"Làng củi lũ" tọa lạc giữa cánh đồng ở xã Cẩm Hà (TP.Hội An), trưng bày nhiều bộ sưu tập linh vật độc đáo được chế tác từ những thanh củi khô trôi dạt theo dòng lũ. "Làng củi lũ" do anh Lê Ngọc Thuận (45 tuổi, ở P.Cẩm An, TP.Hội An) thành lập vào năm 2022.
Đợt dịch Covid-19 bùng phát mạnh khiến công việc bị đình trệ, rảnh rỗi, anh Thuận ra cửa sông Thu Bồn dạo chơi và tình cờ phát hiện củi khô, củi mục theo dòng nước lũ trôi dạt vào bờ. Anh liền nhặt nhạnh, mang về lắp ghép, trưng bày trong các homestay làm đồ trang trí theo xu hướng tối giản, thân thiện với môi trường. Rồi anh ấp ủ ý định làm đồ tái chế từ củi lũ, tỉ mẩn đục đẽo tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, có hồn.
Sản phẩm từ củi lũ của anh đều làm thủ công. Ban đầu chỉ để trưng bày, tặng bạn bè nhưng sau đó hút khách vì tính độc lạ nên anh Thuận nghĩ đến việc kinh doanh. Anh mở xưởng mộc, biến 2 nhà hàng của mình thành nơi trưng bày, giới thiệu, triển lãm đồ mộc tái chế.
Anh Lê Ngọc Thuận cho biết đang chọn hướng đi mang tính kết nối cộng đồng qua chuỗi thưởng thức và trải nghiệm chế tác sản phẩm nghệ thuật địa phương tại cơ sở mang tên "Làng củi lũ", nhằm truyền tải thông điệp về văn hóa, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Cứ mỗi dịp tết, anh Lê Ngọc Thuận lại giới thiệu bộ sưu tập linh vật được chế tác từ củi lũ. Tết Ất Tỵ 2025, anh hoàn tất bộ sưu tập các loài rắn
Xuất thân là đầu bếp nhưng mê nghệ thuật, có năng khiếu, anh Lê Ngọc Thuận học thêm nghề mộc để từ đó "thổi hồn" cho những sản phẩm củi lũ. "Những sản phẩm do chính tay mình chế tác ra giống như linh hồn của mình. Vì vậy, phải đặt tâm hồn mình vào từng thanh củi rồi mới có cảm xúc, có câu chuyện. Đối với mình, củi lũ là rác, mình chế ra tác phẩm coi như "dọn rác" cho môi trường", anh Thuận tâm sự
Cặp linh vật gà được chế tác từ những thanh củi khô
Những sản phẩm chế tác từ gỗ trở thành hàng lưu niệm dành cho du khách trong và ngoài nước
Mỗi sản phẩm tại "Làng củi lũ" có giá bán thấp nhất 100.000 đồng, cao nhất lên đến cả ngàn USD
Tác phẩm nghệ thuật tại "Làng củi lũ" mang đậm bản sắc văn hóa của người Việt và Cơ Tu
Linh vật chuột được tạo ra từ thanh củi khô bỏ đi
Nhiều sản phẩm đa dạng, màu sắc
"Làng củi lũ" thỏa mãn nhu cầu về mặt mỹ thuật thị giác và là nơi giữ gìn nét đẹp truyền thống, tầm nhìn sáng tạo văn hóa bền vững
Mặc dù ban đầu còn gặp nhiều khó khăn, nhưng mong ước về sự lan tỏa của các tác phẩm tái chế đã thôi thúc anh Lê Ngọc Thuận không ngừng thử nghiệm
Tác phẩm của "Làng củi lũ" đã được trưng bày tại nhiều triển lãm trong nước, quốc tế và được nhiều người đón nhận
Bộ ngựa cùng nhiều linh vật khác được tạo ra từ củi lũ
Du khách tham quan "Làng củi lũ"
Mỗi sản phẩm từ củi lũ là một tác phẩm riêng biệt, làm thủ công
Mỗi linh vật đều sinh động và có hồn
"Làng củi lũ" đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 20 lao động là những nghệ nhân làng mộc nổi tiếng Kim Bồng
Bộ sưu tập linh vật rắn vừa được anh Thuận cho ra mắt dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ
Anh Lê Ngọc Thuận (bìa phải) giới thiệu sản phẩm tại "Làng củi lũ" với các du khách nước ngoài
Nhiều địa điểm nổi tiếng của Hội An cũng được tái hiện một cách sinh động
Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó chủ tịch UBND TP.Hội An, cho hay mỗi tác phẩm tái chế từ củi lũ của anh Lê Ngọc Thuận đã nâng tầm giá trị cho sản phẩm thủ công của địa phương. Mỗi tác phẩm là một câu chuyện, mang tính biểu cảm nghệ thuật, truyền cảm hứng sáng tạo cho cộng đồng. Đặc biệt hơn, câu chuyện "tái sinh củi lũ" đã lan tỏa thông điệp về nghệ thuật tái sinh và bảo vệ môi trường
Nguồn: https://thanhnien.vn/doi-doi-cui-lu-cung-thong-diep-ve-nghe-thuat-tai-sinh-185250215125257108.htm
Bình luận (0)