Đẩy mạnh đầu tư kho bãi, tăng cường dịch vụ để đảm bảo rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm thiểu chi phí… đang là cuộc đua của nhiều doanh nghiệp giao nhận nhằm tiếp tục mở rộng thị phần.
Đẩy mạnh đầu tư kho bãi, tăng cường dịch vụ để đảm bảo rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm thiểu chi phí… đang là cuộc đua của nhiều doanh nghiệp giao nhận nhằm tiếp tục mở rộng thị phần.
Nhiều đơn vị đang đầu tư kho bãi, tăng cường dịch vụ để rút ngắn thời gian vận chuyển |
Tăng cường đầu tư
Thông qua ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post, mã VTP) cho biết, doanh nghiệp định hướng thu hẹp mảng bán hàng (sim thẻ điện thoại) để tập trung vào các mảng chuyển phát và logistics có biên lợi nhuận tốt hơn. Trong đó, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu lĩnh vực chuyển phát và logistics đạt 9.147 tỷ đồng, tăng 33,3% so với năm 2023.
Với nhiệm vụ tiên phong trong việc quy hoạch và xây dựng hạ tầng logistics quốc gia theo hướng thông minh, xanh và hiệu quả, Viettel Post đang nỗ lực triển khai quy hoạch hạ tầng logistics bao gồm công viên – trung tâm logistics, kho ngoại quan, cảng cạn để kết nối các vùng miền nuôi trồng, khu công nghiệp với các hub giao thông đường bộ, đường sắt, cảng hàng không, cảng biển và hệ thống cửa khẩu nhằm giúp hàng hóa lưu thông nhanh nhất, với chi phí thấp nhất.
Ông Hoàng Trung Thành, Tổng giám đốc Viettel Post cho hay, năm 2024, mục tiêu doanh thu mảng chuyển phát và logistics khi trình với cổ đông là tăng trưởng hơn 30%, nhưng ban điều hành tự đặt mục tiêu tăng trưởng 45%.
Cuộc đua đầu tư hạ tầng để mở rộng thị phần của các đơn vị vận chuyển được đánh giá đang nóng hơn bao giờ hết. Những khoản đầu tư hạ tầng logistics tạo điều kiện cho nhà đầu tư có thêm nhiều sự lựa chọn, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các địa phương…
Ông Nguyễn Xuân Phúc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Logistics U&I thông tin, trong nỗ lực mở rộng thị phần, doanh nghiệp đã xây dựng một hệ sinh thái các ứng dụng công nghệ để thu thập, xử lý, quản lý dữ liệu; xuất báo cáo quản trị thông minh chi tiết nhất, phục vụ công tác lập kế hoạch và ra quyết định.
“Hiện nay, hệ thống quản lý nghiệp vụ của chúng tôi được xây dựng đầy đủ với hệ thống quản lý kho (WMS), quản lý vận tải (TMS), quản lý vận hành tập trung (UONP), quản lý quan hệ khách hàng (CRM)… Điều quan trọng là các hệ thống này được xây dựng để hướng đến việc đáp ứng nhu cầu đặc thù của khách hàng và đang nhận lại phản hồi rất tốt từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước”, ông Phúc chia sẻ.
Còn tại Công ty TNHH Best Express Việt Nam, trong 5 năm hoạt động, doanh nghiệp này đã đầu tư hơn 50 triệu USD vào xây dựng hệ thống tự động hóa, hạ tầng kho bãi, vận tải và mạng lưới dịch vụ. Đến nay, đơn vị sở hữu 39 trung tâm phân loại hàng hóa tự động trên khắp cả nước. Tổng diện tích kho bãi trên toàn quốc đến hơn 100.000 m2, năng lực xử lý trên 1,8 triệu bưu kiện mỗi ngày.
Ông Eric Liang, Phó tổng giám đốc Best Global, Tổng giám đốc Best Express Việt Nam thông tin thêm, đội xe vận tải của doanh nghiệp được đầu tư hơn 5 triệu USD để trang bị hơn 200 đầu xe nhiều chủng loại. Đồng thời, doanh nghiệp cũng mở rộng mạng lưới dịch vụ chuyển phát nhanh đến 63 tỉnh, thành phố.
Tạo chỗ đứng trên “sân nhà”
Hiện nay, hệ thống hạ tầng tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang có sự cải thiện rất đáng kể. Nhiều dự án quan trọng và có tính kết nối cao như đường Vành đai 3, sân bay Long Thành, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, cao tốc Bến Lức – Long Thành, cầu Rạch Miễu 2… đang được triển khai gấp rút, mang lại lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, cũng như các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics.
Ông Nguyễn Xuân Phúc nhận định, cơ hội lớn luôn đi kèm mức độ cạnh tranh cao. Các lĩnh vực như vận tải, giao nhận, kho bãi, khai thác cảng… đang ghi nhận một cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các đại gia có tiềm lực tài chính hùng mạnh và chi phí vốn thấp.
Trong cuộc chạy đua này, các tập đoàn nước ngoài đang chiếm ưu thế so với các đơn vị trong nước. Do đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần liên kết lại để tạo ra sức mạnh tập thể, có cơ sở để làm chủ mà không phải làm thuê ngay trên sân nhà.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực – Thực phẩm TP.HCM chỉ ra một trong những điểm nghẽn dẫn đến việc phát triển thiếu bền vững, chưa khai thác hết tiềm năng để xuất khẩu hiện nay là hạ tầng logistics, kho lạnh, kho bảo quản… tại khu vực Đông Nam Bộ còn rất hạn chế, ảnh hưởng nhiều đến khả năng lưu trữ, vận chuyển sản phẩm.
Theo bà Chi, TP.HCM tập trung nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu và bán lẻ lớn, nhưng phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu từ các địa phương lân cận, đặc biệt là vùng Đông Nam Bộ. Vì vậy, việc thiếu hạ tầng logistics, kho lạnh… làm giảm giá trị sản phẩm, gây nhiều khó khăn cho quá trình vận chuyển, lưu trữ.
“Chúng tôi thấy, Chính phủ và các địa phương chưa có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích, đầu tư cho lĩnh vực này. Việc đầu tư hệ thống kho lạnh, hạ tầng logistics thu hồi vốn chậm, nếu không có chính sách hỗ trợ thì doanh nghiệp sẽ không mạnh dạn đầu tư. Do đó, Hội Lương thực – Thực phẩm TP.HCM kiến nghị nên có cơ chế, chính sách hỗ trợ chung đối với doanh nghiệp đầu tư vào logistics tại Đông Nam Bộ. Trong đó, cần hỗ trợ về mặt bằng, vốn vay dài hạn, lãi suất và ưu đãi thuế…; hỗ trợ tăng tính kết nối, triển khai liên vùng”, bà Chi nói.
Theo các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng logistics, thúc đẩy liên kết chặt chẽ giữa các địa phương rất quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp tự tin đầu tư với quy mô sản xuất lớn hơn, giá trị cao hơn.
Trong đó, rất cần sự hỗ trợ của nhà nước, hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics như: cơ chế, chính sách vượt trội để thúc đẩy ngành dịch vụ logistics; hình thành các doanh nghiệp logistics lớn; đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn, đầu tư các dự án có quy mô lớn…
Nguồn: https://baodautu.vn/don-vi-van-chuyen-tang-toc-dau-tu-ha-tang-d228684.html