Trong khuôn khổ buổi họp báo thường kỳ tháng 12 của Bộ TT&TT do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm chủ trì vào chiều ngày 7/12, chương trình diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 5 đã được công bố.
Được Bộ TT&TT khởi động tổ chức từ năm 2019, diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số nhằm cụ thể hóa chủ trương, định hướng của Đảng và Chính phủ về phát triển doanh nghiệp công nghệ số.
Đến nay, diễn đàn này đã trở thành hoạt động thường niên và có quy mô lớn của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Sau 4 lần diễn ra tại Hà Nội, năm nay diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam được tổ chức tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh vào ngày 11/12, với chủ đề “Doanh nghiệp công nghệ số – Phổ cập công nghệ số vào cuộc sống”.
Chia sẻ tại họp báo, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông (Bộ TT&TT) nhấn mạnh: Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 5 đặc biệt có sự chỉ đạo trực tiếp từ Lãnh đạo Chính phủ và Bộ trưởng Bộ TT&TT.
“Là sự kiện lớn và quan trọng của ngành TT&TT, diễn đàn lần này hướng tới tổng kết, đánh giá sự phát triển của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trong 4 năm qua”, ông Nguyễn Thiện Nghĩa cho hay.
Diễn đàn cũng sẽ truyền tải những tư tưởng cốt lõi về phát triển công nghệ số, tinh thần Make in Viet Nam, phát triển doanh nghiệp công nghệ số góp phần tăng năng suất lao động, phát triển nhanh và bền vững, phát triển bao trùm, thoát bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam thành nước phát triển.
Cũng theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, trong phiên chính và 4 phiên chuyên đề của diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam năm nay, các diễn giả sẽ chia sẻ các câu chuyện thành công đưa công nghệ số vào cuộc sống, giúp thay đổi Việt Nam, thay đổi thế giới.
Bên cạnh đó, các diễn giả cũng sẽ trao đổi, thảo luận về việc phát triển các sản phẩm dựa trên công nghệ mới như Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, vi mạch bán dẫn và việc đưa chúng ra thị trường trong nước và quốc tế; về những rào cản, thách thức và giải pháp đột phá để cung cấp ngày càng nhiều sản phẩm, giải pháp, dịch vụ trên nền tảng các công nghệ số mới cho thị trường.
Đặc biệt, tại diễn đàn, dự kiến Lãnh đạo Chính phủ sẽ đưa ra những thông điệp động viên, khích lệ cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số để xây dựng vị thế ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam, khẳng định trí tuệ Việt Nam trên bản đồ thế giới, định hướng cho ngành công nghệ số Việt Nam phát triển mạnh mẽ và bền vững, mang công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống.
Trong khuôn khổ diễn đàn, Bộ TT&TT sẽ tổ chức lễ công bố và trao giải thưởng ‘Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam năm 2023’ nhằm tôn vinh các doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam có sản phẩm, giải pháp và dịch vụ công nghệ số xuất sắc nhằm giải các bài toán Việt Nam và thế giới
Hoạt động bên lề diễn đàn là triển lãm trưng bày, giới thiệu, trải nghiệm trực tiếp về các sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam, thể hiện năng lực của các doanh nghiệp công nghệ số phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Trả lời thắc mắc của báo chí, ông Nguyễn Thiện Nghĩa khẳng định, diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam và hội nghị ‘Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới’ được Bộ TT&TT tổ chức hồi đầu năm nay rất liên quan với nhau.
Hiện nay, việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam chủ yếu là thị trường nước ngoài. Có thể nói, 90% doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đến từ thị trường nước ngoài.
Mặc dù phần lớn doanh thu đến từ các doanh nghiệp FDI, tuy nhiên, đóng góp của các doanh nghiệp trong nước càng ngày càng lớn.
Đầu năm 2023, Bộ TT&TT đã phát động chiến dịch hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiếp tục mở rộng thị trường kinh doanh tại nước ngoài.
Đến thời điểm hiện tại, Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông ghi nhận sự phát triển ngày càng tích cực, doanh thu từ thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tăng trưởng tương đối tốt.
Tuy không tăng trưởng mạnh như các năm trước, do ảnh hưởng xu hướng đi xuống của lĩnh vực điện tử trên toàn cầu, nhưng mức tăng trưởng vẫn đạt khoảng 10%. Các doanh nghiệp cũng có thêm khách hàng mới.
“Do đó, trong diễn đàn sắp tới, nội dung về giúp doanh nghiệp công nghệ số phát triển thị trường nước ngoài cũng là một nội dung quan trọng”, ông Nguyễn Thiện Nghĩa cho hay.
Theo thống kê của Bộ TT&TT, số doanh nghiệp công nghệ số cả nước đến giữa tháng 6/2023 đạt khoảng 72.000 doanh nghiệp, tăng 6,70% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, doanh thu trong 6 tháng đầu năm nay của lĩnh vực đạt hơn 1,44 triệu tỷ đồng, giảm 10,35% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 38,87% kế hoạch năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử ước đạt 51,51 tỷ USD, giảm 9,56% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 37,88% kế hoạch năm 2023. |