Thông tin từ Cục Hàng hải Việt Nam, giá cước vận tải biển toàn cầu đang có xu hướng giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Đặc biệt, trong tháng 8.2024, các tuyến vận tải từ châu Á đến bờ Tây nước Mỹ và châu Âu ghi nhận mức giảm mạnh nhất, dao động từ 20 – 30% so với tháng trước.
Nếu so sánh với thời kỳ đỉnh điểm vào tháng 9.2021, khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn nghiêm trọng do đại dịch COVID-19, giá cước vận tải biển đã giảm tới 44%.
Đáng chú ý, mỗi tuần giá cước giảm trung bình từ 3 – 4%, phản ánh xu hướng giảm giá ổn định và dự báo sẽ tiếp tục trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn – Ủy viên Hiệp hội Logistics TPHCM cho biết, từ đầu tháng 8 tới nay, tình trạng nghẽn tàu đã không còn, giá vận tải ngày càng giảm, dù vẫn ở mức cao.
Ông Tuấn lấy ví dụ, giá cước tàu biển đi khu vực EU nay đã giảm về mức 6.000 – 8000 USD tùy vào từng ngành hàng. Tương tự giá cước đi khu vực bờ Tây còn quanh mức 5.000 – 6.000 USD/container 40 feet. So với thời điểm nóng quý I và quý II/2024 giá đã giảm nhiều.
“So với thời điểm trước, giá cước tàu biển đã hạ nhiệt. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong việc tìm kiếm tăng trưởng trong những tháng cuối năm”- ông Tuấn nói.
Trao đổi với Lao Động, ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Thuận Phước – cho biết, thị trường EU chiếm khoảng 25% thị phần xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam và đây cũng là khu vực cước tàu biển tăng cao nhất.
“Cước biển tăng cao cùng với những khó khăn về thị trường, đơn hàng đã bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản như chúng tôi.
Tuy nhiên, đến thời điểm bây giờ, sau nhiều nỗ lực, cước vận tải biển giảm khiến doanh nghiệp thở phào. Cước vận tải biển giảm sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu”, ông Lĩnh cho hay.
Cũng theo Cục Hàng hải Việt Nam, giá cước vận tải biển sẽ còn tiếp tục giảm trong thời gian tới, sau khi tình trạng tắc nghẽn tại các cảng lớn trên thế giới đã được giải quyết triệt để.
Đây là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp xuất khẩu tận dụng chi phí vận tải thấp hơn để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, mở rộng thị trường và tìm kiếm sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những tháng cuối năm.
Liên quan đến cước tàu biển tăng cao, trao đổi với Lao Động, ông Trần Quốc Toản – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) – cho biết, việc tăng giá cước đã diễn ra từ lâu, Bộ Công Thương đã triển khai các hoạt động và giải pháp khắc phục hiện tượng này.
Trong đó, Bộ Công Thương đã phối hợp với cơ quan chủ trì nghiên cứu về việc tăng giá cước, phối hợp kịp thời đưa ra các giải pháp phù hợp, triển khai các cuộc tọa đàm, cung cấp thông tin để lan tỏa đến các doanh nghiệp nhằm chủ động trong hoạt động xuất nhập khẩu. Đồng thời, bộ cũng phối hợp với Bộ Tài chính, Hiệp hội Logistics cùng trao đổi biện pháp xử lý kịp thời.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-tho-phao-vi-cuoc-van-tai-bien-giam-manh-1383264.ldo