Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, anh Đinh Kni (SN 1985), người dân tộc Hrê ở thôn Trường An, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi đã nỗ lực tìm tòi phát triển kinh tế gia đình để vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên chính quê hương mình.
Anh Đinh Kni cho biết, nhờ có chính sách giao đất, giao rừng của Đảng và Nhà nước, gia đình anh đã mạnh dạn nhận 15ha đất trống, đồi núi trọc để cải tạo, trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp. Dựa vào lợi thế đất rừng, anh Kni đã cùng với gia đình tập trung phát triển trồng keo. Anh Kni cho biết, chu kì cây keo 5 năm cho thu hoạch 1 lần. Bình quân mỗi ha keo anh thu hoạch 100 triệu đồng.
Cùng với địa phương có cơ chế Nắm bắt chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, anh Kni đã nắm bắt cơ hội để phát triển kinh tế. Anh mạnh dạn vay vốn thêm 100 triệu đồng, rồi mở rộng làm trang trại chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả.
“Qua nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, tôi bàn với vợ lấy số tiền tích lũy để dành đầu tư 1,2 ha trồng cây ăn quả và chăn nuôi. Vợ tôi ban đầu cũng rất lo lắng, những với quyết tâm tận dụng lợi thế đất đai, khí hậu vốn có, vợ chồng tôi đã làm giàu trên chính quê hương mình”, anh Kni bộc bạch.
Đất đai ở vùng đồi núi tuy rộng nhưng cằn cỗi, nguồn nước lại khó khăn, năm 2019 vợ chồng anh Kni bắt tay cải tạo đất đồi, đào giếng và kéo nước từ thác Hố La về. Từ những kiến thức đi tham quan học hỏi cùng với hội nông dân địa phương và kinh nghiệm thực tế, anh mạnh dạn ứng dụng vào phát triển kinh tế gia đình mình. Đầu tư vốn xây dựng trại chăn nuôi tổng hợp, tập trung vào việc phát triển giống heo đen bản địa, nuôi trâu, nuôi hươu lấy nhung, gà vườn thả đồi… Anh lấy phân từ chăn nuôi để bón cho cây ăn quả, hiện trong vườn anh có mít, ổi, cam, quýt đường, bưởi da xanh, cây sim và trồng lúa nước.
“Tôi thâm canh như vậy để có thu hoạch liên tục quanh năm, từ những trái cây thu được tôi làm thức ăn cho vật nuôi. Hiện có 11 con hươu, 20 con trâu, 6 con chồn. Tôi mới xuất bán đàn gà 200 con với giá thị trường 100 ngàn đồng/ kí. Gía bán nhung hươu 1.600 ngàn đồng/ lạng, tôi mới bán 3 lạng 9. Mỗi con hươu cho lấy nhung 2 lần/năm”, anh Kni chia sẻ.
Anh Phạm Văn Mác, Chủ tịch Hội nông dân xã Ba Thành cho biết: Đây là mô hình phát triển kinh tế đầu tiên của địa phương. Nhiều bà con ở xã Ba Thành đã học tập và mạnh dạn trồng rừng, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình để góp phần vào công cuộc xây dựng đời sống càng no ấm.
Ba Tơ là huyện nghèo vùng cao của tỉnh Quảng Ngãi, địa hình phức tạp, nhiều núi cao, suối sâu chia cắt, với dân số hơn 57.600 người, trong đó đồng bào dân tộc Hrê chiếm 84%. Những năm gần đây, tình hình kinh tế – xã hội của Ba Tơ đang có những chuyển nhanh chóng, tích cực và nhiều khởi sắc. Kinh tế của huyện liên tục tăng trưởng, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống không ngừng được đầu tư xây dựng. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng dưới 26%. Đời sống, thu nhập của nhân dân được cải thiện và nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người ước đạt hơn 30 triệu đồng/người/năm.
Lãnh đạo UBND huyện Ba Tơ cho biết, huyện đã thực hiện nhiều biện pháp, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất nông -lâm nghiệp, trong đó phong trào trồng rừng nguyên liệu thu hút nhiều nông dân hăng hái tham gia. Hàng ngàn hộ nông dân đã vươn lên xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương.
Kinh tế phát triển nên đời sống tinh thần của người Hrê cũng được cải thiện đáng kể. Những tập quán, phong tục lạc hậu như tảo hôn, chôn tài sản có giá trị theo người chết, cúng bái khi đau ốm, nghi kỵ cầm đồ thuốc độc… từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Thời gian tới, địa phương tiếp tục dựa vào thế mạnh nông – lâm nghiệp để bứt phá trong phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, tiếp tục đầu tư hỗ trợ những mô hình sinh kế cho người dân Hrê để tăng thu nhập, khuyến khích họ tổ chức theo hình thức tập trung để giảm rủi ro. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư ở những địa bàn khó khăn có người Hrê sinh sống để giải quyết việc làm, tiêu thụ sản phẩm… Từ đó, bà con Hrê sẽ giảm nghèo hiệu quả, có căn cơ, bền vững giúp họ tự bảo đảm cuộc sống, giảm thấp nhất sự phụ thuộc vào hỗ trợ của Nhà nước.