Bộ Ngoại giao Na Uy và Cơ quan Hợp tác phát triển Na Uy (Norad), Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC), Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) vừa hoàn thành khóa đào tạo “Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa”.
Chương trình do UNDP khởi xướng, diễn ra vào ngày 26 và 27-2 tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ TPHCM (Saigon Innovation Hub), thu hút đông đảo đại diện đến từ các cơ quan ban ngành, cán bộ quản lý, doanh nghiệp nhà nước, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, đơn vị trên địa bàn TPHCM.
Theo dữ liệu của UNDP, tính từ năm 2018, Việt Nam thải ra môi trường biển 3,7 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm. Việt Nam đang có những chuyển biến tích cực trong hoạt động đổi mới sáng tạo được đánh giá ở mức 46/132 quốc gia trên thế giới. Đổi mới sáng tạo trong khu vực công là điều không thể thiếu để tạo ra hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà khởi nghiệp và các tổ chức liên quan.
Khóa đào tạo sẽ đưa ra hướng giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa trong bối cảnh TPHCM đang thải ra môi trường 3.000 tấn rác thải nhựa mỗi năm (số liệu năm 2022). Để giải quyết vấn đề này, đại diện UNDP tại Việt Nam cho rằng, cần có những ý tưởng đổi mới sáng tạo, ứng dụng để giải quyết có hiệu quả các vấn đề liên quan đến rác thải nhựa.
Ông Patrick Heverman, Phó Trưởng đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết, 3 điểm lưu ý trong khóa đào tạo bao gồm: Nâng cao cho cán bộ công chức các công cụ và thông tin, tư duy về vòng đời của nhựa; Nâng cao năng lực cho các bên liên quan trong khu vực công trong tăng cường khả năng kết nối và thúc đẩy văn hóa sáng tạo trong hệ sinh thái. Ngoài ra, việc mở rộng quy mô là điều quan trọng, từ đó tìm ra giải pháp tích cực trong giải quyết vấn đề giữa khu vực công và tư trong giải quyết vấn đề rác thải nhựa.
Đến với khóa học, đại điện Hợp tác xã môi trường quận Gò Vấp, chia sẻ về công tác thu gom và quản lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn quận. Cụ thể, hiện nay, HTX chịu trách nhiệm thu gom đến 90% lượng rác thải sinh hoạt của người dân trên địa bàn với 1 trạm trung chuyển của thành phố và 1 điểm hẹn lấy rác. Ngoài ra, hiện nay HTX môi trường quận Gò Vấp còn có mạng lưới vựa ve chai chịu trách nhiệm thu gom rác thải tái chế, rác thải nhựa trên địa bàn, đơn vị cũng đang triển khai thí điểm 1 điểm thu hồi rác Green Point tại một số trường học.
Nhờ áp dụng các biện pháp chuyển đổi số nên công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt thuận lợi và hiệu quả hơn, người dân có thể đặt lịch thu gom ngay trên điện thoại thông minh. Thống kê cho thấy, lượng người dân tham gia phân loại rác tại nguồn tăng dần theo từng năm, giảm lượng rác thải ra môi trường, góp phần bảo vệ môi trường sống trong khu dân cư.
Tuy nhiên, hiện nay, đơn vị vẫn còn gặp nhiều khó khăn như thiếu nguồn kinh phí hoạt động; Việc áp dụng công nghệ còn khá mới mẻ đối với các vựa ve chai, người dân và cả những người thu gom rác. Việc truyền thông cho người dân về phân loại rác tại nguồn và sử dụng app để đặt lịch thu gom còn nhiều mặt hạn chế.
Theo bà Đặng Thị Luận, Phó Giám đốc phụ trách Saigon Innovation Hub, khóa đào tạo trong 2 ngày với các phần thực hành công cụ và sự hỗ trợ của các chuyên gia, nhằm hướng tới tăng cường nhận thức và chia sẻ thông tin về ô nhiễm rác thải nhựa. Qua đó, nâng cao năng lực quản lý, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực công thông qua thực hành các công cụ đổi mới sáng tạo phù hợp cho các cán bộ khu vực công lập, bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, viện, trường.
BÙI TUẤN