Tỷ lệ doanh nghiệp vỡ nợ tại Mỹ trong tháng 5/2023 đã tăng lên – dấu hiệu cho thấy các công ty này đang vật lộn với lãi suất cao hơn, khiến việc tái cấp vốn trở nên đắt đỏ.
Doanh nghiệp Mỹ phải đưa ra các lựa chọn đau đớn. (Nguồn: Getty Images) |
Theo Công ty Dịch vụ đầu tư của Moody’s, kể từ đầu năm đến nay, đã có 41 vụ doanh nghiệp vỡ nợ ở Mỹ và 1 vụ ở Canada, nhiều nhất ở bất kỳ khu vực nào trên toàn cầu và cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022.
Tại phiên điều trần trước Ủy ban Dịch vụ tài chính của Hạ viện Mỹ vừa qua, một tuần sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tạm ngừng tăng lãi suất, Chủ tịch Jerome Powell khẳng định, động thái đó có thể chỉ là “quãng nghỉ” ngắn ngủi chứ không phải là dấu hiệu cho thấy ngân hàng đã hoàn tất lộ trình tăng lãi suất.
Ông dự kiến, sẽ có thêm các đợt tăng lãi suất trong năm nay, kể cả tốc độ tăng chậm hơn, cho đến khi đạt được nhiều tiến triển hơn trong cuộc chiến chống lạm phát.
Theo nhận định của các nhà quản trị ngân hàng và giới phân tích, lãi suất tăng cao là thủ phạm lớn nhất dẫn đến tình trạng khó khăn của doanh nghiệp như hiện nay.
Các công ty cần thanh khoản nhiều hơn hoặc những công ty đã gánh khoản nợ khổng lồ cần tái cấp vốn đang phải đối mặt với chi phí nợ mới tăng cao.
Các quyết định lựa chọn đau đớn được đưa ra. Các doanh nghiệp chọn hoán đổi khoản nợ của mình sang một hình thức nợ khác hoặc mua lại khoản nợ. Trong những trường hợp nghiêm trọng, việc tái cấu trúc có thể diễn ra trong hoặc ngoài tòa án.
Ông Mohsin Meghji, đối tác sáng lập Công ty Tư vấn và tái cơ cấu M3 Partners nhận xét: “Vốn giờ đắt đỏ hơn nhiều. Hãy nhìn vào chi phí nợ. Bạn có thể vay nợ một cách hợp lý với mức trung bình từ 4% đến 6% tại bất kỳ thời điểm nào trong 15 năm qua. Nhưng bây giờ chi phí vay đã tăng từ 9% lên 13%”.
Ông Meghji cũng cho biết, công ty của ông đã đặc biệt bận rộn với việc tư vấn cho doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau, kể từ quý IV/2022.
S&P Global Market Intelligence tiết lộ, từ đầu năm đến ngày 22/6, Mỹ đã ghi nhận có 324 hồ sơ doanh nghiệp phá sản, gần bằng con số 374 của cả năm 2022. Còn tính đến tháng 4/2023, đã có hơn 230 hồ sơ phá sản được nộp lên, mức cao nhất trong cùng kỳ kể từ năm 2010.