Ngày 19/4, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức họp báo để thông tin kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng Quý I/2024. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì họp báo.
Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động
Phát biểu tại Họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I/2024 do NHNN Việt Nam tổ chức cuối tuần qua, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, trong quý I/2024, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại họp báo |
Cụ thể, về điều hành lãi suất, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành sau 4 lần điều chỉnh giảm trong năm 2023 trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo cao, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp. Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục khuyến khích TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Nhờ đó, lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các NHTM giảm so với cuối năm 2023. Cụ thể, theo báo cáo của các NHTM, đến ngày 31/3/2024, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm 2023 và lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2023.
Đặc biệt, để tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, ngày 31/12/2023, NHNN đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các TCTD và thông báo công khai nguyên tắc xác định để TCTD chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng.
Mặc dù NHNN đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhưng theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, tăng trưởng tín dụng thời điểm đầu năm 2024 khá thấp so với các năm gần đây, trong đó có nguyên nhân do nhu cầu vốn tín dụng thường tăng cao vào dịp cuối năm và thời điểm trước Tết Nguyên đán; cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức thấp do nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng hoạt động…
Tuy nhiên bằng nhiều giải pháp quyết liệt của NHNN; đồng thời các NHTM cũng tiếp tục triển khai quyết liệt các chương trình tín dụng chính sách; gói tín dụng 125.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội; gói 30.000 tỷ đồng cho vay lâm sản, thủy sản… Nhờ đó, tín dụng trong tháng 3/2024 đã tăng tích cực trở lại sau khi giảm trong 2 tháng đầu năm do yếu tố mùa vụ. Đến ngày 29/3, tín dụng nền kinh tế tăng 1,34% so với cuối năm 2023.
Ngoài ra, để hỗ trợ các ngân hàng và doanh nghiệp, NHNN đang đề xuất cho phép các ngân hàng thương mại kéo dài Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ thêm 6 tháng nữa. Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, việc kéo dài thời gian hiệu lực Thông tư 02, đảm bảo mức độ, liều lượng của chính sách hài hòa hai vấn đề, là chất lượng hoạt động của các ngân hàng và hỗ trợ doanh nghiệp.
Đại diện NHNN cũng thông tin về kết quả trên một số mặt hoạt động khác như thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục đạt được những kết quả tích cực; Khuôn khổ pháp lý về tiền tệ và hoạt động ngân hàng tiếp tục được hoàn thiện…
Tăng cung cho thị trường, thu hẹp chênh lệch giá vàng
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, đối với thị trường vàng, từ đầu năm 2024 đến nay, giá vàng quốc tế biến động theo xu hướng tăng là chủ đạo. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến giá vàng tăng nhanh trong giai đoạn vừa qua. Đó là do các nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm cắt giảm lãi suất trong năm 2024 khiến chỉ số đồng USD (DXY) giảm điểm, nhu cầu về vàng tăng; NHTW một số nước tăng mua vàng, đặc biệt lo sợ căng thẳng Trung Đông leo thang và sức ép từ giá dầu… Theo lãnh đạo NHNN, những yếu tố trên tác động đến cả thế giới chứ không riêng Việt Nam. Do đó, giá vàng miếng trong nước biến động theo giá vàng thế giới.
Để hỗ trợ thị trường sớm ổn định, trước mắt, NHNN sẽ đấu thầu vàng để tăng cung cho thị trường. Ngay trong chiều ngày 19/4, NHNN đã có thông báo đấu thầu vàng miếng gửi tới các tổ chức đủ điều kiện tham gia. Theo đó, ngày 22/4/2024, NHNN tổ chức phiên đấu thầu vàng đầu tiên trong năm. Tổng khối lượng vàng miếng dự kiến đấu thầu là 16.800 lượng; khối lượng vàng miếng của một lô giao dịch là 100 lượng và loại vàng miếng đấu thầu là thương hiệu SJC; giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 81,80 triệu đồng/lượng. Khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu 14 lô tương đương 1.400 lượng còn tối đa là 20 lô tương đương 2.000 lượng. Mỗi thành viên dự thầu chỉ được đăng ký 1 mức giá tối thiểu bằng hoặc cao hơn giá sàn do NHNN công bố….
Như vậy, sau 11 năm, NHNN quay trở lại với hoạt động đấu thầu vàng miếng. Trước đó, năm 2013, NHNN đã thực hiện 76 phiên đấu thầu vàng miếng để ổn định nguồn cung cho thị trường vàng.
Chia sẻ về chính sách đối với thị trường vàng trong nước thời gian tới, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối Đào Xuân Tuấn cho biết, NHNN đã lấy ý kiến các bộ ngành và trình Chính phủ chủ trương sửa Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Qua đánh giá hoạt động kinh doanh vàng thời gian qua, Nghị định 24 đã phát huy vai trò tích cực, song đã đến lúc cần xem lại sự phù hợp của nghị định này trong điều kiện hiện nay.
Bên cạnh đó, đại diện Vụ Quản lý ngoại hối cũng cho biết, NHNN cũng xem xét đến việc nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trang sức. “Trong Nghị định 24 đã có quy định này, tức là những doanh nghiệp nào có hợp đồng gia công sản xuất với nước ngoài thì việc nhập khẩu vàng nguyên liệu vẫn đang thực hiện tại các chi nhánh NHNN, không có khó khăn vướng mắc gì”, ông Đào Xuân Tuấn khẳng định.
Nhận định về quyết định tổ chức đấu thầu vàng của NHNN, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, việc NHNN khởi động lại nghiệp vụ đấu thầu vàng trong bối cảnh hiện nay là hợp lý để đảm bảo công khai, minh bạch, tăng cung vàng, góp phần giảm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế, cũng như SJC với các thương hiệu vàng khác.
Về nhập khẩu vàng, theo TS. Cấn Văn Lực các cơ quan quản lý cần tính toán số lượng và thời điểm nhập phù hợp để vừa cân đối cung cầu vừa kiểm soát tỷ giá, ổn định vĩ mô. Nhớ lại năm 2013, vàng hóa là vấn đề nóng. Thời điểm đó ta vẫn cho vay mượn bằng vàng, nên thị trường vàng ở mức vàng hóa cao. Đối với mục tiêu này, Nghị định 24 đã hoàn thành sứ mệnh, song quan hệ cung cầu chưa cân bằng. Chính vì vậy, vấn đề hiện nay là đảm bảo cung – cầu và thu hẹp chênh lệch giá vàng được đặt ra, TS. Cấn Văn Lực lưu ý thêm.