Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần nhiều hơn sự tiếp sức từ chính sách. (Ảnh minh họa – Nguồn: VGP) |
(PLVN) – Đúng dịp kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam, một báo cáo khảo sát về tình hình doanh nghiệp (DN) được công bố. Báo cáo cho thấy, với những khó khăn của khối DN tư nhân, đặc biệt những DN nhỏ và vừa, cần phải có những bước tiếp sức đặc biệt, để lực lượng hiện đang chiếm đến 98% này có nội lực để phát triển cũng như đóng góp hiệu quả cho các mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế.
Cần chính sách cụ thể để cạnh tranh công bằng
Báo cáo mới công bố của Ban IV (Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân) cho thấy, DN, đặc biệt là khối DN tư nhân vẫn đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức sau những khó khăn lớn của toàn cầu như dịch Covid, lạm phát của năm 2023 và đặc biệt là cơn bão số 3 ở Việt Nam. Theo đó, báo cáo cho thấy, khu vực kinh tế tư nhân tỏ ra “hụt hơi” so với các khu vực kinh tế khác trong quá trình phục hồi, thể hiện qua cả 3 kỳ khảo sát từ tháng 4/2023 đến nay.
Kết quả khảo sát kỳ này cho thấy, 20,4% DN ngoài nhà nước đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay “rất tiêu cực” so với cùng kỳ 2023, trong khi đó, tỷ lệ của DN nhà nước và DN đầu tư nước ngoài (FDI) lần lượt là 9,7% và 14,8%); 42% DN ngoài nhà nước đánh giá tình hình hiện tại “tiêu cực” (so với 17% của DN nhà nước và 39,5% của DN FDI). “Nếu so với các kỳ khảo sát trước, điểm trung bình của DN ngoài nhà nước đánh giá về tình hình kinh tế cũng thấp hơn các khu vực DN khác và có tốc độ phục hồi niềm tin kinh doanh chậm hơn” – báo cáo nhận định.
Khảo sát tình hình DN này cũng cho thấy, các kiến nghị của DN vẫn tập trung vào một số vấn đề như tiếp tục giảm chi phí và nâng cao sức cạnh tranh của DN, đặc biệt chú ý đến DN khu vực ngoài nhà nước để thực sự vun bồi nội lực và phát huy khả năng của các DN này; Tiếp cận vốn vay; Tiếp cận thị trường và Cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh.
Trong đó, miễn giảm thuế cho các DN vừa và nhỏ được phần đông DN kiến nghị bởi theo lý giải của khối DN này, giảm thuế đồng nghĩa với việc để DN tư nhân có thể giữ thêm được chút lợi nhuận để tái đầu tư, đặc biệt trong tình trạng DN đã nhỏ, doanh thu sụt giảm, lại phải nộp phần lớn vào thuế thì sẽ rất khó khăn và không thể cầm cự được qua cuộc suy thoái kinh tế này.
Ngoài ra, cộng đồng này cũng đề nghị chính sách hỗ trợ cần cụ thể hơn để DN thực sự có được sự cạnh tranh công bằng với DN FDI. Bởi các DN vừa và nhỏ hiện nay rất khó cạnh tranh với các DN FDI vì không được hưởng nhiều ưu đãi như DN FDI. Do đó, cần tạo điều kiện cho DN trong nước cạnh tranh công bằng với các doanh nghiệp FDI và có chính sách ưu đãi hơn nữa về thuế, thuê đất… Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có chính sách ưu đãi mạnh hơn đối với nhóm DN tư nhân trong nước, nhóm này đóng nhiều thuế nhưng đang gặp khó khăn mọi mặt vì quy mô nhỏ.
Cần quyết liệt giữa chủ trương với thực thi
Đại diện Ban IV nhận định, kết quả của kỳ khảo sát mới nhất cho thấy bối cảnh tích cực hơn nhiều so với các kỳ khảo sát trước và xu hướng phục hồi niềm tin kinh doanh của DN tương đối ổn định. Tuy vậy, sự phục hồi còn chưa thực sự bền vững; DN đặc biệt là DN tư nhân vẫn đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, rất cần sự vun bồi về nội lực để phát triển cũng như đóng góp hiệu quả cho các mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế.
Do đó, theo Ban IV, trọng tâm chính sách rất cần quan tâm đến khu vực kinh tế tư nhân vì đây là “nội lực” của nền kinh tế, có vai trò quyết định đến việc nâng cao năng suất lao động và đưa Việt Nam vượt qua bẫy nghèo, trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.
Ban IV đánh giá, sự quyết liệt, kịp thời trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với tinh thần “vì dân, vì DN” thực sự là biện pháp quan trọng hàng đầu để vun đắp niềm tin cho người dân và DN và cần được liên tục duy trì, lan tỏa đến các cấp cơ sở để đảm bảo sự đồng bộ giữa chủ trương với thực thi. Bên cạnh đó, các giải pháp giãn giảm áp lực chi phí cho người dân, DN, vun bồi nội lực vẫn cần được quan tâm thiết kế và đẩy mạnh thực thi vì đây vẫn là thời điểm phải cân nhắc “khoan thư sức dân”.
Đáng chú ý, Ban IV đề xuất, định hướng chính sách không chỉ tập trung vào các DN lớn “hiện hữu” mà cần quan tâm kiến tạo môi trường thuận lợi giúp nhiều DN nội địa có khả năng vươn lên, giành vị thế dẫn dắt. Theo đó, việc đặt ra các bài toán lớn quốc gia theo cơ chế “đặt hàng” với yêu cầu “liên kết chuỗi giá trị nội địa”, đồng thời với các cơ chế minh bạch, đảm bảo sự công bằng, không phân biệt giữa các DN khu vực nhà nước với khu vực tư nhân là xu hướng được nhiều DN kỳ vọng.
Đây cũng là kỳ vọng của nhiều chuyên gia khi hầu hết đều cho rằng, cần phải có cơ chế, chính sách cũng như sự quan tâm hơn đến với khối DN tư nhân, đặc biệt là với hơn 98% DN nhỏ và vừa, để họ có nội lực, khả năng tiếp nhận và chuyển giao công nghệ từ DN FDI, giúp khối này có vị trí và đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế quốc gia.
Nguồn: https://baophapluat.vn/doanh-nghiep-tu-nhan-can-chinh-sach-manh-me-hon-de-phat-trien-post528338.html