Tăng mạnh doanh thu nhờ AI

“Tôi vừa gặp đại diện Công ty Fujinet có trụ sở ở TPHCM, được biết tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này vẫn tăng trưởng rất tốt, duy trì mức 20-30%. Động lực tăng trưởng ở đâu khi nhân sự chỉ tăng một chút mà năng suất lao động và doanh thu vẫn tăng được như vậy?”.

Ông An Ngọc Thao, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) kể với phóng viên VietNamNet bên lề sự kiện Ngày Công nghệ thông tin Nhật Bản 2024 (Japan ICT Day 2024) chiều 2/12 ở Hà Nội.

Câu trả lời từ đại diện Fujinet là, bên cạnh việc tối ưu hóa nguồn nhân lực thì ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) chính là chìa khóa”, 

Fujinet đã từng mất 3 năm đầu tư cho hệ thống ứng dụng AI liên quan nhận diện chữ viết (OCR) cho khách hàng Nhật Bản, chấp nhận không thu được gì, để rồi đến năm nay doanh số bùng nổ. Rất nhiều đối tác Nhật tìm đến đặt hàng, gồm cả doanh nghiệp ở Việt Nam và doanh nghiệp ở Nhật. Trong đó có những dự án rất lớn. 

Bà Nguyễn Thị Anh, Trưởng Phòng Phát triển kinh doanh NTT e-MOI. Ảnh: Bình Minh

Core (lõi) AI do đội ngũ Fujinet đầu tư nghiên cứu và phát triển, có thể ứng dụng trong nhiều bài toán khác nhau như nhận dạng chứng minh thư, nhận dạng những form mẫu văn bản…

“Cũng chính AI đang tạo sức sống mới cho dịch vụ BPO (gia công quy trình kinh doanh) của nhiều doanh nghiệp Việt. Sau thời gian đầu “nở rộ”, số lượng dự án BPO cho Nhật của doanh nghiệp Việt có một giai đoạn co lại bởi giá trị thu về thấp trong khi nguồn lực đầu tư khá lớn.

Gần đây, nhờ AI giúp giảm đầu tư (máy móc làm thay người những công việc như nhận dạng chữ viết, nhận dạng hình ảnh, đếm hoa, đếm quả, nhận diện sản phẩm lỗi…), tăng tỷ suất lợi nhuận, thì lại đang có xu hướng gia tăng dự án BPO, nhưng được định vị là dự án cung cấp dịch vụ liên quan AI, giá trị mang lại cho doanh nghiệp cao hơn rất nhiều.

Dự án ứng dụng những công nghệ mới như AI thì đơn giá khá cao, có thể đạt tầm 4.000-5.000 USD/người/tháng”, ông Thao cho biết.

Sau 8 năm triển khai hàng trăm dự án cho khoảng 20 đối tác Nhật Bản, Công ty NTT e-MOI cũng nhạy bén khai thác hiệu quả ứng dụng AI.

Bà Nguyễn Thị Anh, Trưởng Phòng Phát triển kinh doanh NTT e-MOI chia sẻ với VietNamNet: “Blockchain (công nghệ chuỗi khối) là xu hướng công nghệ của mấy năm trước. Còn xu hướng gần đây là nền tảng low-code no-code kết hợp với công nghệ AI.

Chúng tôi đã thực hiện nhiều dự án cho khách hàng tại Nhật Bản dựa trên các lợi thế của công nghệ mới để rút ngắn thời gian phát triển, có những dự án chỉ cần 1/4 thời gian để hoàn thiện một hệ thống phần mềm. Chúng tôi xác định nền tảng low- code no-code kết hợp ứng dụng AI là động lực tăng trưởng chính của chúng tôi trong tương lai với mục tiêu phát triển 150%/năm”.

Doanh nghiệp Việt cần làm gì đề tiếp cận cơ hội thị trường 200 tỷ USD?

Đề cập tới những nhu cầu mới của đối tác/thị trường Nhật Bản, Phó Tổng Thư ký VINASA trích dẫn thông tin thú vị trong tham luận của ông Junya Kawamoto, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác quốc tế JISA, tại Japan ICT Day 2024: Hiện tại, không chỉ có khối tư nhân của Nhật tìm đến Việt Nam, mà nhiều tổ chức/đơn vị trong khu vực công cũng đang mong muốn tìm đến Việt Nam vì kỹ năng của nhân lực Việt đã tiệm cận mong muốn của Nhật, trong khi Nhật ngày càng thiếu hụt nguồn nhân lực.

Theo ông Junya Kawamoto, ngành dịch vụ IT Nhật Bản đạt doanh thu 200 tỷ USD với 1,17 triệu lao động vào năm 2022. Đại dịch Covid-19 đã làm bộc lộ sự yếu kém của hệ thống IT cũ trong khu vực công, thúc đẩy Nhật Bản thành lập Cơ quan Kỹ thuật số và triển khai các chính sách như Chính phủ Cloud, DFFT (dòng chảy dữ liệu tự do với độ tin cậy cao)…

Trong khu vực tư nhân, chính sách của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) khuyến khích số hóa qua chương trình DX Stocks.

Tuy nhiên, ngành IT Nhật Bản đối mặt với thách thức lớn về thiếu hụt nhân tài, rủi ro địa chính trị… Rất nhiều doanh nghiệp Nhật kỳ vọng có thể hợp tác cùng doanh nghiệp Việt trong một số lĩnh vực như trao đổi nhân lực và liên doanh xuyên biên giới…

Khảo sát mới đây của VINASA với 20 doanh nghiệp (gồm 10 doanh nghiệp trên 1.000 người, 5 doanh nghiệp từ 500-1.000 người, và 5 doanh nghiệp có 200-500 lao động) cho thấy, doanh thu 5 năm nay tăng rất đều, trung bình 22-28%/năm, trong đó có đóng góp không nhỏ từ những mảng hợp tác mới.

Ngày trước, doanh nghiệp IT Việt chỉ làm việc với doanh nghiệp IT Nhật Bản, triển khai các bài toán mà doanh nghiệp IT Nhật Bản lấy về từ các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề khác. Gần đây đã gia tăng số lượng doanh nghiệp từ các ngành công nghiệp khác nhau của Nhật đặt hàng trực tiếp với doanh nghiệp IT Việt. 

“Quy mô thị trường dịch vụ outsource IT (thuê ngoài dịch vụ IT) của Nhật Bản ước khoảng 30 tỷ USD/năm, những năm gần đây, doanh nghiệp Việt mới chỉ giành được khoảng 2 tỷ USD, còn lại chủ yếu thuộc về doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp nội địa Nhật Bản. Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra thì cả ngành ICT của Nhật thì quy mô có thể lên tới hàng trăm tỷ USD”, ông Thao lưu ý.

Để gia tăng cơ hội tiếp cận thị trường Nhật, ông Thao khuyến nghị, doanh nghiệp và nhân lực Việt cần chuẩn bị kiến thức chuyên sâu về những ngành công nghiệp khác tại Nhật. Doanh nghiệp Việt cần đầu tư nghiên cứu, phát triển những giải pháp cho các ngành công nghiệp có nhu cầu lớn như: sản xuất, công nghiệp ô tô, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, y tế… trên các nền tảng công nghệ mới như cloud (điện toán đám mây), AI, blockchain…

Đồng thời chuẩn bị lực lượng kỹ sư có năng lực công nghệ mới, các chuyên gia có hiểu biết sâu chuyên ngành, sẵn sàng cùng doanh nghiệp Nhật nghiên cứu, phát triển giải pháp mới ngay từ đầu.

Trong bối cảnh Việt Nam đang được các đối tác từ Nhật Bản và một số nước khác định vị là một trong những đối tác quan trọng gần như là số 1, Việt Nam có lợi thế địa chính trị khá cao, Phó Tổng Thư ký VINASA kỳ vọng doanh nghiệp Việt sẽ có sự tăng trưởng đột phá về doanh thu khi chinh phục thị trường Nhật.

“Năm 2025 có thể chưa đạt ngay mức tăng trưởng 50-100%, nhưng đến năm 2030, tăng gấp 5 gấp 10 lần so với hiện tại là điều không khó nếu doanh nghiệp và nhân lực IT Việt có sự chuẩn bị tốt. Sẽ có những dự án lớn của Nhật yêu cầu đến hàng nghìn, thậm chí vài nghìn người, doanh nghiệp Việt cần tạo liên minh vững chắc cả về nguồn nhân lực cũng như các giải pháp công nghệ và kinh nghiệm xử lý các tình huống thực tiễn.

Khi đối tác Nhật cảm thấy doanh nghiệp Việt có thể đồng hành thực hiện những khát vọng lớn của họ thì chúng ta mới giành được những dự án lớn, mới nói được đến câu chuyện tăng trưởng gấp 5 gấp 10 lần trong khoảng 5 năm”, ông Thao nhận định.

Đại diện NTT e-MOI cũng cho rằng dư địa dành cho các doanh nghiệp IT Việt tại thị trường Nhật Bản còn rất nhiều. Đặc biệt, khi dân số ngày càng già hóa, Nhật Bản ngày càng thiếu hụt nguồn lao động, đòi hỏi phải ứng dụng IT nhiều hơn.

Chẳng hạn lĩnh vực dưỡng lão được đánh giá 30 năm tới vẫn còn tiềm năng phát triển ở Nhật Bản. Đặc thù ngành này là cung cấp dịch vụ cho người cao tuổi, không thể tăng chi phí nhiều, nên bắt buộc phải ứng dụng IT. Khoảng 2-3 năm nay, “số hóa dịch vụ dưỡng lão” đã trở thành từ khóa thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng Nhật Bản. Dưỡng lão chỉ là một trong những ngành cụ thể ở Nhật bắt buộc phải ứng dụng IT để có thể bù đắp được phần thiếu hụt nhân lực. Đấy là cơ hội lớn cho doanh nghiệp IT Việt.

“Khi hợp tác với các doanh nghiệp Nhật, cần nghiên cứu kỹ để đảm bảo 2 bên có chung quan điểm về bức tranh tương lai và có thể cùng nhau đi đường dài. Đặc biệt, phải làm rõ mong muốn, kỳ vọng của đối tác Nhật đối với sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp Việt, cách thức hợp tác, phân công nhiệm vụ, cũng như lợi nhuận đạt được khi dự án thành công. Bởi nhiều khi khách hàng Nhật đưa ra một yêu cầu nhỏ nhưng lại muốn doanh nghiệp Việt phải hiểu hàm ý rộng hơn”, bà Ánh chia sẻ kinh nghiệm cho các doanh nghiệp Việt muốn thu “trái ngọt”.

Nguồn: https://vietnamnet.vn/doanh-thu-cua-dn-viet-tu-thi-truong-nhat-ban-co-the-tang-gap-10-trong-5-nam-toi-2348090.html