Các doanh nghiệp ngành xây dựng đang đứng trước cơ hội hồi phục rõ rệt.
Cơ hội này xuất hiện khi các thông tin tích cực về đảm bảo tiến độ hoàn thiện các văn bản hướng dẫn cùng thời điểm hiệu lực của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, cũng như các cơ chế đặc thù áp dụng cho một số địa phương sẽ giúp giải quyết những khó khăn về nguồn cung nguyên vật liệu xây dựng. Những ách tắc do khó khăn về pháp lý của nhiều dự án bất động sản và thiếu nguồn cung nguyên vật liệu có thể sớm được giải tỏa. Đây là những yếu tố khiến doanh nghiệp ngành xây dựng cảm thấy phấn chấn.
Khi dự báo về tình hình sản xuất – kinh doanh quý III/2024, tỷ lệ doanh nghiệp xây dựng nhận định hoạt động sẽ thuận lợi hơn so với quý trước đã nhích tăng, với 28,8%, cao hơn so với mức 26,4% trong quý II/2024. Số doanh nghiệp lo ngại về tình hình khó khăn hơn cũng giảm đôi chút, từ 30,7% trong quý II, xuống 28,1% khi nhìn nhận về quý III/2024.
Đặc biệt, 30,1% doanh nghiệp kỳ vọng vào sự gia tăng của hợp đồng xây dựng mới trong 3 tháng tới, là mức tăng khá cao so với 24,1% hồi quý II/20204.
Số doanh nghiệp lo ngại hợp đồng giảm cũng giảm khá đáng kể, tương ứng là 18,9% và 25,8%.
Đây là kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê với 6.056 doanh nghiệp ngành xây dựng trên cả nước, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng, xây dựng chuyên dụng và doanh nghiệp xây dựng nhà các loại.
Dù cơ hội phục hồi xuất hiện, nhưng doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với những khó khăn không hề nhỏ. Có tới 46,5% doanh nghiệp cho rằng, yếu tố “giá nguyên vật liệu tăng cao” đang và sẽ ảnh hưởng nhiều nhất tới hoạt động của họ trong quý này.
Trong hoạt động của doanh nghiệp xây dựng, chi phí nguyên vật liệu trực tiếp dùng cho xây dựng, như đất san lấp, cát san lấp, cát xây dựng, nhựa đường… luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi phí sản xuất. Kết quả khảo sát cho thấy, trong quý II/2024, có 47,3% doanh nghiệp nhận định chi phí nguyên vật liệu trực tiếp tăng so với quý I/2024. Trong khi đó, có 46,7% doanh nghiệp dự báo, chi phí nguyên vật liệu trực tiếp trong quý III sẽ tăng so với quý II/2024.
Đây cũng chính là lý do trong số danh mục kiến nghị của doanh nghiệp xây dựng gửi Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, đứng đầu là đề nghị được hỗ trợ về nguyên vật liệu.
Cụ thể, các doanh nghiệp kiến nghị các cấp có thẩm quyền nhanh chóng có biện pháp như cấp thêm mỏ mới, tăng công suất của các mỏ cũ hoặc có phương án điều chuyển một phần khối lượng nguyên vật liệu của những dự án có thời gian hoàn thành muộn hơn cho các dự án có yêu cầu hoàn thành sớm.
Đứng thứ hai là đề nghị hỗ trợ về vốn cho sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, các doanh nghiệp xây dựng tiếp tục kiến nghị có chế tài xử phạt các chủ đầu tư chậm thanh quyết toán nợ đọng xây dựng cơ bản để rút ngắn thời gian quay vòng vốn.
Đứng thứ ba là đề nghị thông tin đấu thầu cần công khai, minh bạch. Mặc dù Chính phủ đã ban hành nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Đấu thầu, nhưng nhiều doanh nghiệp còn vướng mắc trong việc thực hiện luật mới. Vì vậy, doanh nghiệp kiến nghị bộ, ngành, địa phương xây dựng thêm các kênh hỗ trợ trực tiếp như giải đáp thắc mắc, hướng dẫn cụ thể quy trình, thủ tục đấu thầu, giải quyết khiếu nại trong đấu thầu. Mặt khác, doanh nghiệp kiến nghị cần quy định rõ hơn về chế tài xử phạt đối với trường hợp các cơ quan có thẩm quyền buông lỏng giám sát, kiểm tra trong đấu thầu, qua đó việc đấu thầu được công khai, minh bạch và bình đẳng với tất cả doanh nghiệp trước các cơ hội kinh doanh…
Cũng phải nhắc lại, trong quý II/2024, có tới 21,1% doanh nghiệp hoạt động dưới 50% năng lực thực tế; 33,3% doanh nghiệp hoạt động từ 50% đến dưới 70% năng lực thực tế. Số doanh nghiệp hoạt động từ 90% đến 100% năng lực sản xuất chỉ chiếm khoảng 16,7%.
Như vậy, cơ hội hồi phục của doanh nghiệp xây dựng là có và không hề nhỏ, nhưng mọi việc không phải đã hoàn toàn thuận lợi.
Nguồn: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-nganh-xay-dung-dung-truoc-co-hoi-hoi-phuc-d219274.html