GVR: Tổng công suất chế biến có thể nâng lên mức 200.000 tấn/năm
Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã cổ phiếu GVR – sàn HoSE) cho biết, công tác thu mua mủ cao su toàn tập đoàn trong những năm qua đã đạt được kết quả nhất định, góp phần đáng kể vào kết quả sản xuất kinh doanh chung và thể hiện vai trò vị thế có ý nghĩa kinh tế, xã hội trên các địa bàn của GVR.
GVR hiện có 37 đơn vị thành viên tổ chức trực thuộc chuyên thu mua mủ cao su. Trong đó, khu vực Đông Nam bộ có 13 công ty; khu vực Tây Nguyên có 10 công ty; khu vực Duyên hải miền Trung có 5 công ty; khu vực Miền núi phía Bắc có 2 công ty. Tại thị trường nước ngoài, GVR đang có 4 công ty tại Campuchia và 2 công ty tại Lào tổ chức thu mua mủ cao su.
Theo đánh giá, cao su tiểu điền do các hộ nông dân trồng nhỏ lẻ đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng cao su thiên nhiên, chiếm khoảng 60% tổng lượng mủ cao su được khai thác trên toàn diện tích cao su của cả nước.
Do đó, việc tổ chức tốt việc thu mua cao su từ các hộ nông dân sẽ tạo ra nguồn cung ổn định cho GVR, giúp tận dụng tối đa công suất của các đơn vị thành viên, nhất là trong bối cảnh GVR đang dần chuyển đổi các vườn trồng cao su thành đất khu công nghiệp.
Ông Trần Thanh Phụng – Phó Tổng Giám đốc GVR nhận định, nếu tổ chức và duy trì tốt hoạt động thu mua thì sản lượng thu mua mủ cao su hàng năm của GVR có thể đạt được 100.000 tấn. Năng lực chế biến của các nhà máy trong tập đoàn nếu phát huy hết công suất vẫn có thể chế biến lên đến 200.000 tấn/năm.
Trước đó, GVR và ngành cao su nói chung được hưởng lợi từ những thông tin tích cực từ thị trường cao su trong nước. Cụ thể, theo ước tính, lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cao su đạt khoảng 722.000 tấn, trị giá 1,09 tỷ USD, giảm 5,8% về lượng, nhưng tăng 4,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu cao su Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định nhờ giá cao su đang ở mức cao, cùng với mức tiêu thụ liên tục ổn định.
Theo Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), hiện Việt Nam có quy mô sản lượng mủ cao su đạt 1,3 triệu tấn mỗi năm từ 910.000 ha diện tích trồng cây cao su. Tuy nhiên, chỉ 70-75% trong số này là các cây cao su trưởng thành sẵn sàng khai thác. Hàng năm có hơn 300.000 tấn cao su được sử dụng trong sản xuất chế biến, còn lại một lượng lớn nguyên liệu cao su để xuất khẩu.
Điều này đang mở ra một dư địa lớn cho xuất khẩu nguyên liệu cao su của GVR, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu có khả năng tiếp tục thiếu hụt trong giai đoạn 2024-2025.
Giá bán cao su của GVR dự báo tiếp tục cao nửa cuối năm nay
Lãnh đạo GVR cho biết giá bán bình quân mủ cao su sơ chế trong nửa đầu năm nay đạt 38,4 triệu đồng/tấn, cao hơn 6 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ năm 2023, là một tín hiệu tích cực cho những tháng cuối năm. Với các diễn biến hiện tại, giá bán cao su của GVR dự báo sẽ tiếp tục đứng ở mức cao trong nửa cuối năm nay.
Tại đại hội cổ đông bất thường năm 2024, GVR đặt kế hoạch sản xuất kinh doanh hợp nhất năm 2024 với doanh thu và thu nhập khác đạt 24.999 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 4.104 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 3.437 tỷ đồng.
Về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 của Công ty mẹ – Tập đoàn, cụ thể: Doanh thu và thu nhập khác 3.988 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 1.454 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 1.454 tỷ đồng. Năm nay, Công ty mẹ – Tập đoàn có kế hoạch đầu tư phát triển 1.146 tỷ đồng.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận của năm 2024 của Công ty mẹ – Tập đoàn sẽ dành 1.200 tỷ đồng để chia cổ tức (3%/vốn điều lệ) và 254 tỷ đồng trích lập các quỹ theo quy định.
Được biết, tính chung 5 tháng đầu năm nay, sản lượng cao su tiêu thụ toàn Tập đoàn đạt 150.000 tấn, đạt 29% kế hoạch năm. GVR đã thu về khoảng 1.108 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 5 tháng đầu năm nay, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023, và hoàn thành 32,2% kế hoạch cả năm nay.
Để hoàn thành mục tiêu năm 2024 và các năm tiếp theo, VRG sẽ tăng cường công tác quản lý kỹ thuật, khai thác đảm bảo đạt và vượt kế hoạch năm 2024; theo dõi sát tình hình thực hiện kế hoạch sản lượng để kịp thời có phương án phù hợp; đồng thời, tăng cường công tác thu mua mủ cao su của nông dân để tăng doanh thu, phát huy công suất các nhà máy chế biến.
VRG sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến của thị trường để điều hành giá sàn phù hợp, kịp thời nhằm mang lại hiệu quả và quản trị hàng tồn kho của toàn Tập đoàn ở mức phù hợp; đẩy mạnh tiếp thị, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ mủ cao su và các sản phẩm của Tập đoàn.
Doanh nghiệp chủ động rà soát tình hình hoạt động của các công ty gỗ để có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực gỗ ổn định và phát triển trong thời gian tới. Tiếp đó là bảo đảm khả năng cung ứng nguyên liệu cao su, gỗ cao su của Tập đoàn cho ngành công nghiệp cao su, ngành chế biến gỗ trong nước và xuất khẩu.
Nguồn: https://danviet.vn/tap-doan-cong-nghiep-cao-su-viet-nam-du-dia-lon-cho-xuat-khau-nguyen-lieu-cao-su-20240717213453773.htm