Dồn lực cho nhịp đi 8 + 2

Báo Tuổi TrẻBáo Tuổi Trẻ11/02/2025

Năm 2024, tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của TP.HCM là 7,17%. Năm 2025, Chính phủ có nghị quyết giao TP.HCM thực hiện tăng trưởng 8,5%.


Dồn lực cho nhịp đi '8 + 2' - Ảnh 1.

Phối cảnh cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ - Ảnh: Portcoast

TP.HCM có mục tiêu phấn đấu là 10% để tạo đà cho các năm tiếp sau ở mức 2 con số. Để đạt được những con số này cần rất nhiều sự cố gắng, kiên trì và các giải pháp đột phá và đặc biệt là bước đi.

Bước đi ra sao, có nhiều quan điểm, nhưng nên ủng hộ "8 + 2" - tức làm chắc để có 8% đồng thời đột phá ở 2% để đạt mục tiêu 10%.

Vì sao cần làm chắc và đột phá? Trước COVID-19, từ năm 2017 đến 2019, TP đã tăng trưởng 8%.

Nhưng đà tăng trưởng này không được duy trì từ khi có COVID-19. Vì vậy phải củng cố lại các giải pháp để có được mức tăng trưởng 8%. Những năm có tăng trưởng 8%, TP dựa vào các động lực tăng trưởng nào?

Đó là đầu tư xã hội, tiêu dùng và xuất khẩu. Với TP.HCM, đầu tư xã hội có yếu tố quyết định đến tăng trưởng. Trước đây số này là khoảng 33% GRDP của TP nhưng gần đây chỉ chiếm có 22,4%.

Như vậy để có được tăng trưởng cao, TP.HCM phải huy động để đưa tổng vốn đầu tư xã hội trở lại mức 33% GRDP.

Giả sử mục tiêu tăng trưởng phấn đấu tới đây là 10%, tương ứng GRDP của TP phải đạt khoảng 2 triệu tỉ, như vậy 33% của 2 triệu tỉ là 660.000 tỉ đồng. Trong đó vốn đầu tư công và khu vực nhà nước chiếm 120.000.

Còn lại trên 500.000 tỉ phải huy động từ khu vực dân doanh và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Những năm vừa qua huy động từ hai khu vực này có phần giảm sút, nay phải khơi lại dòng vốn này. Dựa vào đâu? Vẫn là ba đột phá chính - thể chế, hạ tầng và nhân lực.

Về thể chế, TP.HCM phải quyết tâm cao để cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đáp ứng được sự mong đợi của người dân và doanh nghiệp.

Các chỉ số mà lâu nay TP.HCM vẫn còn nằm ở phân nửa so với cả nước như là PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) hay PAR Index (chỉ số cải cách hành chính)... nay phải lấy lại vị trí đứng đầu đó.

Yếu tố thứ hai là hạ tầng. Dù TP.HCM đã đầu tư lớn để cải thiện nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu.

Vì vậy TP phải tiếp tục đầu tư vào hạ tầng nhiều hơn, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Đó là những tuyến đường sắt đô thị và các tuyến đường vành đai. Cùng với đó là các đường cao tốc kết nối với các địa phương trong vùng.

Có vậy mới kéo theo phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, kêu gọi được đầu tư đất sạch, vừa khai thác thêm khu công nghiệp mới, đồng thời phải cơ cấu lại các khu công nghiệp cũ theo hướng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Đồng thời chăm chút đầu tư cho hạ tầng văn hóa và du lịch, đây là thế mạnh cũng là động lực nội sinh để giúp kinh tế TP tăng trưởng bền vững.

Yếu tố thứ ba là nhân lực và tổ chức bộ máy. TP đang tinh gọn bộ máy theo hướng hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Phải lựa chọn nhân lực phù hợp có kỹ năng, tư duy mới để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Có tập trung vào ba đột phá này mới duy trì được đà tăng trưởng truyền thống và mục tiêu 8%.

Vậy còn lại 2% phải bắt đầu từ đâu? Chúng ta phải triển khai ngay các đề án trung tâm tài chính quốc tế, đề án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, khu thương mại tự do Cần Giờ, khu đô thị lấn biển Cần Giờ..., các chương trình hành động thực hiện nghị quyết 57 của trung ương về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

TP cũng đã thành lập Trung tâm Chuyển đổi số, Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0, Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo, rồi các viện nghiên cứu của các trường đại học, các trung tâm thử nghiệm, sandbox... để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có điều kiện tăng tốc phát triển.

Ngoài ra, TP cũng phải chú trọng các trung tâm dịch vụ chất lượng cao như y tế, dịch vụ khoa học công nghệ, dịch vụ logistics... Những chuyển động này cũng góp phần gia tăng GRDP, đặc biệt ở những năm tiếp theo.



Nguồn: https://tuoitre.vn/don-luc-cho-nhip-di-8-2-20250211085846796.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available