Cần chính sách đột phá cho vốn xanh
Ông Nguyễn Xuân Thành – giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright – cho biết như trên tại hội thảo khoa học (FINHUB 2024) với chủ đề “Phát triển bền vững thị trường tài chính Việt Nam” do Trường đại học Ngân hàng TP.HCM tổ chức.
Theo ông Thành, sở dĩ các doanh nghiệp phải gọi vốn xanh từ thị trường quốc tế là vì vốn xanh thường có tỉ suất sinh lợi thấp hơn, trong khi Việt Nam chưa quen với điều này.
Ông cũng nhận định tài chính xanh, tài chính số của Việt Nam vẫn đang tụt hậu so với thế giới và khu vực.
Các quốc gia Đông Nam Á đã ban hành khung pháp lý chính thức cấp phép cho tài chính số, ngân hàng số, trong khi Việt Nam vẫn còn thiếu. Do vậy cần có chính sách đột phá để phát triển tài chính xanh, tài chính số.
Ông Nguyễn Đức Lệnh – phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM – cũng thừa nhận tín dụng xanh hiện vẫn ở mức khiêm tốn, chỉ khoảng 4,5 – 5% so với tổng dư nợ tín dụng. Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng gần đây khá tốt, luôn tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung tín dụng của ngành.
Theo ông Lệnh, phát triển kinh tế bền vững cần phải đi cùng quá trình chuyển đổi kinh tế xanh – số – tuần hoàn.
Trên cơ sở chương trình hành động của Chính phủ, đặc biệt là Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng các chương trình hành động của ngành ngân hàng về phát triển kinh tế xanh. Nhận thức của cán bộ ngân hàng về ngân hàng xanh, kinh tế xanh, tín dụng xanh cũng đã được nâng cao.
Ở góc độ thực thi, ngân hàng thương mại đang đẩy mạnh cho vay tín dụng xanh các dự án xanh như năng lượng xanh, nông nghiệp xanh, hoạt động tạo ra các sản phẩm xanh…
“Tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh gần đây rất tốt do đang chịu áp lực lớn về phát triển tín dụng xanh, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu và Mỹ đang bắt đầu quan tâm đến yếu tố xuất xứ xanh. Đó là động lực phát triển tín dụng xanh và trở thành ngành lõi của các ngân hàng”, ông Nguyễn Đức Lệnh nói.
Cần chính sách phù hợp để phát triển bền vững thị trường tài chính
TS Nguyễn Anh Vũ – trưởng khoa tài chính Trường đại học Ngân hàng TP.HCM – đánh giá trong suốt giai đoạn quan sát từ năm 1992 đến nay, ba trụ cột ngân hàng – bảo hiểm – chứng khoán đã có sự tăng trưởng và phát triển nhất định.
Để phát triển bền vững, cần tạo ra môi trường pháp lý, môi trường đầu tư và các chính sách khuyến khích phù hợp nhằm phát triển thị trường bảo hiểm, thị trường chứng khoán và các định chế tài chính như các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí; hướng đến xây dựng một hệ thống tài chính đa dạng, cân bằng và an toàn.
Đồng thời gia tăng số lượng chứng khoán niêm yết và đăng ký giao dịch, đa dạng các loại hình công cụ đầu tư, tăng khả năng tiếp cận và góp phần làm giảm rủi ro trên thị trường.
Các doanh nghiệp cũng cần thay đổi nhận thức để xây dựng hệ thống thông tin tài chính minh bạch, theo đúng các chuẩn mực Việt Nam và quốc tế, từ đó tăng cường khả năng tiếp cận vốn, đa dạng hóa kênh huy động vốn.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Trung, hiệu trưởng Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, sự phát triển của các công nghệ mới và tác động của nó đến thị trường tài chính, vấn đề giám sát, tuân thủ và kỷ luật thị trường.
Việc phát triển cơ sở hạ tầng tài chính, nâng hạng thị trường, tài chính xanh, tài chính bền vững cũng là những cơ hội và thách thức mới đối với hệ thống tài chính của Việt Nam.
Sự phát triển thị trường tài chính cần có sự đồng đều, bởi chúng ta chỉ mới phát triển thị trường tín dụng mà chưa phát triển chứng khoán, bảo hiểm, hai lĩnh vực này còn dư địa phát triển rất lớn.
Để được như vậy, cần có các giải pháp từ thể chế đến giải pháp trực tiếp cho thị trường, như đưa ra sản phẩm công nghệ, đào tạo, cũng như xây dựng niềm tin để phát triển thị trường tài chính bền vững.
Nguồn: https://tuoitre.vn/doanh-nghiep-phai-goi-von-xanh-tu-thi-truong-quoc-te-20240720163314619.htm