Nhiều đổi mới trong công tác bồi dưỡng nghiệp vụ
Đối mặt với những thách thức, những câu hỏi làm sao để nhiều hội viên nhà báo được tiếp cận nội dung kiến thức mới về làm báo hiện đại, chủ động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số, Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh đã tích cực, chủ động triển khai hàng loạt giải pháp đổi mới, sáng tạo đồng bộ trong công tác bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực tác nghiệp đáp ứng yêu cầu mới và xu thế chuyển đổi số.
Trong nhiều năm qua, trong công tác bồi dưỡng nghiệp vụ Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh đã thường xuyên xây dựng kế hoạch trên cơ sở tập hợp danh sách các khóa học dựa trên việc lấy ý kiến của các chi hội, các hội viên. Từ đó thống nhất ra quyết định tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ mà các hội viên nhà báo đang thật sự cần.
Từ nhu cầu cấp thiết đó, Hội Nhà báo tỉnh phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí – Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức các lớp tại tỉnh hoặc tại Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí. Bên cạnh đó, Hội Nhà báo tỉnh cũng chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở TT&TT mời các giảng viên để tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ với thời gian tổ chức ngắn ngày cho hội viên. Chủ đề trong những năm gần đây chủ yếu tập trung vào sáng tác các tác phẩm báo chí đa phương tiện, đa nền tảng, làm một tác phẩm long-form, e-magazine hay megastory. Cách tác nghiệp bằng điện thoại di động, cách làm video ngắn…
Nhà báo Đỗ Ngọc Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh cho biết, bên cạnh việc đào tạo làm báo hiện đại, riêng về tập huấn kỹ năng sáng tạo tác phẩm báo chí về công tác xây dựng Đảng năm nào Hội cũng phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tổ chức. Các lớp học này gắn với tọa đàm về sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng về xây dựng Đảng. Mục tiêu phấn đấu là có các tác phẩm báo chí chất lượng tham dự Giải báo chí về xây dựng Đảng của tỉnh và cấp toàn quốc.
Tại các khoá tập huấn này, các ban xây dựng Đảng của Tỉnh ủy cũng cung cấp một số đề tài cần tuyên truyền, các nội dung liên quan đến các mặt của công tác xây dựng Đảng, các đề tài mang tính gợi ý cho hội viên nhà báo lựa chọn.
“Cũng tại buổi tập huấn và tọa đàm đó, chúng tôi phân công hội viên tìm và xây dựng một số đề tài, đề cương để trình bày. Lãnh đạo các ban xây dựng Đảng, giảng viên, lãnh đạo các cơ quan báo chí và cả các đồng nghiệp sẽ tham gia góp ý trực tiếp vào đề tài đó xem xét có đạt và triển khai được không, nên triển khai theo hướng nào” nhà báo Đỗ Ngọc Hà chia sẻ.
Đem lại những giá trị tích cực
Trong hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ, đối với các chủ đề mà bản thân các nhà báo, phóng viên yêu thích thì họ sẽ tiếp tục tìm hiểu thêm để có thể ứng dụng vào tác phẩm báo chí của mình. Khi đó, các khoá tập huấn mới hiệu quả và bền lâu. Ngoài ra từ nguồn tài liệu của giảng viên, các học viên sẽ chỉ cho nhau, người làm được chỉ cho người chưa làm được. Vì thực tế nếu chỉ thông qua 1 đến 2 buổi tập huấn mà học viên làm thành thục được các hướng dẫn theo bài giảng là rất khó.
Thực tế cho thấy, hiện nay một số khóa học của Hội Nhà báo tỉnh ngoài phần lý thuyết còn gắn với đi thực tế. Vừa qua Hội Nhà báo tỉnh đã triển khai bằng hình thức này với nội dung đào tạo như: Chụp ảnh, ứng dụng điện thoại thông minh vào tác nghiệp; sáng tạo các tác phẩm báo chí chất lượng cao…
Hội Nhà báo tỉnh xác định, không phải khóa học trên lớp kết thúc là mọi thứ xong mà cơ bản phóng viên nắm bắt và vận dụng được vào thực tiễn. Việc đi thực tế không chỉ tạo ra “kênh” để phóng viên có thêm thông tin đề tài từ cơ sở mà còn tạo thêm mối quan hệ giữa phóng viên và cơ sở. Và điều quan trọng nhất là tính gợi mở, tạo cảm hứng học tập, nghiên cứu cho mọi người để mọi người tiếp tục học tập, tìm tòi, tự tìm hiểu.
Để công tác bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí tiếp tục đạt được hiệu quả, nhà báo Đỗ Ngọc Hà cho rằng, vì lý do hội viên nhà báo làm nhiều loại hình báo chí khác nhau, gồm báo in, báo điện tử, truyền hình, phát thanh, sản xuất và phân phối trên các nền tảng mạng xã hội rất đa dạng nên Hội Nhà báo tỉnh sẽ phối hợp với các Hội Nhà báo ở trong cụm thi đua để tận dụng, phát huy được thế mạnh của các đơn vị.
Tùy từng chủ đề, Hội Nhà báo tỉnh sẽ đưa hội viên sang Hội Nhà báo tỉnh bạn để tổ chức chuyên sâu về một nội dung nào đó. Vì thực tế có những nội dung chỉ có một vài người ở Hội Nhà báo tỉnh đó quan tâm đến hoạt động này. Nếu Hội Nhà báo của một tỉnh tổ chức hẳn một lớp về chủ đề chuyên sâu thì sẽ có tình trạng ít học viên tham gia, sẽ lãng phí nhân lực và thời gian.
Đặc thù công việc của mỗi người làm báo là khá bận, phải theo kế hoạch sản xuất tin bài của cơ quan, nếu bó buộc vào các lớp học kéo dài sẽ xảy ra tình trạng vừa học vừa phải đi làm hoặc làm ngay trong lớp học.
Để tạo sự hứng khởi cho hội viên học mọi lúc, mọi nơi, Hội Nhà báo có thành lập các nhóm zalo, fanpage, trong đó sẽ chia sẻ tài liệu, hình ảnh, video các khóa học về nghiệp vụ báo chí. Thông qua các hội nghị, hội thảo, tọa đàm Hội Nhà báo tỉnh tập hợp, lựa chọn tài liệu để gửi vào nhóm đó cho học viên có nhu cầu, dành thời gian học. Mỗi học viên đam mê lĩnh vực nào sẽ tự nghiên cứu. Gần đây nhiều tài liệu về sử dụng AI, Chat GPT, công nghệ mới với hoạt động báo chí truyền thông hay tài liệu tại Hội thảo quốc tế “Quản trị tòa soạn báo chí số, lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN” cũng được để gửi vào nhóm để học viên nghiên cứu.
Nhà báo Đỗ Ngọc Hà cho biết, “ngoài các tài liệu được thu thập chúng tôi gửi đường link sự kiện thông báo cho mọi người có thể theo dõi trực tuyến các hội thảo, lớp học trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội. Nếu như mọi người đi làm không dự được các hội thảo có thể xem lại bất cứ khi nào, xem lại một cách tập trung hơn. Tôi nghĩ như vậy cũng đạt được hiệu quả, không gượng ép phải ngồi vào bàn học và phù hợp với thời gian phóng viên đi làm”.