Lợi nhuận của Bầu Đức – Hoàng Anh Gia Lai vẫn tăng trưởng dù doanh thu sụt giảm
CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý III/2024 với doanh thu thuần 1.432 tỷ đồng (giảm 24% so với cùng kỳ). Về cơ cấu, mảng trái cây mang về 880 tỷ đồng (giảm 12% so với cùng kỳ); mảng chăn nuôi lợn 234 tỷ đồng (giảm 52% so với cùng kỳ); cung cấp hàng hóa và dịch vụ khác đạt 288 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ.
Dù doanh thu sụt giảm, lợi nhuận sau thuế của Hoàng Anh Gia Lai lại tăng 8%, đạt 351 tỷ đồng. Lý do là biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp tăng mạnh từ mức 27% lên 43%, nhờ đóng góp từ mảng lợn và trái cây.
Sau 9 tháng, doanh nghiệp của bầu Đức mang về doanh thu 4.198 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ, nhưng lãi ròng đạt 851 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Trung bình, mỗi ngày doanh nghiệp của bầu Đức lãi hơn 3 tỷ đồng.
Động lực chính cho mức tăng trưởng lợi nhuận cũng đến từ sự cải thiện biên lãi ròng và giảm chi phí tài chính. Đó là chưa kể trong 9 tháng đầu năm ngoái, doanh nghiệp ghi nhận hơn 350 tỷ đồng từ lợi nhuận khác (thanh lý tài sản), trong khi kỳ năm nay khoản này âm 69 tỷ đồng.
Năm 2024, Hoàng Anh Gia Lai đặt mục tiêu doanh thu cao kỷ lục với 7.750 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 1.320 tỷ đồng. Như vậy, hiện tại công ty đã hoàn thành lần lượt 54% và 64% kế hoạch đề ra.
Nếu hoàn thành kế hoạch, năm 2024 sẽ là năm thứ 3 liên tiếp HAGL cán mốc lợi nhuận nghìn tỷ đồng, tiến sát việc xoá lỗ luỹ kế. Với mức lợi nhuận đạt được trong 9 tháng đầu năm 2024, lỗ luỹ kế của công ty giảm xuống còn 626 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối quý III/2024, tổng tài sản của Hoàng Anh Gia Lai ở mức gần 22.500 tỷ đồng, tăng hơn 1.500 tỷ đồng so với đầu năm. Chiếm tỷ trọng lớn là các khoản phải thu với gần 10.000 tỷ đồng. Riêng phải thu về cho vay của Hoàng Anh Gia Lai Agrico và đơn vị liên quan nhóm này là 1.015 tỷ đồng, giảm 100 tỷ đồng so với cuối quý II/2024.
Nợ phải trả của công ty ở mức hơn 13.500 tỷ đồng, giảm gần 700 tỷ đồng so với đầu năm nhưng tăng so với cuối quý II. Trong đó, vay nợ hơn 7.300 tỷ đồng, giảm hơn 500 tỷ đồng so với đầu năm. Chiếm phần lớn trong tổng nợ là nợ trái phiếu tại BIDV và công ty chứng khoán của ngân hàng này với giá trị hơn 4.000 tỷ đồng.
Với các khoản vay tại ngân hàng, Hoàng Anh Gia Lai giảm vay nợ tại TPBank và Sacombank, ngược lại tăng khoản vay tại LPBank từ 750 tỷ đồng hồi đầu năm lên hơn 1.600 tỷ đồng, đồng thời cũng vay thêm HDBank 51 tỷ đồng.
Doanh nghiệp của Bầu Đức vẫn chậm trả nợ 4.500 tỷ đồng trái phiếu
Mặc dù hoạt động kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai khởi sắc hơn nhiều nhưng doanh nghiệp của bầu Đức vẫn tiếp tục chậm trả 4.500 tỷ đồng nợ gốc và lãi trái phiếu.
Cụ thể, cách đây hơn 2 tuần, Hoàng Anh Gia Lai thông báo chậm thanh toán hơn 4.500 tỷ đồng gốc, lãi trái phiếu của mã HAGLBOND16.26 được phát hành ngày 30/12/2016.
Trong đó, HAGL sẽ chậm thanh toán hơn 3.484 tỷ đồng lãi và hơn 1.015 tỷ đồng gốc. Thời gian dự kiến được Hoàng Anh Gia Lai thanh toán vào quý IV.
Lý do chậm thanh toán, theo HAGL, là bởi vẫn chưa thu đủ nguồn tiền từ khoản nợ của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (đã thỏa thuận lộ trình trả nợ 3 bên) và chưa thanh lý được một số tài sản không sinh lợi.
Cũng chính vì những điều này mà Công ty kiểm toán TNHH Ernst & Young Việt Nam kết luận “có sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Hoàng Anh Gia Lai”.
Trước đó, tình hình hoạt động kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai rất khả quan, có nhiều triển vọng tốt.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã soát xét 6 tháng đầu năm, doanh thu của Hoàng Anh Gia Lai tuy giảm 11% so với cùng kỳ, chỉ đạt gần 2.800 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế đạt hơn 500 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ.
Các sản phẩm chính của công ty do bầu Đức làm chủ tịch như sầu riêng, chuối đều có đầu ra thuận lợi, giá bán cao.
Chia sẻ với cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, bầu Đức cho biết sẽ phấn đấu đến cuối năm nay phải xóa được lỗ lũy kế bằng nhiều cách khác nhau.
Năm 2024, Hoàng Anh Gia Lai dự kiến doanh thu cây ăn trái đóng góp 5.540 tỷ đồng, chiếm 71% tổng doanh thu; doanh thu lợn ăn chuối đóng góp 1.550 tỷ đồng, chiếm 20% tổng doanh thu; và các sản phẩm, hàng hoá khác đóng góp 660 tỷ đồng, chiếm 9% tổng doanh thu.
Hoàng Anh Gia Lai đã đặt nhiều kỳ vọng vào lĩnh vực sầu riêng trong nửa cuối năm 2024. Hoàng Anh Gia Lai đang đi theo mô hình 2 cây, 1 con thì cả 3 sản phẩm là lợn, sầu riêng và chuối đều đang được đánh giá kinh doanh tốt. Hoàng Anh Gia Lai đang sở hữu 1.200 ha sầu riêng tại Lào và năm nay là năm đầu tiên cho trái trên diện tích 200 – 300 ha.
Ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai thông tin, với 300 ha sắp thu hoạch này, công ty dự kiến có doanh thu hàng trăm tỷ đồng. Đến năm 2025 – 2026, con số này lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Hoàng Anh Gia Lai cũng liên tục thay đổi lĩnh vực cốt lõi, từ bất động sản sang lĩnh vực nông nghiệp mía đường, cao su; rồi dịch chuyển sang lĩnh chăn nuôi bò; chuyển sang lĩnh vực trái cây, chăn nuôi lợn; mới đây nhất là trồng sầu riêng.
Hoàng Anh Gia Lai kỳ vọng, doanh thu năm 2024 sẽ tăng đột biến vào quý IV, khi chính thức khai thác một phần diện tích sầu riêng. Trong đó, sầu riêng trồng tại Việt Nam (thu vụ chính) đã có doanh thu vào tháng 8-9/2024 và sầu riêng trồng tại Lào (thu trái vụ) sẽ có doanh thu vào tháng 10 này và tháng 12/2024. Bầu Đức kỳ vọng Hoàng Anh Gia Lai sẽ bán được sầu riêng nghịch vụ với giá từ 100.000 đồng/kg trở lên.
Nguồn: https://danviet.vn/doanh-thu-sut-giam-loi-nhuan-sau-thue-cua-hoang-anh-gia-lai-van-tang-nho-mang-lon-trai-cay-20241018094233674.htm