Theo Báo Nikkei Asia, tình hình địa chính trị thế giới đang thúc đẩy cạnh tranh trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây và thương mại điện tử trong bối cảnh bùng nổ truyền thông xã hội tại khu vực Đông Nam Á.
Cạnh tranh từ điện toán đám mây
Một báo cáo trong năm nay của Google, Temasek Holdings và Công ty Tư vấn Bain & Co của Mỹ đánh giá, nền kinh tế kỹ thuật số đang bùng nổ của khu vực Đông Nam Á được dự đoán sẽ đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030, và là một trong số ít khu vực trên thế giới mà các gã khổng lồ công nghệ Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh trực tiếp. Cùng với những gã khổng lồ công nghệ Mỹ như Microsoft, Google, Amazon và Meta, Singapore là nơi đặt trụ sở khu vực cho các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc như bộ phận dịch vụ đám mây của Alibaba và TikTok.
Các công ty Mỹ dẫn đầu về dịch vụ đám mây và phần mềm doanh nghiệp được các doanh nghiệp sử dụng. Trong khi đó, Trung Quốc đang dẫn đầu về số lượng người tiêu dùng ở nhiều hạng mục. Chuyên gia James Lewis của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ, tác giả báo cáo về dịch vụ đám mây, cho biết: “Có sự chia rẽ ở Đông Nam Á giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, trong đó doanh nghiệp ủng hộ Mỹ và người tiêu dùng ủng hộ Trung Quốc”.
Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường IDC của Mỹ, các công ty Mỹ hiện đang thống trị thị trường điện toán đám mây ở Đông Nam Á là Microsoft và Amazon Web Services (AWS) có tổng thị phần lên đến hơn 60% trong cơ sở hạ tầng của khu vực, được biết đến như là “thị trường dịch vụ”, nơi cung cấp điện toán đám mây cho các công ty khác. Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc cũng đang đầu tư mạnh vào khu vực, đưa ra những mức giá chiết khấu hấp dẫn mà các công ty Mỹ đang phải vật lộn để bắt kịp.
Chuyên gia Lewis nhận định, dịch vụ đám mây là lĩnh vực ngày càng mang tính chiến lược trên toàn cầu. Chính phủ Mỹ đang tranh luận về việc có nên bổ sung dịch vụ đám mây vào danh sách “cơ sở hạ tầng quan trọng”, được coi là thiết yếu đối với an ninh quốc gia hay không. Việc lựa chọn nhà cung cấp đám mây có thể dẫn đến việc mọi lĩnh vực đều phụ thuộc vào các nhà cung cấp này để có được các công nghệ kỹ thuật số, từ ngân hàng đến hàng không và thậm chí cả ngành ô tô.
Theo IDC, doanh thu cơ sở hạ tầng đám mây của khu vực Đông Nam Á đã tăng lên 2,18 tỷ USD vào năm 2022, tăng 25% so với năm trước. Singapore chiếm khoảng một nửa trên tổng số, trong khi Philippines, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Indonesia đều ghi nhận mức tăng trưởng hàng năm trên 30%, vượt xa các thị trường châu Á và toàn cầu, với mức tăng trưởng lần lượt là 25% và 29%.
Đến AI
Với sự lan rộng nhanh chóng trên toàn cầu của AI tạo sinh, cuộc cạnh tranh kỹ thuật số ở Đông Nam Á cũng đang bước vào giai đoạn mới. Một trong những yếu tố quan trọng nhất để cạnh tranh trong lĩnh vực AI là phải có các trung tâm dữ liệu và điện toán khổng lồ cần thiết để phát triển, đào tạo và vận hành AI thế hệ mới – điều có thể làm thay đổi sự cạnh tranh trên thị trường đám mây.
Microsoft, công ty dẫn đầu trong cuộc đua AI sau khi công ty đối tác OpenAI ra mắt ChatGPT vào năm 2022, đang nhanh chóng phát triển thị trường ở Đông Nam Á. Tháng 10-2023, ngân hàng cho vay lớn của Singapore là United Oversea Bank tuyên bố trở thành ngân hàng đầu tiên của quốc đảo này bắt đầu thử nghiệm Microsoft Copilot – ứng dụng văn phòng hỗ trợ AI được ra mắt vào tháng 9-2023. Ngân hàng Security Bank ở Philippines cũng đã áp dụng hệ thống này.
Google cạnh tranh với Microsoft trên toàn cầu bằng nhiều dịch vụ khác nhau sử dụng công nghệ AI tạo sinh, bao gồm cả dịch vụ tìm kiếm. Một giám đốc điều hành Google có trụ sở tại châu Á cho biết: “Mối đe dọa thực sự của chúng tôi là ChatGPT”. Những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc cũng vậy. Gần như mọi công ty công nghệ lớn của Trung Quốc, từ Baidu, ByteDance đến Tencent và Alibaba, đều đã công bố các chương trình riêng để đối phó với ChatGPT hoặc công bố kế hoạch thực hiện điều đó. Các chương trình này bao gồm Ernie của Baidu và Grace của ByteDance. Ngay cả các công ty địa phương ở Đông Nam Á như VNG – một công ty game của Việt Nam – cũng đang có kế hoạch tung ra các dịch vụ của riêng mình.
Để cạnh tranh, Meta đã phát hành mô hình ngôn ngữ lớn Llama 2 vào tháng 7 vừa qua, biến phần mềm này thành nguồn mở trong nỗ lực cạnh tranh với ChatGPT – một phần mềm độc quyền. Phần mềm nguồn mở cho phép mọi người tự do sử dụng, sửa đổi và phân phối phần mềm. Phát hành phần mềm nguồn mở là chiến lược thường xuyên của các công ty công nghệ đang cố gắng bắt kịp người dẫn đầu thị trường.
MINH CHÂU