Công viên Logistics sẽ giải quyết vấn đề ách tắc hàng hóa, tạo nên sự đột phá xuất khẩu giữa ASEAN và Trung Quốc.
Công viên Logistics Viettel có diện tích 143,7 ha, với tổng vốn đầu tư gần 3.300 tỷ đồng. Ảnh: TK
Công viên Logistics được ứng dụng công nghệ mới nhất
Ngày 11/12, Viettel khánh thành Công viên Logistics tại Lạng Sơn, dự án bắt đầu triển khai từ tháng 7/2024, được hoàn thành và đưa vào hoạt động với tốc độ kỷ lục. Đây là công viên logistics đầu tiên, có quy mô hạ tầng lớn nhất và hiện đại nhất Việt Nam.
Công viên Logistics Viettel có diện tích 143,7 ha, với tổng vốn đầu tư gần 3.300 tỷ đồng, có khả năng xử lý 1.500 xe thông quan mỗi ngày (gấp 2 lần so với hiện tại). Với cơ sở hạ tầng đồng bộ, đây là trung tâm logistics đầu tiên tại Việt Nam cung cấp chuỗi dịch vụ logistics xuất nhập khẩu toàn trình từ thông quan, kiểm dịch, kiểm hóa, sang tải, lưu kho đến vận tải xuyên biên giới. Hệ thống dữ liệu tại công viên cũng sẽ được chuẩn hoá và kết nối trực tiếp với dữ liệu hải quan Việt Nam và Trung Quốc, đảm bảo tối ưu hóa quy trình vận hành, giảm thời gian xử lý thông quan từ 4-5 ngày xuống dưới 24 giờ, giảm chi phí thông quan 30-40%.
Ngay từ giai đoạn thiết kế, Viettel đã hợp tác với Tổng cục Hải quan, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn và các đối tác tư vấn quốc tế, nhằm đảm bảo tiêu chuẩn vận hành hiện đại, đồng bộ, đạt chuẩn quốc tế cho dự án. Nơi đây sẽ trở thành trung tâm logistics đầu tiên tại Việt Nam, cung cấp dịch vụ logistics xuất nhập khẩu toàn trình, chuyên nghiệp bao gồm: thông quan, kiểm dịch, kiểm hóa, sang tải, lưu kho, vận chuyển và vận tải xuyên biên giới.
Phát biểu tại sự kiện này, ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, Lạng Sơn giữ vai trò cửa ngõ chiến lược kết nối giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc, với vị trí địa lý tiếp giáp Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây – trung tâm logistics nông sản hàng đầu của Trung Quốc và 5 tỉnh phía Bắc Việt Nam. Không chỉ là điểm trung chuyển quan trọng trong nước, Lạng Sơn còn là cầu nối giao thương giữa ASEAN và Trung Quốc. Khi Công viên logistics Viettel Lạng Sơn hoàn thành đầu tư các hạng mục và đi vào hoạt động, hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả tối ưu cho vận tải hàng hoá Việt Nam xuất khẩu, giải quyết tình trạng quá tải tại các cửa khẩu, rút ngắn thời gian thông quan, góp phần đưa Lạng Sơn trở thành nền tảng cho hạ tầng logistics quốc gia.
Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, Lạng Sơn giữ vai trò cửa ngõ chiến lược kết nối giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ảnh: TK
Thiếu tướng Trần Đình Thăng, Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng cho biết, Công viên Logistics Viettel là góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại địa bàn, phù hợp với thực tiễn và khả thi để tiếp tục hoàn thiện nhiệm vụ chiến lược góp phần cùng Chính phủ thúc đẩy ngành logistics Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, làm giảm chi phí vận tải, nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong thời gian tới, ngành Logistics Việt nam sẽ có nhiều trung tâm Logistics chất lượng cao, phát triển mạnh, trong đó mô hình Công viên Logistics Viettel tại Lạng Sơn khai trương ngày hôm nay sẽ đóng vai trò quan trọng, làm tiền đề để hình thành, nhân rộng mô hình này trên địa bàn cả nước.
Ông Trần Đình Thăng cho hay, sẽ chỉ đạo Viettel có các dự án logistics như tại Lạng Sơn triển khai trên toàn quốc, để thúc đẩy kinh tế phát triển.
Công viên Logistics Viettel có diện tích 143,7 ha, với tổng vốn đầu tư gần 3.300 tỷ đồng, có khả năng xử lý 1.500 xe thông quan mỗi ngày. Ảnh: TK
Phát biểu tại Lễ khai trương Công viên Logistics Viettel, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch Viettel cho biết, không dừng lại ở không gian số, giờ đây, Viettel sẽ dùng công nghệ để làm phát triển mạnh mẽ hơn các kết nối vật chất trong thế giới thực. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc chuyển hóa các giá trị từ không gian số thành các giá trị thực tiễn, giúp hàng hóa, nguồn lực kinh tế được lưu thông nhanh chóng, hiệu quả. Hạ tầng logistics thông minh sẽ đảm bảo chuỗi cung ứng vận hành hiệu quả, tối ưu hóa thời gian và chi phí, từ đó nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt trên thị trường toàn cầu.
Như vậy, Viettel đã hình thành những nền tảng quan trọng của nền kinh tế số. Nền tảng viễn thông được ví như hệ thần kinh; nền tảng tài chính số như mạch máu, nền tảng an ninh mạng như hệ miễn dịch, nền tảng logistics như hệ tuần hoàn, các ứng dụng số như các cơ quan, giác quan chuyên biệt. Khi kết hợp cả các yếu tố này, nền kinh tế số của Việt Nam sẽ trở thành một cơ thể sống động, hoạt động hiệu quả, kiến tạo một nền kinh tế số hiện đại, bền vững và toàn diện.
“Trong thời gian tới, Viettel sẽ hoàn thiện mạng lưới các trung tâm logistics trên toàn quốc, phục vụ các khu vực kinh tế trọng điểm với 5 định hướng: Cửa khẩu thông minh; Trung tâm logistics nông sản; Trung tâm logistics trong khu công nghiệp; Hạ tầng chuỗi cung ứng; Mạng lưới vận tải đa phương thức; Tạo ra hệ sinh thái logistics thông minh, tự động hóa, kết nối đa phương thức, từ đường bộ, đường sắt, đường thủy đến hàng không, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trung tâm logistics quan trọng của khu vực, thực hiện đúng tinh thần nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nhấn mạnh về vai trò của hạ tầng logistics trong việc kết nối và nâng cao hiệu quả nền kinh tế”, ông Tào Đức Thắng nói.
Ứng dụng tự động hóa, AI giúp thông quan nhanh gấp 3 lần
Ông Lê Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc Viettel Post cho biết, Công viên Logistics được xây dựng với các công nghệ tiên tiến nhất bao gồm tổ hợp những ứng dụng tự động hóa, AI… và con người ít can thiệp vào quy trình nhất, để nâng cao năng lực vận hành, rút ngắn thời gian đảm bảo an toàn hàng hóa. Hiện Công viên Logistics có 10 hệ thống công nghệ lõi như robot, xe tự hành, drone giao hàng tự động… do Viettel nghiên cứu, lắp ráp và làm chủ công nghệ.
Công viên có các phân khu chính gồm: nhà liên ngành – Trung tâm điều hành (NOC) là nơi làm việc của các cơ quan chức năng như hải quan Việt Nam, hải quan Trung Quốc, bộ đội biên phòng, kiểm dịch, ngân hàng, thuế. Đồng thời, đây cũng là trung tâm “đầu não” của Công viên Logistics Viettel – giám sát và điều phối mọi hoạt động trong công viên thông qua dữ liệu từ hệ thống quản lý vận tải TMS, hệ thống quản lý kho thông minh WMS, cùng dữ liệu từ hơn 2.000 camera AI ultraview lắp đặt trên khắp khuôn viên. NOC sử dụng công nghệ Digital Twin, số hóa dữ liệu từ các thiết bị IoT, giúp giám sát hiệu suất, lưu lượng hàng hóa, phương tiện, đồng thời dự đoán lưu lượng và cảnh báo sự cố tiềm ẩn.
Với thiết kế vận hành tối ưu, kết hợp công nghệ hiện đại, Công viên Logistics Viettel có thể xử lý thông quan đến 1.500 xe/ngày, góp phần nâng cao năng lực thông quan tại cửa khẩu Lạng Sơn lên gấp đôi so với hiện tại.
Ông Lê Tuấn Anh cho biết, phân khu Cổng thông minh (Smart gate) tích hợp hệ thống phân luồng xe, công nghệ xử lý ảnh và trí tuệ nhân tạo chủ động nhận diện biển số xe, mã container và dữ liệu sinh trắc học của tài xế, tăng tốc độ xử lý phương tiện và thông quan hàng hóa lên gấp 3 lần so với truyền thống. Với hệ thống soi chiếu tự động 6 chiều bằng tia X-Ray hỗ trợ phát hiện chính xác các vật phẩm nguy hiểm, cấm nhập khẩu và gian lận thương mại, đảm bảo an ninh cho cả quốc gia và thị trường quốc tế mà không cần mở container.
Ở khu sang tải tự động sử dụng băng tải telescopic thay vì nhân công trực tiếp, giúp giảm thời gian chuyển hàng giữa 2 container chỉ còn 30-40 phút thay vì 3 tiếng như cách làm truyền thống. Khu xử lý hàng thương mại điện tử và hàng chuyển phát nhanh sử dụng hệ thống robot AGV tự hành do chính Viettel Post làm chủ, kết hợp với hệ thống nhận dạng và phân loại tự động DWS, hệ thống soi chiếu tự động có khả năng giám sát, kiểm tra, thông quan 600.000 bưu phẩm/ngày.
Khu trưng bày triển lãm và livestream là không gian tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm và dịch vụ, đồng thời thúc đẩy thương mại điện tử thông qua các buổi livestream quảng bá sản phẩm trên các nền tảng trực tuyến, giúp doanh nghiệp kết nối trực tiếp với thị trường toàn cầu.
Ông Lê Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc Viettel Post cho biết, Công viên Logistics được xây dựng có công nghệ mức độ cao nhất với những ứng dụng tự động hóa, AI… tạo thành tổ hợp công nghệ. Ảnh: TK
Nhức nhối mỗi khi nông sản của bà con bị hư hỏng
Ông Hoàng Trung Thành, Tổng giám đốc Viettel Post nhấn mạnh, sau khi tham quan nhiều mô hình logistics của Úc, Thái, Pháp, Trung Quốc… Viettel đã xây dựng Công viên Logistics này, với ứng dụng công nghệ xanh, thân thiện môi trường.
Ông Hoàng Trung Thành, Tổng giám đốc Viettel Post. Ảnh: VT
“Chúng tôi cảm thấy nhức nhối mỗi khi nông sản bà con bị hư hỏng vì gặp phải vấn đề tắc biên. Một container thanh long hay dưa hấu có giá 200-300 triệu đồng nhưng mất tới 100 triệu đồng chi phí vận chuyển, có những lúc bị hư hỏng do tắc biên và bị ép giá còn vài nghìn đồng/kg, nên bà con nông dân khóc dở với sản phẩm của mình. Những mặt hàng như trái cây phải qua nhiều khâu kiểm tra về mức độ an toàn trước khi xuất sang Trung Quốc. Theo cách cũ như trước đây để thông quan một container thông thường cũng phải mất 3 đến 4 ngày, thậm chí còn dài hơn, nhưng với Công viên Logistics sẽ chỉ mất 24 giờ”, ông Hoàng Trung Thành nói.
Vẫn theo chia sẻ của Tổng giám đốc Viettel Post, thực tế chi phí Logistics của Việt Nam còn cao, đây là trở ngại lớn cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là xuất khẩu nông sản. Vì vậy, nếu Viettel làm thành công lĩnh vực này sẽ giúp cho nền kinh tế, đặc biệt là hàng nông sản Việt Nam giảm thời gian thông quan, giảm chi phí và tránh hư hỏng; sẽ giúp cho hàng triệu bà con nông dân Việt Nam xuất khẩu nông sản sang thị trường nước ngoài. Viettel chọn Lạng Sơn để xây dựng Công viên Logistics với mục tiêu giải quyết vấn đề tắc biên, gây hư hỏng hàng hóa nông sản. Đây sẽ là nơi đánh dấu Viettel chính thức tham gia vào xây dựng hạ tầng Logistics quốc gia, chuyên nghiệp và hiệu quả giúp hàng hóa lưu thông nhanh với chi phí giảm.
Trả lời câu hỏi Viettel Post sẽ tiếp tục triển khai mô hình Công viên Logistics sắp tới ra sao? Ông Hoàng Trung Thành cho biết: Việt Nam có tiềm năng địa lý trở thành trung tâm Logistics kết nối ASEAN với Trung Quốc với cả đường bộ, đường sắt và đường hàng không. Vì vậy, Viettel sẽ xây dựng thêm các Công viên Logistics ở những nơi cửa khẩu đường bộ và hàng không, đầu mối giao thông, trung tâm giao dịch và phân phối nông sản… Hiện Viettel đã xong thủ tục để đầu tư ra nước ngoài và đang hợp tác với các tập đoàn của Trung Quốc triển khai phương án kinh doanh trong thời gian tới.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/cong-vien-logistics-se-giup-hang-trieu-ho-nong-dan-xuat-khau-nong-san-2351033.html