Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) đề nghị Ngân hàng nhà nước nghiên cứu và chỉ đạo các ngân hàng giãn nợ, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp xi măng, giúp các doanh nghiệp sớm đi qua giai đoạn khó khăn về sản xuất, tiêu thụ.
Doanh nghiệp xi măng muốn được giãn nợ, giảm lãi suất và vay vốn lưu động |
Là một trong những ngành công nghiệp có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, nhưng chưa bao giờ ngành xi măng trong nước gặp khó khăn như giai đoạn này.
Dư cung lớn, tiêu thụ nội địa lẫn xuất khẩu đều rất chậm và giảm sâu, nhiều doanh nghiệp khó về tài chính, nguy cơ bị “bán mình” cho nước ngoài, Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) đã phải cầu cứu Chính phủ và các Bộ ngành về các giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong ngành.
Để doanh nghiệp bớt khó, VNCA đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, nghiên cứu và chỉ đạo các ngân hàng giãn nợ, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp xi măng; ưu tiên các doanh nghiệp xi măng được vay vốn lưu động và không khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào dự án xi măng tại Việt Nam.
Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ sớm trình Quốc hội thông qua việc bãi bỏ thuế xuất khẩu với clinker. Còn trong ngắn hạn, nếu chưa bãi bỏ, VNCA đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ cho giữ nguyên thuế xuất khẩu với clinker trong 2 năm tiếp theo là 5% (như mức thuế trước năm 2023) và được khấu trừ VAT.
“Bãi bỏ thuế xuất khẩu với clinker là sự hỗ trợ của Nhà nước với ngành xi măng trong lúc rất khó khăn. Việc này tránh các doanh nghiệp bị phá sản, gây hệ lụy khôn lường nếu thiếu xi măng trong những năm tới”, VNCA lập luận.
Tiêu thụ chậm đang là vấn đề lớn nhất của ngành xi măng, nhất là thị trường nội địa là ‘địa chỉ” hấp thụ khoảng 60 triệu tấn sản phẩm/năm. Do đó, Hiệp hội xi măng đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng chỉ đạo triển khai xây dựng các tuyến đường dạng cầu cạn, đường bê tông xi măng cốt thép thay cho đường đắp nền đất ở những nơi thích hợp.
Bởi, công nghệ này phù hợp với những nơi nền đất yếu và những nơi cần cho lũ thoát qua. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai công tác xây dựng hạ tầng đô thị, nông thôn, nhà ở xã hội, thị trường bất động sản.
VNCA lý giải, tại các nước mới phát triển từ nước nghèo, chậm phát triển khi thu nhập GDP bình quân đầu người hàng năm đạt khoảng trên 4.000 USD thì nhu cầu xi măng đạt trên 1000 kg/người/năm.
Trong khi đó, mức tiêu thụ xi măng nội địa của Việt Nam hiện nay đang thấp, chỉ đạt chưa đến 650 kg/người/năm.
Tính đến năm 2024, cả nước có 61 nhà máy sản xuất xi măng, tổng công suất khoảng 117 triệu tấn xi măng/năm, nhưng năng lực sản xuất thực tế có thể đạt hơn 130 triệu tấn/năm. Sản lượng xi măng đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Sản lượng xi măng tăng liên tục từ 2010 đến 2021. Năm 2021, tổng sản lượng tiêu thụ xi măng, clinker đạt 108 triệu tấn, nhưng từ 2022 đến nay giảm mạnh.
Cả năm 2023, tiêu thụ chỉ đạt khoảng 87,8 triệu tấn, trong đó tiêu thụ xi măng nội địa đạt 56,6 triệu tấn, xuất khẩu 31,2 triệu tấn. Lượng xi măng tiêu thụ nội địa năm 2023 chỉ bằng 84% năm 2022, còn lượng xuất khẩu xi măng năm 2023 bằng 99% năm 2022.
Số lượng doanh nghiệp báo lỗ trong năm 2023 tiếp tục tăng, với nhiều tên tuổi lớn như Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), cùng loạt đơn vị thành viên như Vicem Hải Vân, Hoàng Mai, Bút Sơn.
Khối doanh nghiệp tư nhân, xi măng liên doanh cũng không ngoại lệ, khả dĩ hơn thì giảm doanh thu và lợi nhuận teo tóp.
Dữ liệu kinh doanh quý I/2024 dù chưa được các doanh nghiệp công bố, nhưng kết quả kinh doanh ảm đạm tiếp tục phủ bóng lên các doanh nghiệp trong ngành.