyền địa phương. Ở Bắc Kinh, những tài năng như Lee được hưởng những lợi ích hậu hĩnh bên cạnh những khoản hỗ trợ lớn, như được trợ cấp nhà ở, con cái được đi học miễn phí, được hỗ trợ về vốn và cơ sở hạ tầng nếu như họ bắt đầu kinh doanh riêng.
Tuy nhiên, Kun Dai, phó giáo sư về chính sách và quản lý giáo dục tại Đại học Hong Kong, cho rằng việc quay trở lại thị trường tài năng công nghệ cao của Trung Quốc là không hề dễ dàng. Theo đó, chính quyền địa phương đã đặt ra nhiều tiêu chuẩn trong bối cảnh sự cạnh tranh giữa các tài năng ngày càng gay gắt. Một số thành phố ở Trung Quốc thậm chí chỉ tiếp nhận các tiến sĩ được đào tạo từ các trường nằm trong tốp 50 đại học hàng đầu thế giới.
Báo cáo thường niên được Cơ quan Thực thi di trú và hải quan Mỹ công bố hồi tháng 4 cho thấy, Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục là 2 quốc gia đứng đầu về số lượng du học sinh đến Mỹ trong năm 2022, với lần lượt là 324.196 và 297.151 người. Song, so với năm 2021, Trung Quốc ghi nhận mức giảm đáng kể gần 25.000 người trong khi Ấn Độ tăng mạnh với hơn 64.000 du học sinh. Nếu xu hướng này tiếp tục thì Trung Quốc có khả năng để mất “ngôi đầu” vào tay Ấn Độ.