Sau nhịp giảm điểm đầu tháng 8, VN-Index đã phục hồi tương đối ấn tượng khi quay trở lại vùng đỉnh ngắn hạn cũ quanh 1.280 – 1.300 điểm, với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu trụ.
Bước sang những ngày đầu tháng 9, trái ngược với các dự báo lạc quan, thị trường đã liên tiếp giảm điểm, xu hướng của VN-Index trở nên kém tích cực khi không giữ được vùng hỗ trợ đường giá trung bình 20 phiên. Chỉ số đang chịu áp lực điều chỉnh về vùng giá 1.250-1.255 điểm.
Diễn biến hiện tại vẫn chưa cho thấy lực cầu, dòng tiền ngắn hạn gia tăng trở lại. Trong những phiên tiếp theo, các chuyên gia còn đưa ra kịch bản dự báo chỉ số có thể tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh về vùng 1.250 điểm và phục hồi kiểm tra lại vùng kháng cự gần nhất hiện nay tương ứng quanh 1.265 điểm.
Theo nhận định của TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư DG Capital, hiện đang là thời điểm vùng trũng thông tin nên trạng thái giằng co, biến động hẹp đi kèm thanh khoản thấp nhiều khả năng sẽ lại tái diễn trong ngắn hạn. Diễn biến này có thể kéo dài trong tháng 9 và TS Phương đưa ra quan điểm không loại trừ xu thế giằng co theo chiều giảm dần diễn ra bởi sự khó khăn trong hoạt động lướt sóng ngắn hạn thời gian qua sẽ khiến dòng tiền ngắn hạn chảy vào thị trường suy yếu.
Ngoài ra, xu hướng thị trường trong nước còn sẽ bị tác động phần nào bởi xu hướng chung của chứng khoán thế giới. Bên cạnh đó, sự phân hoá sẽ diễn ra theo dự báo kết quả kinh doanh quý III của từng doanh nghiệp và nhóm ngành.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VCBS cũng đưa ra nhận định, thị trường sụt giảm khá mạnh trong những phiên gần đây chủ yếu do thiếu động lực từ lực cầu và tâm lý thận trọng của nhà đầu tư. VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư giữ tâm lý bình tĩnh, không nên vội vàng bán ra mà nên chờ đợi những nhịp hồi phục để cơ cấu lại danh mục nếu cần thiết. Ưu tiên trước mắt vẫn sẽ là nắm giữ các cổ phiếu duy trì được xu hướng vận động tích cực với tỉ lệ khoảng 50% danh mục và đưa tỉ trọng đòn bẩy về mức an toàn. Với diễn biến hiện tại, khu vực 1.250 điểm sẽ là hỗ trợ gần nhất và có thể sẽ sớm có nhịp phục hồi tại vùng điểm số này.
Các chuyên gia cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện tại thì những rủi ro địa chính trị, các xung đột khu vực vẫn luôn là đề tài mà các chuyên gia và các nhà đầu tư thế giới quan tâm. Đây là một trong những lý do hàng đầu có thể ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư. Từ việc biến động giá của các hàng hóa cơ bản như giá cước vận tải, cao su, dầu thô, đường, giá vàng có thể ảnh hưởng ngay đến diễn biến giá các tài sản, biến động ngắn hạn của thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, diễn biến chính sách tiền tệ giai đoạn quý III và cuối năm 2024 cũng sẽ tác động đến hành động của các quỹ đầu tư và diễn biến giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân và các nhà đầu tư tổ chức. Hoạt động thắt chặt hay nới lỏng luôn là yếu tố quan trọng liên quan đến xu hướng của thị trường chung.
Cuối cùng, triển vọng tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng GDP, chỉ tiêu PMI toàn cầu, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết, số liệu tăng trưởng doanh thu/lợi nhuận của các công ty cũng tác động đến các giả định, mức định giá. Đó là những yếu tố mà các nhà đầu tư cần lưu ý cho giai đoạn cuối năm 2024.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/dong-tien-van-dung-ngoai-thi-truong-chung-khoan-1392550.ldo