Ngày 16/6, Diễn đàn cấp cao “Khoa học và Công nghệ 4.0: Chiến lược phát triển cho ĐBSCL” được đồng tổ chức bởi Tập đoàn CT Group, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) TP.HCM, trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, trường Đại học Bách khoa TP.HCM.
Ông Trần Kim Chung – Chủ tịch Tập đoàn CT Group chia sẻ tại diễn đàn, phần lớn người dân vẫn chưa hiểu hết tầm quan trọng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 ảnh hưởng sâu rộng như thế nào đến toàn thể nhân loại, chưa sẵn sàng để làm chủ tương lai. Đặc biệt, ĐBSCL là vùng trũng cả về hạ tầng lẫn công nghệ.
“Thông qua diễn đàn này, chúng ta cùng nhau đưa ra các gợi ý phác thảo của các công nghệ khả dụng thực tế nhất, giới thiệu những gì chúng ta có thể làm được cho ĐBSCL trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, để ĐBSCL có thể triển khai theo một lộ trình phù hợp cho các địa phương.
Phối hợp với các lãnh đạo cơ quan báo chí truyền thông lớn, chúng ta cùng nhau làm nên những hoạt động xã hội sáng tạo, mới mẻ, có giá trị lâu dài và hiệu quả cao cho ĐBSCL, phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển của khu vực”, ông Chung cho biết.
PGS.TS Nguyễn Đức Trung – Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM nhấn mạnh hiện nay, tại ĐBSCL, quá trình chuyển đổi số còn hạn chế, chỉ có một số điểm nhỏ bước đầu tham gia. Trong đó, ông Trung đề cập đến mô hình làng thông minh tại tỉnh Đồng Tháp.
Đồng bằng trồng lúa lớn nhất Việt Nam đang thiếu nhân lực chất lượng cao. Ảnh: Quang Sung
Ông Trung cho biết, làng thông minh lấy con người làm trung tâm, hướng đến cải thiện môi trường sống, sản xuất và dịch vụ nông thôn. Mô hình làng thông minh là điểm xuất phát mới, không phải là đích đến, nó bắt đầu từ những việc nhỏ và hữu ích cho cộng đồng.
“Làng thông minh là một hướng đi tất yếu về chuyển đổi số trong nông nghiệp”, ông Trung nói.
Trong khi đó, theo TS Phan Thanh Định – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP.HCM, hiện nay, chuyển đổi số tại ĐBSCL gặp khó về nguồn nhân lực. Nhân lực chất lượng cao, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực công nghệ thông tin của ĐBSCL còn yếu và thiếu.
Một số chuyên gia có trình độ cao đang tìm kiếm cơ hội tại các thành phố lớn. Do đó, ĐBSCL rất cần những chính sách thu hút nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia đầu ngành.
“Hiện nay, một bộ phận đã chuyển đổi và sử dụng thiết bị hiện đại, nhưng vẫn còn nhiều người dân có thói quen canh tác cũ, sử dụng thiết bị, phương tiện thô sơ, lạc hậu, tư duy truyền thống”, TS Định nhận xét về tập quán sản xuất của một số người dân ở ĐBSCL.
Chia sẻ tại hội thảo, các chuyên gia đều thống nhất ĐBSCL là một trong những đồng bằng giá trị nhất thế giới, khi được thiên nhiên ban tặng đất đai màu mỡ, trù phú cùng khí hậu ôn hòa, thuận lợi để phát triển nông nghiệp, sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất cả khu vực ASEAN.
Đây còn là vựa lúa khổng lồ, đảm bảo an ninh lương thực dồi dào cho Việt Nam và thế giới. Nhưng ở đây người dân vẫn nghèo, phải tha hương cầu thực khắp nơi, kiếm sống ở các tỉnh thành khác như Đồng Nai, Bình Dương hay phải đi lao động xa xứ ở các nước Hàn Quốc, Malaysia…
Tại diễn đàn, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp đã đề xuất mô hình kết hợp đồng bộ các công nghệ lõi của công nghệ 4.0 và quá trình chuyển đổi kinh tế xanh.
Trong đó có những dự án tiên phong như: Tín chỉ carbon – nông nghiệp – xây dựng – giao thông xanh…; chuyển đổi số có các lĩnh vực: Trí tuệ nhân tạo, trung tâm dữ liệu, thành phố thông minh, công nghệ bán dẫn, phương tiện không người lái; kinh tế tuần hoàn có các lĩnh vực: Năng lượng Hydrogen, 5R; phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực phù hợp.
Các chuyên gia tại diễn đàn cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ xanh và giải pháp liên kết để phát triển bền vững cho ĐBSCL. Giải pháp liên minh giữa các địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp để tận dụng năng lực và thế mạnh của các bên cũng được đề xuất.
Nguồn: https://danviet.vn/dong-bang-san-xuat-nong-san-lon-nhat-viet-nam-dang-thieu-nhan-luc-chat-luong-cao-20240616181441025.htm