Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng gửi lời chúc mừng đến các vị chức sắc, sư sãi, phật tử, cùng toàn thể cán bộ, chiến sĩ, đồng bào Khmer trong tỉnh đón lễ Sene Dolta năm 2023 đầm ấm, hạnh phúc và an lành.
Tiết mục văn nghệ tại lễ Sene Dolta. (Nguồn: TTXVN) |
Ngày 14/10, tại chùa Sro Lôn (chùa chén kiểu), xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên), Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng tổ chức đón lễ Sene Dolta năm 2023. Đến dự có Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, các vị sư sãi chùa Phật giáo Nam tông Khmer và đông đảo đồng bào phật tử Khmer.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Hồ Thị Cẩm Đào, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng gửi lời chúc mừng đến các vị chức sắc, sư sãi, phật tử, cùng toàn thể cán bộ, chiến sĩ, đồng bào Khmer trong tỉnh đón lễ Sene Dolta năm 2023 đầm ấm, hạnh phúc và an lành; biểu dương những thành tích đồng bào, các vị chức sắc, sư sãi, cán bộ, chiến sĩ dân tộc Khmer đã đóng góp trong xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Lãnh đạo Tỉnh ủy Sóc Trăng trao quà chúc mừng đến trụ trì chùa Sro Lôn nhân dịp lễ Sene Dolta. (Nguồn: TTXVN) |
Bà Hồ Thị Cẩm Đào thông tin, thời gian qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo các sở, ngành triển khai quyết liệt các chủ trương, chính sách dân tộc đến với đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn. Trong 5 năm qua, tỉnh đã hỗ trợ gần 26.900 hộ nghèo dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho trên 2.800 hộ; vận động xã hội hóa nguồn lực xây nhà cho hộ nghèo 3.496 căn nhà, trong đó, trên 1.200 căn nhà cho đồng bào dân tộc Khmer.
Tình hình kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc Khmer giảm trên 4,5%/năm.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy mong rằng, các vị chức sắc, sư sãi, cán bộ, chiến sĩ cùng toàn thể đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đại đoàn kết, chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cùng với đó, giữ gìn và phát huy tốt bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, cùng với cấp ủy đảng, chính quyền xây dựng quê hương Sóc Trăng thêm giàu đẹp.
Bày tỏ sự cảm ơn đối với Đảng và Nhà nước đã quan tâm chăm lo cho đồng bào dân tộc Khmer, Đại đức Kim Hoàng Hưng, trụ trì Chùa Sro Lôn (chùa chén kiểu) thông tin, đồng bào dân tộc Khmer ở xã Đại Tâm luôn được chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ. Đến nay đời sống vật chất tinh thần từng bước nâng lên, phum sóc ngày càng thêm đổi mới và giàu đẹp.
Trao quà đến các học sinh nghèo hiếu học tại buổi lễ. (Nguồn: TTXVN) |
Ông Lâm Sơn Hiển, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên) cho biết, toàn xã có trên 20.000 nhân khẩu, trong đó trên 85% dân số là đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong triển khai các chính sách hỗ trợ giúp đồng bào dân tộc Khmer nơi đây có thêm điều kiện phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm còn 1,6%, hộ cận nghèo giảm còn 1% so với tổng dân số toàn xã.
Tại buổi lễ, lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành tỉnh trao tặng nhiều phần quà cho chùa Sro Lôn (chùa chén kiểu), trao tặng tượng trưng 10 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo bức xúc về nhà ở (xã Đại Tâm), 20 phần quà cho hộ gia đình Khmer (xã Đại Tâm và xã Tham Đôn), 50 suất học bổng và 20 chiếc xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi.
Sóc Trăng hiện có trên 400.000 người dân tộc Khmer, chiếm trên 30% dân số toàn tỉnh. Đây cũng là nơi có đồng bào dân tộc Khmer nhiều nhất cả nước.
Lễ Sene Dolta, được tổ chức từ ngày 13-15/10, là một trong ba lễ, tết lớn trong năm của đồng bào Khmer. Cuộc sống ngày càng hiện đại, nhưng lễ Sene Dolta của đồng bào Khmer vẫn luôn được lưu giữ và phát huy giá trị tinh thần qua nhiều thế hệ để nhắc nhở mọi người về lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, tri ân tổ tiên. Hòa cùng dòng chảy của văn hóa dân tộc, lễ Sene Dolta là nét đẹp độc đáo của người Khmer Nam Bộ góp chung vào sự đa dạng, đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam.