Ngày 27/5, theo thông tin từ Cục thống kê tỉnh Nghệ An, trong 4 tháng đầu năm 2024, địa phương có 672 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 2,44% so với cùng kỳ năm 2023, với tổng số vốn đăng ký thành lập 12.600 tỷ đồng, tăng 2,5 lần. Số chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thành lập mới là 254 đơn vị, tăng 2% (5 đơn vị); có 368 doanh nghiệp hoạt động trở lại; 43 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh hoạt động trở lại.

Trong khi đó, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 888 doanh nghiệp, tăng 21,31% (tăng 156 doanh nghiệp) so với cùng kỳ; số chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đăng ký tạm ngừng hoạt động 89 đơn vị. Còn số doanh nghiệp giải thể là 75 doanh nghiệp.

Daonh nghiep 1 .jpg
Con số đáng báo động về tình trạng doanh nghiệp xin tạm ngừng hoạt động 4 tháng đầu năm ở Nghệ An. Ảnh đồ hoạ Cục thống kê Nghệ An

Trao đổi với PV, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An cho biết, việc gần 900 doanh nghiệp xin tạm ngừng hoạt động trong 4 tháng đầu năm ở trên địa bàn là một điều đáng báo động. 

“Doanh nghiệp ngừng hoạt động thì tổng sản phẩm xã hội giảm xuống. Việc làm của người lao động bị ảnh hưởng, tăng tỷ lệ người thất nghiệp hay nguồn thu thuế, thu ngân sách giảm xuống. Các cơ quan chức năng cần có các giải pháp, sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để sớm hoạt động trở lại, tránh những thiệt hại về lâu dài” – lãnh đạo này chia sẻ.

Cũng theo vị này, nhiều doanh nghiệp hiện nay đang gặp khó khăn về nguồn vốn vay, nhiều tài sản vay đã thế chấp ngân hàng và không thể tiếp tục thế chấp tiếp để có vốn để hoạt động trở lại. 

Riêng hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn 4 tháng đầu năm tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, nhiều chương trình kích cầu, kết nối, xúc tiến thương mại được triển khai đã thúc đẩy sản xuất, giúp các nhà sản xuất, kết nối với hệ thống phân phối đến người tiêu dùng.

Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 của tỉnh này ước đạt hơn 11.200 tỷ đồng, bằng 72,58% so với tháng trước, tăng 25,75% so với cùng kỳ năm 2023.

Cộng dồn 4 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của tỉnh Nghệ An đạt gần 52.000 tỷ đồng, tăng 42,25% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng doanh thu dịch vụ lưu trú ăn uống của tỉnh Nghệ An, lũy kế 4 tháng năm 2024 đạt gần 5.900 tỷ đồng, tăng 56,35% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt hơn 578 tỷ đồng, tăng 44,37%; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt hơn 5.200 tỷ đồng, tăng 57,8%…

Cũng theo Cục Thống kê tỉnh Nghệ An, trong 4 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh này tăng 8,58% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp của địa phương này tăng do các doanh nghiệp nỗ lực trở lại sản xuất, nhu cầu một số sản phẩm tăng.

Daonh nghiep 2 .jpg
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ 4 tháng đầu năm 2024 tăng mạnh. Ảnh đồ hoạ Cục thống kê Nghệ An

Một số sản phẩm giảm, do đơn hàng xuất khẩu giảm, lượng hàng tồn kho lớn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, nhà máy hạn chế sản xuất nên sản lượng sản xuất giảm.

Trong khi đó, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 4 tháng năm 2024 ước thực hiện hơn 7.700 tỷ đồng, đạt 48,49% so với dự toán HĐND tỉnh giao và tăng 28,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó thu nội địa ước thực hiện hơn 7.200 tỷ đồng, đạt 49,71% so với dự toán, tăng 28,8% so với cùng kỳ.

So với cùng kỳ năm trước, hầu hết các khoản thu của tỉnh Nghệ An đều đạt cao hơn, đặc biệt là một số khoản thu lớn như: Thu từ khu vực công thương nghiệp – dịch vụ ngoài quốc doanh, thu tiền sử dụng đất, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu,…

Vì sao dự án khai thác vàng ở Nghệ An bị đề nghị thu hồi giấy phép?100% ý kiến người dân và chính quyền hai xã ở Nghệ An phản đối việc triển khai dự án khai thác vàng với 13.800 tấn quặng vàng nguyên khai/năm, đề nghị thu hồi giấy phép đã cấp cho doanh nghiệp.