Tây nguyên đang giữa những ngày cao điểm mùa khô, nắng oi ả, gió thổi ào ạt. Đầu giờ chiều, giữa sân vận động Trường ĐH Tây Nguyên, đội bóng của trường được chia làm hai đội hình để đá tập trong 2 hiệp, mỗi hiệp 20 phút. Các cầu thủ sinh viên (SV) tham gia trận đấu mồ hôi nhễ nhại trong cơn nắng gắt, ra sức đưa bóng về sân đối phương tìm cách ghi bàn…
Làm quen giờ thi đấu sớm
Trận đấu được thầy giáo Trần Văn Hưng, giảng viên Khoa Giáo dục thể chất (GDTC) ĐH Tây Nguyên, HLV trưởng đội bóng, làm trọng tài điều khiển. Trong giờ nghỉ giữa 2 hiệp bóng tập, thầy Hưng tập trung đội tại một góc sân để nhận xét, chỉ ra các điểm mạnh và hạn chế của các cầu thủ, việc tuân thủ các hướng dẫn, điều chỉnh chiến thuật lên bóng…
Thầy Hưng cho biết sau nhiều ngày nghỉ tết các SV mới trở lại tập luyện được một tuần nay. “Trước tết, chúng tôi tổ chức cho các em tập được hơn một tháng, thời gian nghỉ tết cũng gián đoạn việc tập luyện. Hiện trường đã chốt đội hình tham dự giải và sẽ đi Nha Trang (Khánh Hòa) đá vòng loại trong tuần tới. Nghe nói ở Nha Trang thời tiết nắng nóng, thời gian thi đấu sớm, có trận vào 14 giờ chiều nên thầy trò chúng tôi cũng gắng tập giờ này để làm quen”, thầy Hưng chia sẻ.
Cũng theo thầy Hưng, hiện đội bóng lên danh sách gồm 25 cầu thủ là SV nhiều khoa, nhưng nòng cốt là khoa GDTC. Tham gia giải bóng đá Thanh Niên sinh viên Việt Nam lần II này, đội bóng ĐH Tây Nguyên xác định mục tiêu vào sâu hơn so với kết quả dự giải lần đầu năm ngoái nên đội được tập trung sớm, tập luyện nghiêm túc. Đội cũng sử dụng lực lượng một nửa đội hình là “cựu binh” từng thi đấu ở giải trước và bổ sung nhiều SV có kỹ thuật, thể lực tốt được phát hiện trong các giải phong trào của trường thời gian qua.
“Chúng tôi xác định việc rèn thể lực cho các em là khâu quan trọng nếu muốn đi đường dài, vượt qua nhiều trận đấu. Tuy vậy, đội bóng cũng phải kết hợp làm quen, tập dượt các chiến thuật đơn giản, dễ thực hiện, tiến đến tập phối hợp các tình huống tấn công, phòng thủ phức tạp hơn”, thầy Hưng nói.
Thiếu “quân xanh” để cọ xát
HLV đội bóng ĐH Tây Nguyên cũng cho rằng, mặc dù có tiến bộ nhưng đội vẫn còn những hạn chế nhất định, nhiều cầu thủ chưa ‘đọc’ được trận đấu, chưa thực hiện tốt chiến thuật trong tập luyện, cũng chưa có nhiều trận đấu giao hữu với các đội bóng quân xanh khác để cọ xát, phát hiện thêm các điểm mạnh, yếu để điều chỉnh… Hiện đội mới đá được 3 trận giao hữu với 3 đội, CLB phong trào trên địa bàn tỉnh.
Giữa buổi tập, Nguyễn Quốc Trung, SV năm thứ tư, đội trưởng đội bóng ĐH Tây Nguyên, chia sẻ: “Sau khi vượt qua vòng loại, vào vòng chung kết ở giải lần đầu năm ngoái, lần này đội bóng trường em đặt quyết tâm cao để có thứ hạng tốt hơn. Năm nay có các thầy giáo bộ môn trực tiếp huấn luyện, chúng em cũng được truyền thêm động lực nhiều hơn”.
Trung cũng là đội trưởng đội bóng của trường tham gia giải bóng đá Thanh Niên sinh viên lần I – 2023. Khi được hỏi đội bóng của trường năm nay có khác gì so với ở giải trước, Trung nhận xét chất lượng của đội hiện khá hơn do nhiều cầu thủ đã có kinh nghiệm thi đấu ở giải này, bổ sung một số cầu thủ tuy là SV năm 1 nhưng có kỹ thuật cá nhân khá tốt, anh em trong đội có tinh thần đoàn kết, hòa đồng, ra sức rèn luyện theo giáo án của thầy…
Sinh viên Na Than, người dân tộc K’Ho, tỏ vẻ phấn khởi khi lần thứ 2 được cùng đội bóng của trường dự giải sắp tới. Chàng SV năm 3 Khoa GDTC này cho biết trong giải trước từng đá tiền vệ, lần này sẽ đá vai tiền đạo, quyết ghi nhiều bàn thắng cho đội. “Ở giải này em cũng nhận thấy đội bóng trường mình có trình độ chuyên môn tiến bộ hơn ở giải trước. Nhưng nghe đâu các đội trường khác cũng mạnh lắm. Do đó, để thắng đội bạn, mình phải cố gắng nhiều hơn và dứt khoát là phải đá đẹp, tôn trọng đội bạn”, Na Than cười tươi, rồi lao vút vào sân tiếp tục trận đấu tập.