Tại diễn đàn “Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam và Hoa Kỳ – Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt” chiều 10.11, các doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế đã có những chia sẻ về việc doanh nghiệp Việt cần nắm bắt các cơ hội và khai thác các thông tin hợp tác trong thời gian đến với thị trường Hoa Kỳ.
Ông Lê Trường Kỹ – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Kỹ thuật Xây dựng DINCO, đơn vị từng hợp tác với các doanh nghiệp Hoa Kỳ cho biết, các doanh nghiệp nước bạn quan tâm lớn nhất là sự minh bạch trong báo cáo tài chính và năng lực của doanh nghiệp đối tác.
Họ không cần bạn kể lể quá nhiều về những gì đã làm được mà họ muốn biết doanh nghiệp bạn có làm được những yêu cầu của họ hay không, có đúng tiến độ hay không. Sự thành thật trong năng lực được doanh nghiệp Hoa Kỳ đề cao. Họ cũng sẽ xem xét kỹ lưỡng môi trường lao động. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần phải chuẩn bị đội ngũ nhân lực có trình độ ngoại ngữ để thuận tiện trao đổi với đối tác.
“Văn hóa doanh nghiệp Hoa Kỳ là đi vào trọng tâm vấn đề. Khả năng ngoại ngữ của nhân lực phải thật tốt để trao đổi với đối tác cũng như trung thực, thực hiện những cam kết đôi bên” – ông Kỹ nhấn mạnh.
Ông Mai Minh Vương – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Vận tải Nhất Phong Vận chia sẻ câu chuyện thực tế, năm 2010 khi doanh nghiệp có cơ hội phục vụ công ty Hoa Kỳ ở khâu vận chuyển hóa chất. Trong quá trình thực hiện thì đơn vị cùng làm việc tại TPHCM đã trễ giờ và gói thầu sau đó bị ảnh hưởng.
Qua câu chuyện như vậy để thấy hiện nay khi doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội, ngay bản thân doanh nghiệp ông Vương thời gian gần đây đã nhận nhiều thông tin đề nghị hợp tác của doanh nghiệp Hoa Kỳ nhưng để tận dụng được những cơ hội này, doanh nghiệp Việt cần hiểu rõ những tiêu chuẩn của đối tác và làm việc phải đúng giờ. Ngoài ra, thách thức về nguồn nhân lực cũng là hạn chế của Việt Nam, cần phải được cải thiện trong thời gian tới.
Ông Michael Lương – Giám đốc dự án Công ty Phát triển Giải pháp Năng lượng sạch (Asia Clean Capital Vietnam – ACCV) cho biết, khó khăn khi ông lần đầu đến Việt Nam là nguồn nhân lực. Tại thời điểm năm 2005 đến 2009, doanh nghiệp chỉ có thể tuyển được 9 kỹ sư ra trường có đủ trình độ ngoại ngữ.
Vì vậy, việc đầu tư cho nguồn nhân lực về ngoại ngữ là rất cần thiết. Doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ nhà trường để đưa sinh viên đến học tập. Bên cạnh đó, để có thể giúp doanh nghiệp nước ngoài vào địa phương thì rất cần những chính sách ưu đãi, hỗ trợ của chính quyền.
Cũng tại diễn đàn, ông Christopher Allan Vanllon – Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam – Chi hội Đà Nẵng khẳng định luôn cam kết hỗ trợ cho sự phát triển Đà Nẵng. “Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam luôn là đối tác chiến lược tại miền Trung Việt Nam. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để quảng bá cho môi trường đầu tư Đà Nẵng để thu hút thêm nhiều dự án FDI cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa” – ông Christopher Allan Vanllon chia sẻ.