Quả vải thiều Thanh Hà đã đến được nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, Australia… và “giữ chân” các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Lào… Quả vải dần chinh phục thị hiếu người tiêu dùng thế giới, với sản lượng xuất khẩu tăng dần theo từng năm.
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng trực tiếp dẫn đoàn Đại sứ nước ngoài cùng các phu nhân, phu quân thăm quan vườn vải thiều tại huyện Thanh Hà. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Phía sau câu chuyện một loại trái cây đặc sản Việt Nam xuất khẩu thành công, đi từ đồng ruộng lên được “bàn ăn của thế giới”, là hành trình “đầy gian nan và vất vả” như chia sẻ của ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ameii Việt Nam.
Để đến được các thị trường cao cấp, đặc biệt là Mỹ, Nhật Bản, hành trình gian nan và vất vả đó không chỉ riêng của doanh nghiệp, mà của toàn bộ hệ thống, từ các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan quản lý chuyên ngành, doanh nghiệp và nông dân…
Hành trình gian nan
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, năm 2023, sản lượng vải thiều toàn tỉnh ước đạt 60.000 tấn, trong đó vải thiều Thanh Hà khoảng 40.000 tấn. Trong đó, trên 50% sản lượng được xuất khẩu sang các thị trường truyền thống và cao cấp.
Trong câu chuyện với Báo Thế giới & Việt Nam, ông Nguyễn Khắc Tiến hồ hởi khoe, năm 2023, riêng Công ty Ameii Việt Nam xuất khẩu khoảng hơn 2.000 tấn vải thiều Thanh Hà. Quả vải được thu mua tại Hợp tác xã Ameii Việt Nam (thuộc Công ty CP Ameii Việt Nam) và các tổ sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Quả vải tươi được xuất khẩu bằng cả đường biển và hàng không sang Nhật Bản, Singapore, Anh, Australia, EU và Trung Đông…
Ông Tiến khẳng định, “thành công của Công ty Ameii Việt Nam thời gian qua có sự hỗ trợ rất tích cực từ các cơ quan của Bộ Ngoại giao, đặc biệt là Đại sứ tại các nước như Nhật Bản, Thụy Sỹ và một số nước châu Âu. Thậm chí, ngay khi có thông tin về mùa vụ nông sản, các Đại sứ đã chủ động liên hệ với doanh nghiệp để lên kế hoạch giới thiệu sản phẩm”.
Chẳng hạn, trong vụ vải thiều vừa qua, doanh nghiệp đã được Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva, Thụy Sỹ; hay Đại sứ Ngô Toàn Thắng tại Kuwait rất quan tâm, ủng hộ và hỗ trợ triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại. Thông qua các hoạt động thiết thực như hội chợ, hay Lễ hội vải tại Kuwait, người tiêu dùng sở tại biết nhiều hơn về nông sản Việt Nam. Qua kênh thông tin từ các Đại sứ, doanh nghiệp có được điều kiện thuận lợi hơn để xuất khẩu vào các thị trường này.
Ông Nguyễn Khắc Tiến khẳng định, kênh xúc tiến từ Cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước đã chứng minh tính hiệu quả, các đối tác, khách hàng khi đến làm việc với doanh nghiệp thông qua lời giới thiệu của các Đại sứ đều rất an tâm và tin tưởng để đi đến hợp tác.
Công ty Ameii Việt Nam hiện đã có kinh nghiệm xuất khẩu trên 35 mặt hàng nông sản đặc trưng vùng miền của các địa phương (như sầu riêng Tiền Giang, dừa Bến Tre, xoài Đồng Tháp, vải thiều Hải Dương, Bắc Giang…) tới hơn 30 quốc gia trên toàn thế giới.
Theo đó, để hoạt động hiệu quả, từ rất sớm, Công ty đã triển khai bao tiêu, liên kết chuỗi với bà con nông dân, các hợp tác xã trên phạm vi toàn quốc. Hiện Công ty Ameii đang triển khai các vùng trồng và liên kết với nông dân trên diện tích khoảng 500 ha ở huyện Thanh Hà sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu chất lượng ổn định, để gia tăng sản lượng xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho nông dân.
“Với mục tiêu coi ngoại giao kinh tế là mũi nhọn, Bộ Ngoại giao cam kết sẵn sàng và tiếp tục đồng hành với Hải Dương và các tỉnh, thành trong cả nước trong thúc đẩy triển khai công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, góp phần giúp tỉnh phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, khẳng định vị thế là điểm đến văn hoá, đầu tư và kinh doanh tin cậy của các đối tác quốc tế”. Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế, Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng |
Trải nghiệm hiếm có
Cùng với kỳ vọng lớn của Chính phủ vào công tác ngoại giao kinh tế nhằm tăng cường công tác tham mưu, đóng góp vào mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế bền vững; và việc Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đến năm 2030, với tầm vóc là một động lực quan trọng đóng góp thực hiện những mục tiêu, khát vọng phát triển đất nước, theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, đúng với tinh thần “lấy địa phương, doanh nghiệp, người dân làm trung tâm phục vụ”, công tác ngoại giao kinh tế bước vào giai đoạn phát triển mới với kỳ vọng, yêu cầu cao, tinh thần triển khai quyết liệt, khẩn trương, hiệu quả và thực chất hơn.
Trên tinh thần đó, Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài bám sát nhu cầu trong nước, đẩy mạnh hơn nữa công tác hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương thúc đẩy quan hệ với các đối tác, tập đoàn lớn của nước ngoài; tìm kiếm các địa bàn, lĩnh vực và cơ chế mới để đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu.
Trở lại với Thanh Hà – vùng vải thiều nổi tiếng cả nước, nhiều Đại sứ nước ngoài tại Việt Nam đã có cơ hội lần đầu tiên tự tay hái và thưởng thức vải thiều trong chuyến tham quan vào ngày 17/6/2022, do Bộ Ngoại giao phối hợp với UBND tỉnh Hải Dương tổ chức.
Trong chuyến đi này, Đại sứ các nước, cùng phu nhân, phu quân, nhiều vị khách nước ngoài đã tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa tại địa phương, đến thăm một số vườn trồng vải xuất khẩu; thăm một số cơ sở đóng gói đang xuất khẩu vải thiều đi Nhật Bản, Mỹ, Australia…
Đánh giá về chuyến tham quan, Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama, Trưởng đoàn ngoại giao tại Việt Nam cho rằng, đây là “cơ hội hiếm có với người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam. Các thành viên của đoàn được thăm cây vải tổ, tìm hiểu về nguồn gốc của trái vải, trái cây ngon, ngọt rất đặc biệt của Việt Nam”.
Được biết, nguồn gốc quả vải thiều Thanh Hà đã có cách đây gần 200 năm. Đây là nông sản duy nhất của Hải Dương nằm trong 39 sản phẩm của Việt Nam được bảo hộ độc quyền chỉ dẫn địa lý tại thị trường các nước EU. Ngoài ra, toàn tỉnh có 203 mã số vùng trồng xuất khẩu đi các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Australia, Trung Đông.
“Các đoàn đại biểu quốc tế và Bộ Ngoại giao sẽ là cầu nối hỗ trợ tỉnh Hải Dương tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị với bạn bè quốc tế. Đồng thời mở ra nhiều cơ hội mới, tốt đẹp hơn cho mối quan hệ hợp tác đầu tư giữa tỉnh với các địa phương và cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp quốc tế”. Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng |
Ông Ngô Bá Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Hải Dương, kiêm Trưởng phòng Xúc tiến thương mại, Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Hải Dương đánh giá, nhờ sự kết nối giữa địa phương, các cơ quan có liên quan, đặc biệt là Bộ Ngoại giao và các doanh nghiệp, quả vải thiều Thanh Hà có nhiều cơ hội hơn tại các thị trường lớn trên khắp thế giới. Theo ông, “công tác ngoại giao kinh tế những năm qua có những đóng góp tích cực và quan trọng đối với sự phát triển của địa phương và doanh nghiệp, giúp mở rộng mối quan hệ với các đối tác nước ngoài, thúc đẩy giao thương hàng hóa hai chiều, thâm nhập thị trường quốc tế, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ…”.
Kỳ vọng vào vai trò là đầu mối tiên phong mở ra các mối quan hệ, ông Ngô Bá Đức mong muốn các cơ quan của Bộ Ngoại giao tiếp tục nghiên cứu, thu thập thông tin nhanh và trúng, tư vấn cho địa phương, doanh nghiệp sớm nắm bắt cơ hội, từ đó được hưởng những thành quả của nền khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại trên thế giới.
Nhằm tăng tính hiệu quả trong hợp tác giữa địa phương, doanh nghiệp và cơ quan ngoại giao, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Hải Dương mong muốn xây dựng liên kết chặt chẽ hơn giữa các Đại sứ quán với các hiệp hội ngành hàng, tạo kênh thường xuyên cung cấp thông tin về thị trường, doanh nghiệp và môi trường pháp luật sở tại.
Để tăng cường công tác xuất khẩu trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn Bộ Ngoại giao, Đại sứ tại các nước tiếp tục hỗ trợ thông tin về thị trường tiêu dùng của nước sở tại và dự báo xu thế, để doanh nghiệp có nhiều thông tin chính thức về thị trường xuất khẩu; tăng cường các hoạt động kết nối, giao lưu doanh nghiệp Việt Nam và các thị trường nhập khẩu thông qua kênh online hoặc các hội chợ thương mại; hỗ trợ tìm hiểu thông tin đối tác nhập khẩu, nhằm giúp doanh nghiệp xuất khẩu giảm thiểu tối đa các nguy cơ bị lừa đảo hoặc gặp khó khăn, khi giao thương với các đối tác không uy tín. Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ameii Việt Nam Nguyễn Khắc Tiến |