Công tác cảnh báo sớm đã giúp cho doanh nghiệp chủ động hơn thay vì bị động khi bị điều tra phòng vệ thương mại mới có thông tin ban đầu.
Công tác cảnh báo sớm hiện đóng vai trò quan trọng khi số lượng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam đang gia tăng.
Theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đến hết tháng 9/2024 đã có 263 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại liên quan đến hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, trong đó hơn một nửa là điều tra chống bán phá giá, tiếp theo là các vụ điều tra tự vệ, trợ cấp và chống lẩn tránh phòng vệ thương mại.
Ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại đã có trao đổi với Báo Công Thương về vấn đề này.
Công tác cảnh báo sớm được xánh định giữ tầm quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp phòng tránh rủi ro từ điều tra phòng vệ thương mại: Ảnh: TTXVN |
Hiện nay, nhiều quốc gia đang gia tăng thực hiện các vụ điều tra phòng vệ thương mại, nhất là các vụ việc chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về thực tế này?
Gần đây, các vụ điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đang liên quan đến nhiều mặt hàng, thuộc nhiều nhóm ngành hàng khác nhau, trong đó nhiều nhất là mặt hàng kim loại (thép, nhôm, đồng); hoá chất, chất dẻo, nông lâm sản (gỗ và sản phẩm gỗ)… Ngoài ra, các vụ việc thường liên quan đến mặt hàng có kim ngạch lớn. Cụ thể, như Hoa Kỳ điều tra tủ gỗ, bàn trang điểm – đây là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,4-3,5 tỷ USD/năm; hay vụ Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá pin năng lượng – đây là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hơn 4 tỷ USD trong năm 2023.
Đáng lưu ý, gần đây số vụ điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng về thương mại đối với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam có dấu hiệu gia tăng. Bản chất của biện pháp này, theo cơ quan điều tra nước ngoài, đó là xuất khẩu hàng hoá Việt Nam tăng lớn là do tránh các biện biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng với hàng hoá của các quốc gia khác, và do có sự dịch chuyển sản xuất từ nước bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại sang Việt Nam.
Đặc biệt, nếu như trước đây, các vụ điều tra chống lẩn tranh biện pháp phòng vệ thương mại chủ yếu tập trung về gian lận, không khai báo đúng xuất xứ, cũng như chuyển tải hàng hoá từ nước thứ 3 sang Việt Nam để xuất khẩu. Nhưng trong các vụ việc gần đây đã không còn dưới hạn ở các vấn đề này, mà tập trung giải quyết các câu hỏi đặt ra là hàng hoá xuất khẩu có giá trị gia tăng tại Việt Nam không? hay Việt Nam chỉ thực hiện sản xuất một số công đoạn sản xuất?
Đến nay, các vụ điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hoá xuất khẩu đang tác động như thế nào đến doanh nghiệp cũng như ngành sản xuất của Việt Nam, thưa ông?
Nói về tác động của các vụ điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, theo chúng tôi là có hai mặt, đó là vừa có tiêu cực và tiêu cực đối với ngành sản xuất trong nước cũng như của nền kinh tế nói chung.
Trước hết, về mặt tiêu cực, nếu như trước đây các vụ điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại tập trung phát hiện hành vi gian lận của doanh nghiệp như gian lận xuất xứ, khai báo sai, chuyển tải bất hợp pháp… Những hành vi như thế thường chỉ do một vài doanh nghiệp gây ra và khi cơ quan chức năng phát hiện sẽ bị xử lý.
Ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương. Ảnh: Quốc Chuyển |
Tuy nhiên, hiện hệ thống pháp luật phòng vệ thương mại của các nước theo thời gian đã được phát triển và hoàn thiện. Theo đó, các nước không chỉ giải quyết hành vi gian lận mà còn tập trung ngăn chặn dịch chuyển của chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất của một nước đã bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại sang một nước khác.
Như, trong số vụ điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với tủ gỗ, cơ quan điều tra nước ngoài cho rằng việc các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng các cấu kiện từ Trung Quốc để hoàn thiện lắp rắp ra các sản phẩm tủ gỗ, bàn trang điểm là trường hợp mang tính chất lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Hay vụ pin năng lượng mặt trời, các nhà điều tra cho rằng, các doanh nghiệp FDI mang các tế bào quang điện về Việt Nam lắp ghép lại, tạo ra tấm pin năng lượng mặt trời xuất khẩu … đây cũng là hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.
Do đó, nếu biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại bị áp dụng thì phạm vi tác động sẽ lớn hơn rất nhiều, không chỉ còn một vài doanh nghiệp cá biệt mà có thể ảnh hưởng đến cả một ngành sản xuất. Đặc biệt, trong quá trình điều tra, doanh nghiệp không chủ động cung cấp thông tin, thông tin không nhất quán, doanh nghiệp sẽ có rủi ro lớn, đó là sẽ bị chịu mức thuế cao hơn rất nhiều. Bị áp mức thuế cao, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không thể duy trì kết quả xuất khẩu như trước khi bị điều tra.
Tuy nhiên, bên cạnh tác động tiêu cực, các biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại cũng có những tác động tích cực. Đó là thay vì, doanh nghiệp khi sản xuất sản phẩm xuất khẩu chỉ có hàm lượng gia tăng không nhiều tại Việt Nam, thì khi doanh nghiệp sản xuất sản phẩm có hàm lượng gia tăng cao tại Việt Nam để xuất khẩu qua đó khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Ngoài ra, đây là cách để doanh nghiệp có thể cơ cấu lại chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, nhằm tránh bớt các rủi ro liên quan đến doanh nghiệp từ các quốc gia bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Mặt khác, doanh nghiệp tiếp tục cải thiện năng lực quản trị, theo dõi các hoạt động kinh doanh. Đồng thời, biện pháp này tạo sức ép để doanh nghiệp xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu của các cơ quan điều tra nước ngoài. Các doanh nghiệp nếu vượt qua các cuộc điều tra thì tiếp tục bảo đảm được hoạt động xuất khẩu.
Qua quan sát một số vụ điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương đã có kết luận, chúng tôi nhận thấy, lượng xuất khẩu hàng hoá Việt Nam không giảm nhiều mà thậm chí tiếp tục có tốc độ tăng trưởng cao. Điều nay cho thấy các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại cũng là cơ hội để sàng lọc cho ngành sản xuất, nền kinh tế thúc đẩy nâng cao giá trị tăng của hàng hoá xuất khẩu tại Việt Nam.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài, Bộ Công Thương đang triển khai Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại (Đề án 316). Đến nay, hiệu quả mang lại đối với doanh nghiệp từ công tác này như thế nào, thưa ông?
Về công tác cảnh báo sớm, chúng tôi đã xác định, ngay từ khi một ngành, doanh nghiệp vướng vào một cuộc điều tra là đã phát sinh rủi ro, ảnh hưởng đến đơn hàng của doanh nghiệp. Qua thời gian theo dõi, hỗ trợ cũng như tham gia các vụ việc, chúng tôi nhận thấy tầm quan trọng công tác dự đoán từ sớm, từ xa các vụ điều tra phòng vệ thương mại. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã có kiến nghị Chính phủ xây dựng Đề án về nâng cao hiệu quả của Hệ thống cảnh báo sớm.
Hiện Hệ thống cảnh báo sớm có một số nội dung quan trọng. Đó là cảnh báo từ xa dựa trên các phân tích dữ liệu, qua theo dõi xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và một số thị trường mục tiêu, thị trường xuất khẩu lớn; cũng như các biến động điều tra phòng vệ thương mại trên thế giới để xác định mặt hàng có độ rủi ro bị điều tra. Từ đó đóng khu các mặt hàng dễ bị điều tra.
Chúng tôi đang theo dõi toàn gần như toàn bộ mặt hàng xuất của Việt sang các thị trường như: Hoa Kỳ, Canada, EU, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Úc … Và thông qua đó, chọn lọc gần 300 mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ. Trên cơ sở đó từ đó thông tin cho doanh nghiệp, ngành hàng và doanh nghiệp, ngành hàng thông qua đối tác có thể tìm hiểu thêm thông tin thị trường, cũng như đánh giá thêm mức độ rủi ro có thể xảy ra trong giai đoạn nhất định.
Ngoài ra, hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thường xuyên có báo cáo về thị trườngm nhất là nếu có bất kỳ đánh giá bị rủi ro với các mặt hàng nào thì Thương vụ sẽ có thông tin sớm để cơ quan trong nước xử lý kịp thời. Từ các cảnh báo cửa các đơn vị chức năng, các doanh nghiệp, Hiệp hội sớm nắm được thông tin và có sự chuẩn bị trước chiến lược kế hoạch kinh doanh, có sự chuẩn bị nguồn lực khi bị điều tra. Đến nay, công tác cảnh báo, đã giúp cho doanh nghiệp chủ động hơn thay vì bị động khi bị điều tra thì mới có thông tin ban đầu.
Thời gian tới, để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp, cũng như đảm bảo hoạt động xuất khẩu bền vững, Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục đồng hành với các doanh nghiệp xuất khẩu xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại qua những hoạt động trọng tâm nào?
Cục Phòng vệ thương mại xác định đồng hành cùng doanh nghiệp để xử lý thành công các vụ điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài với 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Đó là cảnh báo, ngăn chặn, tăng cường năng lực và hỗ trợ doanh nghiệp trong những vụ việc cụ thể.
Cụ thể, tiếp tục thực hiện công tác cảnh báo sớm. Về nhóm hoạt động ngăn chặn các vụ điều tra, chúng tôi vừa có các hoạt động trực tiếp vừa tham mưu cho Bộ Công Thương và Bộ Công Thương tham mưu cho Chính phủ, bộ ngành khác có cơ chế chính sách phù hợp làm sao để hạn chế thấp nhất cũng như ngăn chặn các vụ điều tra về phòng vệ thương mại. Đơn cử như tiếp tục thúc đẩy để một số quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam, nhằm giảm bớt các rủi ro về điều tra phòng vệ thương mại.
Trong hoạt động ngăn chặn thì tập trung thông tin cho các bộ ngành, địa phương về nhóm hàng đang có năng lực sản xuất nhưng hiện tại có luồng đầu tư từ nước ngoài khiến năng lực sản xuất vọt lên cao, sẽ dễ trở thành đối tượng bị điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Ngoài ra, có thể tăng cường phát hiện các hành vi gian lận thương mại, gian lận xuất xứ…
Về nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, Cục tiếp tục phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng, địa phương tổ chức các cuộc hội thảo, khoá đào tạo, phổ biến cung cấp các kiến thức cơ bản nhất cho doanh nghiệp.
Về hỗ trợ doanh nghiệp trong vụ việc cụ thể, Cục Phòng vệ thương mại sẽ có những hoạt động khác nhau, như tư vấn, hướng dẫn cách thức thông tin trong các vụ điều tra. Trong từng vụ việc, chúng tôi theo dõi chặt chẽ từng động thái của cơ quan điều tra, nếu phát sinh vấn đề không phù hợp với cam kết quốc tế, cam kết FTA sẽ tham mưu để can thiệp từ sớm, tránh các vụ điều tra đi chệch “đường ray” là phục vụ cho quan hệ cạnh tranh công bằng thành công cụ bảo hộ cho hàng hoá trong nước, thậm chí có thể mang vụ việc khiếu nại ra Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: https://congthuong.vn/canh-bao-som-doanh-nghiep-khong-con-bi-dong-truoc-cac-vu-dieu-tra-phong-ve-thuong-mai-356685.html