Sau gần 2 năm trầm lắng, từ đầu năm 2023 đến nay, thị trường chủ lực về xuất khẩu gỗ, như: Hoa Kỳ, các nước thành viên EU bắt đầu nhập hàng trở lại. Theo đó, ngành sản xuất, chế biến gỗ đang có dấu hiệu phục hồi. Nắm bắt cơ hội này, các doanh nghiệp ngành gỗ của tỉnh đã và đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để tìm kiếm thị trường, kéo đơn hàng quay trở lại.
Sản xuất ván ép xuất khẩu tại Công ty CP Công nghiệp gỗ Trường Sơn (Như Xuân).
Công ty CP Công nghiệp gỗ Trường Sơn, đóng tại thôn Ngòi, xã Xuân Hòa (Như Xuân) là đơn vị chuyên sản xuất sản phẩm ván ép xuất khẩu, với công suất khoảng 20.000m3 sản phẩm/năm, mỗi năm đơn vị thu mua khoảng 35.000 đến 36.000 tấn nguyên liệu. Đa phần sản phẩm của công ty đều được xuất khẩu sang Hoa Kỳ – đây là thị trường đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi bất ổn chính trị và suy thoái kinh tế. Bởi vậy, trong 2 năm 2021 và 2022, công ty chỉ sản xuất cầm chừng, dao động từ 15.000 đến 17.000m3 sản phẩm/năm. Song, lượng sản phẩm xuất khẩu chỉ đạt 50 đến 60% lượng hàng đã sản xuất, số còn lại phải để lưu kho. Bước sang năm 2023, thị trường xuất khẩu chuyển biến theo hướng tích cực, công ty đã và đang tích cực liên hệ, kết nối lại với các bạn hàng cũ. Đồng thời, tìm kiếm, mở rộng thêm thị trường ở các quốc gia mới.
Ông Lê Văn Hà, Trưởng Phòng Hành chính, nhân sự Công ty CP Công nghiệp gỗ Trường Sơn, cho biết: “Hiện công ty đang tiến hành khảo sát thị trường mới, nghiên cứu, đổi mới công nghệ, từng bước cải tiến, nâng cao, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, nhất là đối với phân khúc khách hàng của thị trường khó tính. Từ đầu năm 2023 đến nay, công ty liên tiếp nhận được nhiều đơn hàng nên hơn 80% lượng hàng lưu kho của công ty đã được tiêu thụ, nhiều lô hàng mới đã và đang được đưa vào sản xuất”.
Sản xuất đồ gỗ nội thất tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Bamboo Vina (Hà Trung).
Vài năm trở lại đây, các sản phẩm từ tre, luồng của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Bamboo Vina, xã Yến Sơn (Hà Trung) đang dần khẳng định được vị thế đối với bạn hàng trong và ngoài nước. Thế nhưng, thời gian qua, đơn vị này cũng chịu ảnh hưởng từ việc sụt giảm đơn hàng. Trước sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp ngành gỗ, để có thể kéo được đơn hàng, công ty đã đầu tư và đưa vào vận hành hệ thống máy móc chế biến nội thất, đồ gia dụng từ tre, luồng. Dây chuyền này có máy cắt luồng, chẻ luồng, vót nan thô, bào nan tinh, lăn keo, ép, đến hệ thống sấy, hấp, xử lý chống mối mọt. Thành phẩm cuối của dây chuyền là thớt tre, bàn ghế, mặt bàn, khay, hộp, sàn tre… Có được những sản phẩm chiến lược, công ty đã nỗ lực tìm đầu ra, với nhiều hình thức từ bán hàng trực tiếp đến online, tham gia sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee, Sen Đỏ… Cùng với đó, công ty luôn tích cực tham gia các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh. Đáng chú ý, tháng 8-2022, công ty đã tham gia Hội chợ triển lãm hè “NY Now” 2022 tại Hoa Kỳ. Được biết, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Bamboo Vina là một trong 8 doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam tham gia hội chợ này. Và mới đây nhất, Công ty TNHH Sản xuất Bambo Vina đã đưa các sản phẩm nội thất, đồ gia dụng từ tre, luồng tham dự Hội chợ Ambiente Franfut 2023 tại Đức. Đây là hội chợ thương mại hàng đầu thế giới về lĩnh vực hàng tiêu dùng được tổ chức 1 năm/lần và Bambo Vina là doanh nghiệp duy nhất tại Thanh Hóa góp mặt tại hội chợ này.
Thông qua việc tích cực tìm kiếm thị trường, cùng với các sản phẩm có tính ứng dụng cao, thiết kế bắt mắt, sản phẩm của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Bamboo Vina đã và đang chinh phục được thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Hiện nay, các sản phẩm tre, luồng đã giới thiệu trên kệ hàng của các sàn thương mại điện tử quốc tế Amazon, Alibaba. Năm 2023, công ty dự kiến sẽ đưa ra thị trường hàng chục nghìn sản phẩm.
Qua số liệu rà soát, thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh hiện có 69 doanh nghiệp nhập khẩu, trồng rừng, chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Để các doanh nghiệp ngành gỗ giữ vừng và phát triển thị trường trước bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương đang định hướng cho các doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản cần theo dõi sát diễn biến thị trường để đưa ra các chiến lược kinh doanh phù hợp. Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện các yêu cầu pháp lý nhằm tăng kim ngạch xuất khẩu và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa, tăng doanh thu cho doanh nghiệp. Các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh liên quan tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp trong việc xúc tiến thương mại, tạo điều kiện để các doanh nghiệp ngành gỗ nói riêng và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tìm kiếm, mở rộng thị trường.
Bài và ảnh: Hương Thơm