Đua nhau “chào hàng khủng”
Nhật báo Trung Quốc Jing Daily vừa đưa tin DFS, Công ty bán lẻ “chuyên trị” phân khúc du lịch trực thuộc Tập đoàn Moët Hennessy Louis Vuitton (LVMH) đang lên kế hoạch mở một khu phức hợp mua sắm miễn thuế và giải trí cao cấp 7 sao tại đảo Hải Nam (Trung Quốc). Nắm giữ hơn 420 địa điểm bán lẻ miễn thuế (duty free) tại các sân bay cũng như trong các resort và khách sạn, DFS tham vọng sẽ chinh phục thị trường “cuồng” hàng xa xỉ số 1 thế giới sau khi khu phức hợp này hình thành vào năm 2026.
Dự án “siêu khủng” này dự kiến được đặt tại Tam Á, ngay vịnh Á Long (Yalong Bay), một trong các vịnh biển đẹp nhất của đảo Hải Nam. DFS Yalong Bay đang được nghiên cứu với quy mô 128.000 m² (tương đương Marina Bay Sands ở Singapore), nơi sẽ đặt các cửa hàng thuộc các thương hiệu của LVMH, bao gồm thời trang, phụ kiện, mỹ phẩm, nước hoa, đồng hồ, trang sức và các nhà hàng, khu ẩm thực đẳng cấp. LVMH ước tính khuôn viên này đến năm 2030 sẽ thu hút hơn 16 triệu du khách mỗi năm, trở thành kình địch với Hồng Kông, Macau và Singapore.
Theo Jing Daily, DFS và LVMH mạnh tay đầu tư cho đảo Hải Nam bởi nơi đây đang được quy hoạch trở thành một thiên đường mua sắm mới của thị trường tỉ dân. “Hawaii của Trung Quốc” đang trở thành thỏi nam châm hút tệp khách hàng rủng rỉnh hầu bao khi tề tựu các trung tâm mua sắm miễn thuế lớn nhất thế giới với khoảng 800 thương hiệu, được chính phủ ưu ái với chính sách miễn thuế mở rộng. Giá thành các sản phẩm bày bán tại đây sẽ giảm từ 10 – 40% so với hàng hóa tại đại lục.
Trong các năm đại dịch, do theo đuổi chính sách zero Covid, gần như du khách quốc tế không tới đảo Hải Nam. Năm 2020, hòn đảo này chỉ đón 200.000 khách. Số lượng du khách nội địa giảm từ 81,6 triệu xuống 64,3 triệu. Song nhờ chính sách tăng hạn ngạch mua sắm miễn thuế đối với du khách trong nước, doanh thu du lịch và doanh thu miễn thuế tăng 30% so với năm trước đại dịch; đồng thời, GDP của Hải Nam tăng 4,2% và gấp 2 lần so với tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc là 2,3%. Vậy mà chính phủ nước này vẫn chưa thỏa mãn và đang tiếp tục ra sức mời gọi nhiều doanh nghiệp (DN) hàng đầu thế giới về đây đầu tư những sản phẩm đẳng cấp. Khi lên kế hoạch phát triển DFS Yalong Bay, LVMH đã nhận được lời cam kết từ Bắc Kinh rằng đây sẽ là khu phức hợp mua sắm xa xỉ duy nhất tại đảo Hải Nam.
Với những ưu đãi từ Bắc Kinh, LVMH đã mạnh dạn xúc tiến xây dựng khu phức hợp xa xỉ 7 sao. Truyền thông quốc tế nhận định chính sách của chính phủ Trung Quốc gồm hai mũi nhọn. Đầu tiên là thu hút khách du lịch quốc tế, thứ nhì là khuyến khích người dân đại lục đi du lịch và mua sắm ngay trong nước, hạn chế “chảy máu” ngoại tệ.
Tương tự, chính phủ Thái Lan hai ngày trước cũng vừa ban hành quy định mới, thí điểm cho phép các nhà hàng, tụ điểm giải trí như các câu lạc bộ, quán karaoke tại một số tỉnh, thành như Bangkok, Phuket, Pattaya, Chiang Mai và Samui được mở cửa đến 4 giờ, kể từ ngày 15.12 tới; đồng thời, chính phủ nước này dự kiến sẽ tổ chức khoảng 3.000 sự kiện thể thao, văn hóa để tăng doanh thu du lịch, kích thích kinh tế địa phương phát triển.
Thái Lan một mặt lên kế hoạch nâng thời gian miễn thị thực cho du khách để bứt tốc giành khách quốc tế; một mặt điều chỉnh rất nhiều chính sách, xây dựng các sản phẩm mới không chỉ phục vụ du khách quốc tế mà còn nhằm đáp ứng nhu cầu người dân trong bối cảnh tiết giảm chi tiêu cho các khoản du lịch nước ngoài. Trong khi đó, Đài Loan lại chọn cách tặng tiền mặt cho du khách để kích cầu du lịch.
Không chấp nhận rủi ro, khó đòi hỏi đột phá
Mặc dù có lợi thế mở cửa trước, nhưng đến nay VN vẫn loay hoay tìm lời giải cho bài toán đi sau, làm sao để bật lên trước. Chúng ta vượt mục tiêu đón khách quốc tế 3 tháng trước khi kết thúc năm, nhưng khi VN nới lên 12 – 13 triệu khách thì Thái Lan đã vượt mốc 23 triệu khách quốc tế từ giữa tháng 11 và đang kỳ vọng về đích năm nay với con số 28 triệu khách. Đáng nói, trong khi khách quốc tế còn chưa kịp hồi phục thì thị trường nội địa lại đang dần hạ nhiệt. Giá vé máy bay cao, không có sản phẩm mới hấp dẫn, cộng thêm một vài điểm đến “hot” mất điểm vì tình trạng giá cả “chặt chém”, an ninh… vô tình đẩy người dân đi du lịch nước ngoài.
Đầy tiếc nuối nhìn các nước lần lượt vượt VN, rồi lại trông sang LVMH mạnh tay rót hàng tỉ USD cho đảo Hải Nam, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), lo lắng: Đảo Hải Nam nằm gần VN, có đủ yếu tố về điều kiện thiên nhiên để có thể phát triển gần như toàn bộ các loại hình dịch vụ, từ du lịch nghỉ dưỡng, mua sắm, khám phá, giải trí, y tế. Bên này có Singapore cũng là thiên đường mua sắm, nhìn sang bên kia lại thấy Thái Lan – kình địch của du lịch VN – đã vượt lên thành thiên đường vui chơi giải trí… Rõ ràng, du lịch VN đang lọt thỏm giữa những đối thủ nặng ký và sẽ ngày càng khó khăn để vượt lên, trừ khi chúng ta có những chính sách đột phá hơn, sản phẩm độc đáo hơn.
Càng tiếc nuối hơn khi người được mệnh danh là “vua hàng hiệu” từ cách đây cả thập niên có tham vọng mở các trung tâm mua sắm lớn, các cửa hàng miễn thuế dưới phố cho du khách thỏa sức tiêu tiền tại nhiều địa phương. IPPG thậm chí đã đàm phán được với các nhà cung cấp để có mức giá bán bằng giá tại Pháp, Singapore và thấp hơn ở Trung Quốc dù bán lẻ và phải chịu thuế. Thế nhưng các dự án, đề án, ý tưởng, tâm huyết đầu tư công trình quy mô lớn, sản phẩm độc đáo để “móc hầu bao” du khách như ở Singapore, Thái Lan, đảo Hải Nam… của IPPG đến địa phương nào cũng được “trải thảm” khuyến khích, nhưng khi đi vào thực thi lại vướng mắc rất nhiều khó khăn.
TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, nhìn nhận những rào cản, bất cập ảnh hưởng đến tốc độ hồi phục và phát triển của du lịch VN đã được Chính phủ cùng các cấp có thẩm quyền nhận diện đầy đủ. Ai cũng hiểu còn rất nhiều vướng mắc đến từ pháp lý, thể chế khiến du lịch chưa thể đột phá. Sự vào cuộc quyết liệt từ các cấp, ngành để hoàn thiện những đề án hoàn chỉnh như các khu phi thuế quan, loại hình sản phẩm mới… cũng đã có. Song khâu thực thi trong thực tế còn chậm. Vấn đề là phải có cách tiếp cận mới trong nhìn nhận, pháp lý, thể chế, thực thi…
TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư
“Có những cái chưa có, nếu đòi hỏi hoàn thiện đầy đủ thể chế, pháp lý thì sẽ mất rất nhiều thời gian. Có những mô hình mới, mình chưa có kinh nghiệm thì đòi hỏi tinh thần dám làm, dám quyết trên cơ sở có những nỗ lực tốt nhất cho các đề án được đánh giá, nhìn nhận từ nhiều chiều. Không thể cứ đòi hỏi hoàn thiện 100%. Nói cách khác, muốn bứt phá, đột phá thì phải chấp nhận một mức rủi ro nhất định. Phải thay đổi từ tư duy tới cách tiếp cận và cách làm”, TS Võ Trí Thành nhấn mạnh.
“Mỗi bước chúng ta chần chừ là một lần đánh mất cơ hội vào tay điểm đến khác. Trong kinh doanh, cơ hội là yếu tố quan trọng hàng đầu. Nhà đầu tư nước ngoài không ở đó chờ ta mãi. Càng chậm chân, cơ hội để vượt lên càng hạn hẹp”.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG)