Bà Lê Thị Thanh Lam – Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh báo cáo dự kiến nội dung Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV.
Theo bà Lê Thị Thanh Lam, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 21/10 và dự kiến bế mạc vào ngày 30/11. Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt (Đợt 1: từ ngày 21/10 đến ngày 13/11; Đợt 2: Từ ngày 20/11 đến ngày 30/11). Tại Kỳ họp lần này, Quốc hội xem xét thông qua 16 luật, 2 nghị quyết và cho ý kiến 12 dự án luật. Bên cạnh đó, tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang, bà Lê Thị Thanh Lam còn báo cáo hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang từ sau Kỳ họp thứ Bảy đến nay. Đồng thời, báo cáo tóm tắt trả lời kiến nghị của cử tri Hậu Giang trước và sau Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV.
Tại cuộc tiếp xúc, các cử tri bày tỏ vui mừng và đánh giá cao các đổi mới và chất lượng hoạt động của Quốc hội; cơ bản đồng tình với dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp thứ Tám cũng như kết quả trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang.
Bên cạnh đó, các cử tri đã phản ánh nhiều ý kiến, kiến nghị liên quan đến chính sách, pháp luật liên quan đến bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; kiến nghị đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng kè chống sạt lở kênh xáng Xà No. Cử tri còn kiến nghị cần có những chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là lĩnh vực nông nghiệp; có giải pháp hiệu quả để tăng cường xuất khẩu hàng hóa nông sản, góp phần giải quyết lao động tại chỗ, đồng thời nâng cao chất lượng và giá cả hàng nông sản, tránh tình trạng “được mùa, rớt giá”.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Quốc hội Khóa XV còn 3 kỳ họp nữa (Kỳ họp thứ Tám, thứ Chín và thứ Mười) sẽ kết thúc nhiệm kỳ. Theo Chủ tịch Quốc hội, chưa có một nhiệm kỳ nào mà đất nước ta gặp nhiều khó khăn, thách thức như nhiệm kỳ này, khi phải đối mặt với dịch Covid-19 kéo dài hơn 2 năm. Cạnh đó, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, ngoài dự báo, gây ảnh hưởng đến tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão vừa qua đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới 26 tỉnh, thành phố phía Bắc. Thiệt hại sơ bộ về tài sản của nhân dân và nhà nước ước tính trên 81 nghìn tỷ đồng, giảm tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước vào khoảng 0,15%. Đây là thiệt hại lớn ngoài mong muốn và dự báo.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trước bối cảnh khó khăn, thách thức, Quốc hội Khóa XV đã nỗ lực đổi mới tư duy xây dựng pháp luât để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
“Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chỉ đạo là xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm khơi thông nguồn lực, để đảm bảo giải quyết, khắc phục các điểm nghẽn; tất cả vì sự phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh của đất nước.
Mạnh dạn giao tỉnh, địa phương quyết định và địa phương chịu trách nhiệm trên cơ sở cơ sở quy định của luật pháp. Vận dụng như thế nào để bảo đảm điều kiện phát triển của địa phương. Chúng ta phải kịp thời phát hiện để giải quyết những khó khăn, vướng mắc hiện nay, từ cấp xã, cấp huyện đến cấp tỉnh, nhất là đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, chăm lo đời sống cho người dân. Việc gì xã làm được xã làm ngay, huyện làm được huyện làm ngay, tỉnh làm được tỉnh làm ngay, không trông chờ vào Trung ương. Đây là tư tưởng, quan điểm chỉ đạo rất mới”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Chủ tịch Quốc hội cũng thông tin thêm, hiện nay, Trung ương đã thành lập các Tiểu ban: Tiểu ban Văn kiện, Tiểu ban Nhân sự, Tiểu ban Hậu cần phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Các địa phương cũng đang tích cực chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp sẽ diễn ra vào năm sau.
Nguồn: https://daidoanket.vn/chu-tich-quoc-hoi-doi-moi-tu-duy-cach-lam-luat-kip-thoi-khoi-thong-nguon-luc-10291404.html