Những năm qua, dưới sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), các chính sách hỗ trợ, sự vào cuộc của cộng đồng xã hội và nỗ lực vươn lên của chính người dân, sinh kế cũng như thu nhập của Nhân dân trên địa bàn tỉnh nói chung và các hộ nghèo đều được cải thiện.
Nhìn từ huyện nghèo bậc nhất cả nước là Kỳ Sơn sẽ thấy rõ điều đó. Theo chia sẻ của lãnh đạo huyện Kỳ Sơn, giai đoạn 2016-2020, đã có nhiều mô hình giảm nghèo theo Chương trình 30a về hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế được thực hiện. Những mô hình sát sườn, gắn với lợi ích trực tiếp của người dân đã thực sự phát huy hiệu quả như: mô hình nuôi bê sinh sản, nuôi dê thịt, nuôi lợn rừng, trồng mận Tam Hoa…
Từ “đòn bẩy” của việc triển khai hiệu quả các mô hình, đã xuất hiện những triệu phú vùng biên ở Kỳ Sơn, trong đó có nhiều hộ gia đình có trang trại chăn nuôi trâu, bò, dê đến hàng chục con. Theo Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Nguyễn Viết Hùng, các dự án, nguồn lực của chương trình đều hướng tới hỗ trợ người nghèo để họ có sinh kế, việc làm, thu nhập với mục đích thoát nghèo bền vững.
“Đặc biệt năm 2022, nguồn vốn từ Chương trình MTQG 1719 được phân bổ hơn 2 tỷ đồng đã được huyện triển khai 2 dự án chăn nuôi bê cái địa phương và chăn nuôi bê cái lai sind với 134 hộ tham gia. Kế tiếp năm 2023, nguồn vốn này tiếp tục phân bổ hơn 6,3 tỷ đồng và được huyện thực hiện 5 mô hình kinh tế gồm chăn nuôi bê địa phương, hỗ trợ máy sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi lợn đen, chăn nuôi vịt bầu, hỗ trợ giống cá trắm”, ông Hùng cho hay.
Trong giai đoạn 2016-2020, việc triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp Nhân dân. Bước sang giai đoạn 2021-2025, các Chương trình MTQG, trong đó trọng tâm là Chương trình MTQG 1719 tiếp tục hướng tới hỗ trợ người nghèo có sinh kế, việc làm, thu nhập, chủ động vươn lên thoát nghèo.
Với mục tiêu trọng tâm là hỗ trợ đúng đối tượng, đúng lúc, đúng nơi, đúng thời điểm…; các nguồn lực của Chương trình MTQG đã tập trung vào những hỗ trợ cơ bản về sinh kế, phát triển sản xuất, tăng thu nhập…
Để có nguồn lực thực hiện, công tác giải ngân đã được các cấp ngành quan tâm đẩy mạnh. Tính đến cuối năm 2023 tiến độ giải ngân nguồn vốn cho các dự án, tiểu dự án của Chương trình MTQG 1719 là hơn 23,5%. Đặc biệt, nhiều dự án, tiểu dự án có tỷ lệ giải ngân tốt như dự án 1 gần 30%, dự án 4 gần 45%, dự án 6 hơn 45%…
Được biết, từ năm 2021, UBND tỉnh Nghệ An đã thực hiện mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau, bằng cách phân công các sở, ngành, đơn vị thực hiện giúp đỡ các xã nghèo miền Tây. Hơn 10 năm thực hiện chủ trương này, từ các nguồn lực, toàn tỉnh đã huy động hơn 310 tỷ đồng giúp các xã nghèo; duy trì và phát triển 72 mô hình chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả; hỗ trợ cho bà con khoảng 6.000 con bò và hơn 3.000 vật nuôi các loại, với tổng số tiền 73 tỷ đồng.
Nếu như năm 2012 mới chỉ có 83 cơ quan, đơn vị nhận giúp đỡ 86 xã nghèo; thì đến nay đã có 113 cơ quan, đơn vị nhận giúp đỡ 115 xã nghèo. Hoạt động tương trợ đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; tạo điều kiện cho người dân ở vùng khó khăn có cơ hội nâng cao đời sống để từng bước thoát nghèo.
Trong số các cơ quan, đơn vị nhận giúp đỡ những hộ nghèo, xã nghèo; thì Bộ đội Biên phòng Nghệ An là một trong những đơn vị ghi nhiều dấu ấn. Ngoài nhận giúp đỡ 3 xã nghèo theo kế hoạch của tỉnh, Bộ đội Biên phòng Nghệ An còn triển khai kế hoạch phân công đảng viên đồn biên phòng phụ trách hộ gia đình khu vực biên giới.
Từ chủ trương này, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phân công 522 đảng viên phụ trách 2.387 hộ gia đình. Riêng trong năm 2023, lực lượng biên phòng trên 2 tuyến biên giới tỉnh Nghệ An đã hướng dẫn Nhân dân thực hiện có hiệu quả 59 mô hình phát triển kinh tế, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất và xóa đói giảm nghèo có hiệu quả, phù hợp với đối tượng, tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Trên 2 tuyến biên giới đất liền và biển, đội ngũ đảng viên quân hàm xanh đã trực tiếp “cầm tay chỉ việc” xây dựng các mô hình sinh kế, giúp các hộ nâng cao nhận thức, động viên, khích lệ ý chí vươn lên thoát nghèo. Theo Đồn trưởng Đồn biên phòng Nhôn Mai (Tương Dương) Phan Thanh Hồng, các mô hình đã gắn kết quân dân nơi biên giới. Động viên, hỗ trợ, khích lệ kịp thời những hộ dân có ý chí vươn lên thoát nghèo.
Công tác xóa đói, giảm nghèo; hỗ trợ người nghèo, xã nghèo bằng những mô hình sinh kế sát sườn đang ngày càng phát huy hiệu quả tích cực. Tuy vậy, nhiều xã ở tỉnh Nghệ An vẫn còn rất khó khăn. Theo Quyết định 861 ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Nghệ An vẫn còn 76 xã thuộc khu vực III, 38 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Còn theo Quyết định số 353 ngày 15/3/2022, tỉnh vẫn còn 4 huyện nghèo gồm Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu. Tính đến nay, toàn tỉnh còn hơn 45 ngàn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ gần 5,2%; trên 50 ngàn hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ hơn 5,7%, đang rất cần sự chung tay hỗ trợ của toàn xã hội.
Bởi thế, việc tiếp tục phát huy tinh thần tương trợ, hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo, nhất là người dân ở 76 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh vẫn phải tiếp tục được thực hiện quyết liệt hơn, cụ thể hơn bằng những phần việc, những hỗ trợ sát thực. Muốn có được sự hỗ trợ hiệu quả cao nhất, thì công tác bám nắm địa bàn, khảo sát kĩ đúng đối tượng để biết các địa phương và người dân cần gì và nhu cầu bức thiết ra sao, để từ đó xây dựng được những mô hình trọng tâm, trọng điểm, đạt được hiệu quả cao hơn nữa mới là điều then chốt nhất./.