Quyết định tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã làm chao đảo nền kinh tế toàn cầu ngay sau khi công bố. Đồng Yên tăng lên mức cao nhất trong vòng 7 tháng. Chỉ số chứng khoán Nikkei sau khi giảm cực mạnh vào thứ Hai, đã tăng trở lại 10,23% vào hôm nay. Đây là mức tăng trong ngày lớn nhất kể từ tháng 10.2008 và là mức tăng cao nhất về mặt điểm chỉ số.
Chứng khoán châu Á cũng gượng dậy sau đà bán tháo khốc liệt hôm qua. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng trên 3%. Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc đi ngang, Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) tăng 0,9%. Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia tăng 0,41%.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cho biết các nhà chức trách đang theo dõi chặt chẽ các động thái của tỷ giá hối đoái. Nó nên biến động theo hướng ổn định và phản ánh các yếu tố cơ bản của nền kinh tế.
Bộ trưởng Shunichi Suzuki cho hay: “Thật khó để nói lý do đằng sau sự sụt giảm của cổ phiếu”. Ông đồng thời nói thêm rằng chính phủ đang hợp tác với Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) và theo dõi chặt chẽ các thị trường với cảm giác cấp bách.
Theo nhà phân tích Vishnu Varathan của Ngân hàng Mizuho, BOJ đang ở trong tình thế khó khăn hơn, vật lộn để quay lại một cách đáng tin cậy sau định hướng diều hâu gây ra sự lao dốc không mong muốn của chỉ số Nikkei.
Trang tin Marketwatch nhận định làn sóng tăng giá gần đây của đồng Yen, kết hợp với việc BOJ tăng lãi suất đã tạo ra tâm lý chung bất ổn cho các nhà đầu tư. Nó không chỉ ở vài thị trường Mỹ hay Nhật Bản mà là trên khắp toàn cầu do có sự liên thông.
Sự rung lắc phần nào còn đến từ phía bên kia bán cầu khi bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ cuối tuần trước cho thấy các dữ liệu thị trường lao động hạ nhiệt nhanh hơn kỳ vọng. Điều này dấy lên lo ngại về rủi ro suy thoái kinh tế.
Riêng với Việt Nam, ông Barry Weisblatt David – Giám đốc Khối phân tích Công ty chứng khoán VNDIRECT – cho rằng việc Nhật Bản tăng lãi suất có rất ít tác động. Ông nói: “Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Việt Nam. Hầu hết khoản đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam là nguồn vốn hỗ trợ phát triển (giữa các Chính phủ) hay nguồn vốn FDI dài hạn, như khoản đầu tư 1,5 tỉ USD của SMBC vào VPBank. Dòng vốn này vốn không nhạy cảm với những biến động tiền tệ ở mức vừa phải giống như cách mà các dòng vốn ETF sẽ phản ứng.
Vì vậy, tin tức ngày hôm qua khó có thể gây ra nhiều thay đổi trong dòng vốn đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam. Tôi không nghĩ rằng các nhà đầu tư toàn cầu sẽ rời khỏi Việt Nam để chuyển sang Nhật Bản chỉ để nhận thêm được 25 điểm cơ bản lãi suất đồng Yên”.
7 tháng đầu năm nay, Nhật Bản duy trì trong top 5 nhà đầu tư FDI lớn nhất Việt Nam với 991,5 triệu USD. Trong đó công nghiệp chế biến chế tạo chiếm đến 50% tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào nước ta.
Do sự sụt giảm của đồng Yên, số lượng doanh nghiệp FDI Nhật Bản đầu tư mới vào Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Nhưng theo đại diện Jetro, đây chỉ là xu hướng ngắn hạn. 70% doanh nghiệp Nhật đang hoạt động tại Việt Nam đang có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất của mình với những mô hình, hoạt động kinh doanh mới. Nửa đầu năm nay, số dự án cấp mới có giảm 20% nhưng số tiền đầu tư của các doanh nghiệp đã hoạt động lâu năm lại có xu hướng tăng.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/dong-tien-se-khong-roi-viet-nam-khi-nhat-ban-tang-lai-suat-1376865.ldo