Theo quan niệm của người Thái trắng ở Sơn La, Tết Xíp xí là ngày con cháu hướng về tổ tiên, cũng là dịp người lớn dành sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt đến thế hệ trẻ.
Nghi lễ Tết Xíp xí của người Thái trắng tại hai huyện Phù Yên và Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La vừa được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trao bằng chứng nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Phần rước lễ Tết Xíp xí ở xã Quang Huy, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. |
Được tổ chức vào ngày 14/7 âm lịch hằng năm, Tét Xíp xí có mâm lễ vật thờ hồn vía để cầu xin sự may mắn cho từng cá nhân, gia đình, dòng họ trong bản; cầu xin mưa thuận, gió hòa; cầu mong thần thánh, tổ tiên phù hộ cho con trẻ được mạnh khỏe, hay ăn chóng lớn, không ốm đau bệnh tật.
Lễ vật cúng gồm: thịt vịt, thịt gà, thịt lợn hun khói, lạp sườn, cá nướng (Pa pỉnh tộp), nộm rau cải, canh bon, canh chua, khẩu cắm (cơm nếp nhuộm 5 màu hoặc 7 màu), bánh ít, bánh chưng gù.
Tết Xíp xí thường không thể thiếu “nhứa tô pết” (thịt vịt) bởi vịt gắn bó với đồng ruộng, sông suối, cúng thịt vịt là muốn con vịt ăn hết sâu bọ hại lúa, con vịt mang điều không may mắn, điềm xấu trôi theo dòng nước.
Sau khi cúng, các thành viên trong gia đình sẽ cùng ngồi quây quần bên mâm cỗ; con cháu chúc người già sống lâu trăm tuổi, người lớn cầu mong lớp trẻ yên vui, khỏe mạnh.
Trong bữa ăn, các thành viên sẽ trò chuyện vui vẻ, chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất và cùng nhau ca hát. Ngày hôm đó, con trẻ sẽ được đi vui chơi thỏa thích.
Việc Nghi lễ Tết Xíp xí của người Thái trắng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia chính là niềm vinh dự, tự hào đối với cộng đồng người Thái Trắng hai huyện Phù Yên và Quỳnh Nhai.
Đây là động lực để cấp ủy, chính quyền và nhân dân hai huyện Phù Yên và Quỳnh Nhai cùng quảng bá, giới thiệu Nghi lễ Tết Xíp xí tới du khách trong và ngoài nước, đồng thời tích cực phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp, gắn di sản văn hóa phi vật thể với phát triển kinh tế – xã hội và phát triển du lịch.
Nguồn: https://baoquocte.vn/doc-dao-nghi-le-tet-xip-xi-cua-nguoi-thai-trang-283082.html