Theo dõi Báo Gia Lai trên
-
Nam miền Bắc -
Nữ miền Bắc -
Nữ miền Nam -
Nam miền Nam
Sau khi hết thời gian cấp phép, Công ty TNHH Nhà máy gạch ngói Lâm Viên tiếp tục khai thác 640.583 m3 khoáng sản là đất sét để làm gạch ngói và cát xây dựng không phép.
Thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng, tỉnh đã chuyển vụ việc Công ty TNHH Nhà máy gạch ngói Lâm Viên (Công ty Lâm Viên) khai thác khoáng sản không có giấy phép tại xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng cho các sở ngành liên quan kiểm tra, xử lý.
Một góc xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng. Ảnh: Trường Nguyên |
Theo hồ sơ vụ việc, Công ty Lâm Viên được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp 3 giấy phép khai thác khoáng sản, kéo dài từ năm 2004 đến tháng 10-2012 thì hết hạn khai thác.
Tuy nhiên sau thời điểm hết hạn, Công ty Lâm Viên tiếp tục khai thác khoáng sản là đất sét để làm gạch ngói và cát xây dựng tại 8 địa điểm nằm ngoài giấy phép đã hết hạn. Diện tích khai thác này lại nằm trong đất đã được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một đơn vị khác.
Tính đến thời điểm cuối năm 2021 khi các đơn vị chức năng huyện Đức Trọng vào cuộc kiểm tra, Công ty Lâm Viên đã khai thác 640.583 m3 khoáng sản gồm 611.082 m3 đất sét gạch ngói và 29.501 m2 cát xây dựng mà không có giấy phép.
Theo UBND huyện Đức Trọng, về khoáng sản, Công ty Lâm Viên đã có 2 hành vi vi phạm. Một là: “Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Mức phạt tiền vi phạm này từ 40-50 triệu đồng kèm hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ khoáng sản được quy đổi bằng tiền của 640.583 m3 khoáng sản mà doanh nghiệp khai thác không phép.
Hai là: “Không lập đề án đóng cửa mỏ đối với khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh” với mức phạt tiền từ 50-70 triệu đồng.
Về môi trường, doanh nghiệp này tiếp tục vi phạm 2 hành vi. Một là: “Không có báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ có quy mô, công suất tương đương với trường hợp phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình UBND cấp tỉnh phê duyệt”. Mức phạt đối với hành vi này từ 150-200 triệu đồng.
Hai là: “Không có phương án cải tạo, phục hồi môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”. Mức phạt tiền từ 150- 200 triệu đồng.
Với những sai phạm nêu trên của Công ty Lâm Viên, ngày 23-8-2021, Kiểm toán Nhà nước ban hành Thông báo số 213/TB-KTNN, yêu cầu UBND huyện Đức Trọng và các cơ quan liên quan kiểm tra, báo cáo UBND tỉnh Lâm Đồng xử lý theo quy định đối với Công ty Lâm Viên khi có kê khai thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường nhưng không có giấy phép khai thác.
Hơn 4 tháng sau, đến cuối tháng 12-2021, UBND huyện Đức Trọng mới có báo cáo gửi UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét, chỉ đạo các Sở ngành liên quan kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm của Công ty Lâm Viên theo quy định.
Đến cuối tháng 3-2023, UBND huyện Đức Trọng tiếp tục có báo cáo đến UBND tỉnh Lâm Đồng vì suốt từ thời điểm báo cáo cuối tháng 12-2021 đến tháng 3-2023 vẫn chưa nhận được nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh về việc xử lý hành vi vi phạm của Công ty Lâm Viên.
Tuy nhiên trong báo cáo này, UBND huyện Đức Trọng chỉ còn nêu 2 hành vi vi phạm gồm: “Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” với mức phạt từ 40-50 triệu đồng kèm hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ khoáng sản được quy đổi bằng tiền của 640.583 m3 khoáng sản mà doanh nghiệp khai thác không phép;
Cùng hành vi: “Không lập đề án đóng cửa mỏ đối với khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh” với mức phạt 50-70 triệu đồng. Lần này, UBND huyện Đức Trọng không nêu và đề xuất xử lý đối với 2 vi phạm về môi trường như báo cáo cuối tháng 12-2021.
Đến nay, căn cứ báo cáo của UBND huyện Đức Trọng, UBND tỉnh Lâm Đồng mới có văn bản chuyển cho Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế tỉnh cùng những đơn vị liên quan vào cuộc kiểm tra xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định đồng thời yêu cầu báo cáo cho UBND tỉnh trước thời điểm 20-4-2023.