Xã hội không khỏi hốt hoảng khi một người nổi tiếng phát ngôn trong cuộc thi nhan sắc cho rằng bản thân là người thực tế, nên… “chưa đọc hết một cuốn sách nào”.
Đọc sách không chỉ đơn thuần là hoạt động giải trí mà còn có khả năng ứng dụng sâu rộng trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống. (Ảnh minh họa) |
Sự việc trên, thêm lần nữa, cho thấy công cuộc chấn hưng văn hóa đọc dường như vẫn còn rất dài.
Đứng trên vai người khổng lồ
Việc công nghệ và các phương tiện truyền thông số tỏ ra chiếm ưu thế như hiện nay dễ khiến đôi lúc chúng ta có phần quay lưng với việc đọc sách. Điều này không khó hiểu.
Tuy vậy, nếu cho rằng đọc sách khiến chúng ta chìm đắm trong thế giới mơ mộng, xa rời thực tế thì đó là một hiểu lầm hết sức tai hại. Không nên hiểu về sách, giá trị của sách, lợi ích của việc đọc sách một cách hời hợt như vậy!
Sách chính là kho tàng tri thức của nhân loại, cung cấp thông tin trong tất cả lĩnh vực của cuộc sống. Bản thân tự mình trải nghiệm cuộc sống là đáng quý, nhưng việc đọc, và tiếp nhận kinh nghiệm của người khác cũng quý giá không kém. Chưa kể còn có thể tiết kiệm công sức, rút ngắn thời gian, nhờ tận dụng sự đúc kết của người khác. Người ta hay nói “đứng trên vai người khổng lồ” là vì vậy.
Những ai có thói quen đọc sách đều sớm nhận ra rằng việc đọc sách không chỉ cung cấp cho chúng ta kiến thức, thông tin mà còn giúp phát triển tư duy phản biện, khả năng phân tích. Ngay cả những tác phẩm khó đọc, đòi hỏi tư duy tổng hợp và khả năng biện luận cao, như dòng sách triết học chẳng hạn, cũng giúp độc giả hiểu rõ hơn về nhân sinh, xã hội, từ đó bồi đắp nhân sinh quan, giá trị sống cho bản thân.
Kiến thức đến từ sách giúp người đọc mở rộng sự hiểu biết về thế giới khách quan và các vấn đề phức tạp trong cuộc sống. Thế nên, đọc sách không hề khiến người đọc sống xa rời thực tế mà giúp chúng ta có cái nhìn về thực tại sâu sắc hơn. Lợi ích này của việc đọc sách không phải chỉ được hô hào qua lý thuyết suông mà đã được chứng minh qua thực tiễn.
Khả năng ứng dụng của sách là vô hạn
Đọc sách không chỉ đơn thuần là hoạt động giải trí mà còn có khả năng ứng dụng sâu rộng trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống.
Nếu nghi ngờ khả năng ứng dụng của việc đọc sách thì chính là do chúng ta chưa hiểu rõ quá trình chuyển hóa giữa lý thuyết và thực tiễn, vốn là một hành trình lâu dài thông qua tích lũy.
Mỗi tác giả khi viết sách đều xác định nội dung và mục tiêu hướng đến khác nhau. Không phải quyển sách nào cũng trực tiếp hướng dẫn người đọc giải quyết một vấn đề cụ thể như kiểu cầm tay chỉ việc.
Mỗi quyển sách sẽ hướng đến mỗi trình độ học vấn khác nhau. Với việc rèn luyện thói quen đọc sách theo thời gian, theo từng cấp độ đọc, người đọc sẽ phát triển nhiều kỹ năng, trong đó có việc hình thành các chiến lược và kỹ năng giải quyết vấn đề hiệu quả, tư duy sáng tạo. Đây là các kỹ năng giúp con người làm chủ mọi hoàn cảnh, tình huống phát sinh trong cuộc sống.
Rõ ràng, các kiến thức từ sách không chỉ phục vụ cho sự phát triển cá nhân mỗi người mà còn là công cụ quan trọng trong việc giải quyết vấn đề, đưa ra quyết định. Sau quá trình đọc sách, không nhiều thì ít, người đọc có thể áp dụng những kiến thức có được vào thực tiễn, làm cho cuộc sống mỗi ngày đều thêm giá trị.
Nhận định việc đọc sách sẽ khiến xa rời thực tế là do chưa hiểu rõ về hiệu quả kích thích sự tưởng tượng mà sách mang lại. Giáo dục từ truyền thống đến hiện đại luôn chú tâm rèn luyện trí tưởng tượng trong quá trình trưởng thành của một cá nhân. Nhờ nuôi dưỡng và phát triển trí tưởng tượng mà con người có thêm kinh nghiệm và tri thức, từ đó nhận thức được thế giới, và xa hơn là sáng tạo thế giới. Xã hội văn minh, hiện đại ngày nay chính là thành quả của việc con người không ngừng tưởng tượng và sáng tạo. |
Nguồn: https://baoquocte.vn/doc-sach-khien-xa-roi-thuc-te-286990.html