Thỏa thuận này được hai bên ký kết nhân chuyến thăm Ấn Độ của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. Nội dung đáng chú ý nhất trong đó là hai bên hợp tác cùng nghiên cứu, phát triển công nghệ quân sự và quốc phòng mới cũng như hợp tác cùng chế tạo các hệ thống khí tài, vũ khí hiện đại.
Ấn Độ hiện là quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Vì thế, việc Mỹ và Ấn Độ hợp tác về công nghệ mới và chế tạo vũ khí có lợi cho cả hai trước mắt cũng như về lâu dài. Kết quả cụ thể của việc thực hiện thỏa thuận này sẽ giúp Ấn Độ bớt lệ thuộc vào các đối tác bên ngoài về nhập khẩu vũ khí và thiết bị quân sự, đồng thời giúp Mỹ chen được chân vào thị trường Ấn Độ về quân sự và quốc phòng, cạnh tranh được với Nga trên phương diện này ở Ấn Độ.
Bước tiến mới này trong mối quan hệ hợp tác về quân sự và quốc phòng giữa Ấn Độ và Mỹ tạo bầu không khí chính trị thuận lợi cho chuyến thăm Mỹ sắp tới của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào ngày 22.6 tới. Cả chuyến đi của ông Modi cũng là biểu hiện của chất lượng mới trong mối quan hệ song phương.
Lợi ích chung thiết thực trước mắt và lợi ích chiến lược chung lâu dài gắn kết hai nước này với nhau. Cả hai đều là thành viên Bộ Tứ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cùng với Nhật Bản và Úc. Không chỉ trong khuôn khổ Bộ Tứ mà còn cả trong mục tiêu đối phó Trung Quốc, nên Mỹ và Ấn Độ còn có thể tạo thành cặp bài trùng rất đặc biệt. Đối tác thêm gắn kết vì thế và trở nên quan trọng hơn đối với nhau.