Cái khó ló cái khôn
Với đặc thù các huyện miền núi, địa hình núi non hiểm trở nên hồ đập ít, nhỏ lẻ, các dòng khe suối cũng có độ dốc lớn. Thế nên việc tích trữ nước, chống hạn vào mùa khô hết sức khó khăn; mặt khác, việc chống hạn bằng những chiếc máy bơm chạy bằng xăng dầu, tưới nước tốc độ nhanh là điều rất xa xỉ vì chi phí lớn…
Trong cái khó ló cái khôn, từ nhiều năm nay, người dân tộc Thái ở các huyện miền Tây Nghệ An như Quế Phong, Quỳ Châu, Tương Dương, Con Cuông đã có phương án đối phó với hạn hán bằng những chiếc cọn (còn gọi là guồng nước) nước bằng gỗ, tre tự chế hết sức độc đáo, đơn giản, chi phí thấp mà hiệu quả lại cao.
Tại các bản Hoa Tiến 1, Hoa Tiến 2 thuộc xã Châu Tiến (huyện Quỳ Châu), người dân sống bên dòng sông Hiếu ruộng chủ yếu là đất pha cát, dùng máy bơm cũng chỉ được một hai ngày, dân nghèo nên không có tiền mua máy bơm nước, lại tốn xăng dầu. Và, cách chống hạn bằng những chiếc cọn nước tự chế đơn giản, kinh phí ít, nhưng lại mang đến hiệu quả cao hơn rất nhiều.
Ông Sầm Văn Tâm, bản Hoa Tiến I, cho biết: “Cọn nước có từ đời ông cha chúng tôi, làm cọn nước không khó làm, dụng cụ cũng đơn giản, làm 2 đến 3 ngày là xong, chi phí cũng thấp hơn, trong bản có trung bình từ 70-80 chiếc cọn nước phục vụ tưới cho hơn 40 ha đất trồng lúa”.
Mỗi cái cọn nước ước tính chi phí vào khoảng 2 – 3 triệu đồng, cọn nước bình thường dùng được 2 năm, sau đó tu sửa lại và có thể sử dụng tiếp. Cọn nước rất thuận lợi cho việc đưa nước vào tưới tiêu cho những cánh đồng khô hạn ở vị trí cao.
Quanh năm, hình ảnh những chiếc cọn nước như những chiếc bánh xe khổng lồ, chậm chậm quay vòng đều đặn ở hai bờ sông Hiếu đã trở nên rất quen thuộc đối với người dân cũng như khách thập phương. Hình ảnh cọn nước rất độc đáo, lạ mắt nên nhiều khách đi qua cũng nán lại để lưu lại những hình ảnh làm kỷ niệm bên chiếc cọn nước. Cọn nước đã trở thành những nét đặc trưng của người Thái ở các huyện miền Tây Nghệ An.
Cọn nước được thiết kế rất khéo léo từ những vật liệu của núi rừng như: tre, nứa. Những chiếc cọn nước của đồng bào miền núi đã trở thành những công trình thủy lợi tự chế hết sức độc đáo, phục vụ sản xuất nông nghiệp, chống hạn hán cho bà con nơi đây.
Ông Sầm Văn Túc – Phó chủ tịch UBND xã Châu Tiến (huyện Quỳ Châu), cho biết: “Xã Châu Tiến có gần 280 ha đất trồng lúa, trong đó có khoảng một nửa thường xuyên thiếu nước, việc đảm bảo nước tưới tiêu bằng kênh mương thủy lợi là không thể, bà con tự làm cọn nước chống hạn rất tốt, tiết kiệm kinh phí xây dựng hệ thống thủy lợi, với những chiếc cọn nước bà con đã giải quyết được khó khăn cho chính quyền trong việc chống hạn”.
Cọn nước…làm du lịch
Mấy năm gần đây, một tác dụng bất ngờ của cọn nước là du khách ở khắp nơi khi nhìn thấy đều tỏ ra thích thú vì độc đáo, lạ mắt. Khi nhìn thấy cọn nước, nhiều du khách đã nán lại bên những con khe, dòng suối ở các huyện miền Tây xứ Nghệ để chụp ảnh, quay những thước phim làm kỷ niệm…Vì thế, một số địa phương đã tận dụng việc này để khai thác tối đa tác dụng của cọn nước. Và, cọn nước ngoài việc lấy nước chống hạn thì bất ngờ trở hành một công cụ để giúp người dân làm du lịch.
Tiên phong trong việc làm cọn nước “đa mục đích” là xã Yên Na và xã Yên Hòa, huyện Tương Dương. Tại đây, bên dòng suối Chà Hạ yên bình có đến hàng trăm cọn nước san sát nhau tạo nên một khung cảnh hết sức đẹp mắt, thơ mộng để chào đón du khách.
Ông Vi Thanh Tùng – Chủ tịch UBND xã Yên Na, tâm sự rằng, từ xưa người dân đã biết làm cọn nước để dẫn nước tưới tiêu cho những cánh đồng dọc suối Chà Hạ. Quả thật, những chiếc cọn nước là “cỗ máy” vừa không tốn nhiều chi phí mà lại “thân thiện với môi trường” mà đồng bào miền núi đã sáng tạo ra để giúp chống hạn hiệu quả.
“Những năm gần đây chúng tôi nhận thấy khung cảnh này rất đẹp, thu hút được nhiều khách đến du ngoạn, chụp ảnh…nên xã đã tiến hành bàn bạc với người dân để đầu tư thêm những cây cầu gỗ, chòi dừng nghỉ và phục vụ ẩm thực để mùa hè thu hút du khách, phát triển du lịch cộng đồng sinh thái cho địa phương” – Ông Vi Thanh Tùng, cho biết thêm.
Cách đó không xa, vào xã Yên Hoà điều gây ấn tượng nhất là bà con người Thái ở đây cũng đã bắt đầu biết làm du lịch, dựa vào cảnh quan và đời sống văn hóa, phong tục để thu hút du khách. Giờ đây, du khách đến Yên Hòa mê mẩn với những cánh đồng mùa trĩu hạt, với gần 50 cọn nước ngày đêm thức cùng dòng Chà Hạ, ở đây còn có cánh rừng săng lẻ tuyệt đẹp ở bản Yên Tân và lời ca, điệu múa của những cô gái Thái. Không ít người cho rằng với ưu thế về phong cảnh, Yên Hòa sẽ là một trong những điểm du lịch cộng đồng nổi bật nhất ở miền Tây Nghệ An trong tương lai gần.
Khi nói về cọn nước, ông Nguyễn Hữu Hiến – Phó chủ tịch UBND huyện Tương Dương, rất kỳ vọng rằng, ngoài tác dụng tuyệt vời về việc chống hạn thì trong tương lai cọn nước sẽ tiếp tục được các địa phương của huyện nhà phát huy tác dụng thu hút du khách, phát triển du lịch. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có phương án chỉ đạo các xã, phối hợp với các đơn vị có kinh nghiệm trong làm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái để tạo nên những tua thu hút du khách bằng cách kết hợp nhiều địa danh, địa điểm từ văn hóa đến cảnh quan, trong đó có quần thể cọn nước để đẩy mạnh phát triển du lịch huyện nhà” – Ông Hiến, cho hay.