Chị Trần Thị Quy là lao động phổ thông, năm nay 42 tuổi. Chị tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) từ năm 2006 đến nay với mức lương làm căn cứ đóng BHXH khá thấp.
Trong giai đoạn 2006-2010, chị đóng BHXH theo mức lương cơ sở 890.000 đồng. Giai đoạn 2011-2020, chị Quy đóng theo lương cơ sở là 3.200.000 đồng. Đến thời gian 2021-2022, chị Quy mới đóng BHXH ở mức 7 triệu đồng/tháng. Từ năm 2023 đến nay, chị đóng ở mức 8 triệu đồng/tháng.
Chị Trần Thị Quy chia sẻ: “Đến khi nghỉ hưu thì tiền lương hưu của tôi được bao nhiêu? Tôi lo lắng vì nếu tính lương hưu bình quân thì liệu lương hưu có đủ để yên tâm khi về già?”.
Theo BHXH Việt Nam, lương hưu được tính căn cứ vào diễn biến tiền lương thực tế đã tham gia BHXH của người lao động. Do chị Quy chưa đến tuổi nghỉ hưu nên chưa có cơ sở để xác định mức lương bình quân tham gia BHXH làm căn cứ tính lương hưu.
Tuy nhiên, cơ chế tính lương hưu hiện tại đã được xem xét đảm bảo công bằng nhất cho tất cả người lao động. Với nhóm lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định trong giai đoạn trước, có mức lương tham gia BHXH rất thấp (tính theo lương cơ sở) sẽ có cơ chế tính lương hưu để đảm bảo lương hưu không quá thấp khi về già.
Theo BHXH Việt Nam, cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH làm căn cứ tính lương hưu đối với người lao động được quy định tại Điều 62 Luật BHXH hiện hành số 58/2014/QH13 ban hành năm 2014. Cách tính khác nhau dành cho 3 nhóm người lao động có thời gian tham gia BHXH khác nhau.
Ngoài ra, người lao động không cần lo lắng lương hưu thấp so với vật giá thời điểm về hưu. Bởi vì pháp luật có điều khoản quy định điều chỉnh lương hưu trên cơ sở chỉ số trượt giá hằng năm.
Cụ thể, Khoản 2 Điều 79 Luật BHXH 2014 quy định: “Thu nhập tháng đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH của người lao động được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ”.