(Dân trí) – Nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng có thể sẽ là thời điểm ông Donald Trump thực hiện những kế hoạch mà ông đặt nhiều kỳ vọng cùng với đội ngũ thân cận.
Vào cuối nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Donald Trump, báo New York Times tuyên bố: “Thí nghiệm khủng khiếp đã kết thúc – Tổng thống Donald J Trump: Sự kết thúc”.
Tuyên bố này hiện tại không còn đúng nữa. Nếu nhiệm kỳ đầu tiên – Trump 1.0 (2016-2020) – là thí nghiệm, có lẽ nhiệm kỳ thứ hai – Trump 2.0 (2024-2028) – sẽ là hành động thực sự.
Năm 2016, ông Trump khi đó mới “chân ướt chân ráo” vào chính trường. Đó là sự hấp dẫn đối với những người đã chọn ông. Vào thời điểm đó, ông chưa biết bộ máy chính quyền ở Washington hoạt động như thế nào và ông cũng chưa biết cách điều hành một đất nước. Nhưng ông đã học được nhiều điều về công việc của một tổng thống trong 4 năm nhiệm kỳ đầu tiên.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã sa thải hàng loạt nhân sự vì bất đồng quan điểm. Lần này, giới quan sát ở Washington tin rằng ông sẽ hành động có tổ chức hơn. Ông sẽ biết nên chọn ai làm việc cho mình. Họ sẽ là những người trung thành, những người mà ông đã để mắt đến và tìm hiểu trong 8 năm qua.
Bà Susie Wiles sẽ là chánh văn phòng Nhà Trắng trong nhiệm kỳ mới của ông Trump. Bà là cố vấn chính trị kỳ cựu đã điều hành chiến dịch tranh cử của ông Trump và giúp ông giành chiến thắng. Dưới cái bóng của ông Trump trong nhiều năm, bà là một nhà điều hành chính trị sắc sảo, người bắt đầu sự nghiệp với vị trí là nhân viên cấp dưới trong chiến dịch tranh cử của ông Ronald Reagan.
Bà Wiles từng bị ông Trump sa thải vào năm 2020 trước thềm cuộc bầu cử tổng thống sau một cuộc bất hòa. Nhưng ông sớm nhận ra giá trị của bà một lần nữa. Ông tin tưởng bà, còn bà biết chính xác cách ông hành động.
Ông Trump hiểu bà Wiles hơn bất kỳ ai trong số 4 chánh văn phòng mà ông đã chọn trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, và điều quan trọng là bà được ghi nhận vì đã cố gắng giữ cho chiến dịch của ông có kỷ luật.
Việc bổ nhiệm bà Wiles là dấu hiệu cho thấy những lần bổ nhiệm khác của ông Trump sẽ như thế nào trong nhiệm kỳ mới. Họ sẽ là những người mà ông rất quen thuộc hoặc những nhân vật cộm cán như tỷ phú Elon Musk hay Robert F. Kennedy Jr., cháu trai cố Tổng thống John F. Kennedy.
Ông Trump cũng có thể đưa các thành viên trong gia đình vào bộ máy chính quyền. Trong nhiệm kỳ trước của ông, con gái, Ivanka Trump, và con rể, Jared Kushner, cũng là những nhân vật chủ chốt trong nội các.
Jared Kushner đã đóng vai trò trung tâm trong việc định hình chính sách Trung Đông của ông Trump. Chính sách này đã đạt đến đỉnh cao với Hiệp định Abraham lịch sử giữa Israel, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Bahrain.
Như vậy, sự khác biệt đầu tiên giữa “Trump 1.0” và “Trump 2.0” sẽ là việc “tuyển quân” của ông Trump. Khác biệt thứ hai sẽ là quyền lực trong tay ông Trump.
Chiến thắng áp đảo và khả năng kiểm soát cả hai viện (Hạ viện và Thượng viện) của Quốc hội trao cho ông Trump quyền lực mạnh mẽ để điều hành nước Mỹ. Điều đó cũng mang lại cho tân chủ nhân Nhà Trắng niềm tin mạnh mẽ để làm những gì ông muốn làm.
Trong nhiệm kỳ lần này, các mục tiêu mà ông Trump đề ra trong chương trình nghị sự sâu rộng có thể dễ dàng đạt được hơn. Ông cũng có ý tưởng rõ ràng hơn về những gì ông muốn đạt được.
Chương trình nghị sự của ông Trump, vốn luôn có phần mơ hồ và sẵn sàng thay đổi, có khả năng bao gồm việc bãi bỏ Bộ Giáo dục và biến giáo dục thành vấn đề của các bang, không phải của liên bang. Ông muốn chuyển quyền quản lý giáo dục về cho các bang.
Chương trình nghị sự của ông Trump cũng sẽ bao gồm cam kết về việc “trục xuất hàng loạt” những người nhập cư bất hợp pháp, cắt giảm thuế, áp thuế đối với hàng hóa nước ngoài và cải tổ cơ cấu của chính phủ liên bang.
Một số chính sách của ông sẽ yêu cầu sự chấp thuận của Quốc hội, điều này sẽ dễ dàng hơn nếu đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát cả hai viện.
Các chính sách khác có thể được thực hiện thông qua các sắc lệnh hành pháp của tổng thống. Đây là đặc quyền trao cho tổng thống Mỹ. Hãng tin Sky News dẫn lời một cố vấn cấp cao của ông Trump nói rằng, ông có thể sẽ ký một chồng sắc lệnh hành pháp vào ngày nhậm chức.
Sức mạnh của quản trị là sự tự tin. Năm 2016, ông Trump không có sự tự tin đó. Điều này thể hiện rõ trên khuôn mặt của ông Trump khi cựu Tổng thống Barack Obama sắp mãn nhiệm chào đón ông đến Nhà Trắng để chuyển giao quyền lực.
Lần này, ông Trump có sự tự tin tuyệt đối, vì ông có màn trở lại gây tiếng vang nhất trong lịch sử chính trị Mỹ.
Nguồn: https://dantri.com.vn/the-gioi/donald-trump-20-co-gi-khac-biet-so-voi-ngay-dau-vao-nha-trang-20241108104628687.htm