Ngày 30/1/2024, Bộ TT&TT đã tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp tiêu biểu của ngành TT&TT là Viettel, VNPT, CMC, FPT, Misa, Giao hàng tiết kiệm, VNPost, RikkeiSoft, VMO, MK Group, Sconnect, ECqurity … và các cơ quan báo chí: Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, báo Nhân Dân, báo VnExpress, Đài Truyền hình Vĩnh Long, báo VietNamNet, Nhà Xuất bản CTQG – Sự Thật.
Bưu chính kết nối viễn thông đi tận ngõ hẻm
Chia sẻ những suy nghĩ, những ý tưởng hợp tác mới trong năm 2024, Chủ tịch Giao Hàng Tiết Kiệm Phạm Hồng Quân cho biết: 10 năm trước, do chưa có nhiều kết nối Internet tốc độ cao rộng khắp nên chất lượng dịch vụ bưu chính chưa đảm bảo. Nhưng bây giờ, sóng 3G, 4G khắp nơi nên nhiều người có thể tham gia chuỗi cung ứng. Điều này thúc đẩy bưu chính có bước phát triển mạnh mẽ.
“Ứng dụng công nghệ để giải bài toán nhiều phép tính cùng một lúc và kết hợp với sự linh hoạt để giải các bài toán nhỏ, đây là hai yếu tố làm nên bưu chính thông minh. Chúng ta có thể đưa công cụ cho mỗi người dân và tạo ra sức mạnh của hàng triệu hộ gia đình có thể tham gia chuỗi dịch vụ bưu chính. Giao Hàng Tiết Kiệm hiện đã có 30.000 nhân viên, trong đó có 500 kỹ sư công nghệ và đạt doanh thu gần 9.000 tỷ đồng”, ông Quân nói.
Ở góc độ hợp tác, ông Nguyễn Trường Giang, Phụ trách HĐTV Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) đề cập đến việc cải thiện sự hợp tác giữa các doanh nghiệp bưu chính để giải quyết vấn đề cạnh tranh bằng cách giảm giá. Ông Giang cho rằng, hợp tác đang là “vấn đề” của các doanh nghiệp Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận xét rằng, Giao Hàng Tiết Kiệm là minh chứng về sự thành công khi kết hợp được công nghệ với tính linh hoạt – vốn là sức mạnh của người Việt, để tạo ra những doanh nghiệp có năng lực, giá trị cao. Bộ trưởng cũng cho biết, kết nối, thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp trong ngành TT&TT là trách nhiệm, là nhiệm vụ của Bộ và Bộ TT&TT luôn chú trọng đến vấn đề này.
Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn
Cũng tại buổi gặp mặt, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch Viettel cho hay năm 2023 là năm có nhiều khó khăn, nhưng Viettel vẫn đạt doanh thu tăng xấp xỉ 10%, gần 180.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 51.000 tỷ đồng. Trong năm 2023, Viettel đã đưa nền tảng trợ lý ảo phục vụ công chức, viên chức vào hoạt động.
Nhận định về việc hỗ trợ các doanh nghiệp của Bộ TT&TT, ông Tào Đức Thắng khẳng định: “Năm 2023, Bộ TT&TT đã đưa ra chiến lược, hành lang pháp lý thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Các doanh nghiệp đã được tham gia xây dựng hành lang pháp lý như Luật Viễn thông… Bộ TT&TT đã quan tâm đến khó khăn và có biện pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp”…
Chia sẻ tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch CMC đề xuất, Bộ TT&TT cần sớm xây dựng chính sách để tiếp cận với công nghiệp AI. CMC sẽ đầu tư mạnh vào AI, trung tâm dữ liệu và sẽ ra nước ngoài nhiều hơn. Ông Chính cũng khẳng định, những gì khó khăn nhất đã nằm ở 2023, năm 2024 là năm để doanh nghiệp ICT Việt Nam cất cánh.
Ông Vương Quang Khải, Phó tổng giám đốc VNG khẳng định đơn vị này đã có bước đột phá về AI và đã đánh giá rất cao sự hỗ trợ của Bộ TT&TT đối với các doanh nghiệp. Để làm được về AI, VNG phải đầu tư hàng triệu USD để mua các máy tính có năng lực xử lý lớn, nhưng cũng không thể mua được máy do tác động của cuộc chiến về chip. “VNG đã đề xuất Bộ TT&TT hỗ trợ và Bộ đã làm việc với đối tác song phương, giúp VNG mua được thiết bị” – ông Khải thông tin.
Ông Nguyễn Đặng Phương, Chủ tịch Công ty E Cqurity – công ty chuyên cung cấp các dịch vụ và giải pháp bảo mật tấn công, tập trung vào tấn công và phòng thủ chủ động các hạ tầng trọng yếu hiện đang đặt văn phòng tại thị trường Thái Lan, Singapore, Mỹ – cho rằng Việt Nam có thế mạnh về an ninh mạng. ECqurity quay về Việt Nam vì muốn tạo môi trường cho các bạn trẻ cọ sát với môi trường quốc tế.
Chia sẻ với Chủ tịch Công ty E Cqurity, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Việt Nam muốn thịnh vượng thì phải thịnh vượng trên không gian mạng. Bảo vệ an toàn trên không gian mạng chính là bảo vệ sự thịnh vượng. Việt Nam có cơ hội trở thành cường quốc về an ninh mạng. Các công ty an ninh mạng hoạt động ở Việt Nam nhưng phải nghĩ đến tầm vóc toàn cầu. Bộ TT&TT sẽ hậu thuẫn cho các công ty an ninh mạng Việt Nam đi ra thế giới.
Ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch VNPT giới thiệu và bày tỏ mong muốn làm nền tảng về nông nghiệp để giúp cho hơn 70 triệu người dân Việt Nam sống ở nông thôn. Nền tảng này đang được VNPT triển khai, sẽ kết nối chu trình từ gieo trồng, chăm sóc, truy xuất nguồn gốc, tiêu thụ sản phẩm.
Hồi đáp lại ý tưởng trên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, người nông dân chỉ thoát nghèo khi có thương hiệu mảnh vườn, trái cây của mình. Vì vậy, bài toán xuất xứ của VNPT sẽ giúp người nông dân có thương hiệu của mình. Bộ TT&TT cam kết sẽ đi cùng các doanh nghiệp.
Đại diện RikkeiSoft chia sẻ: “Đi ra thế giới” gặp khó khăn, RikkeiSoft được Viettel và Bộ TT&TT hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu đến khách hàng. Việc đoàn kết như vậy đã giúp cho công ty vững tâm khi đi ra thị trường nước ngoài. Năm ngoái có nhiều khó khăn, nhưng công ty vẫn quyết tâm đặt văn phòng tại Mỹ và đã có được những kết quả tốt. Và, “dù 2023 có nhiều khó khăn, nhưng công ty vẫn quyết tâm đặt văn phòng tại Mỹ và đã có được những kết quả tốt”.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Trọng Khang, Chủ tịch MK cho biết, MK đã triển khai sản xuất căn cước công dân gắn chip, camera AI… Trong 3 năm tới, MK sẽ phấn đấu xuất khẩu 60% camera AI ra nước ngoài với doanh số khoảng 100 triệu USD.
Sắp tới, MK sẽ tiến vào lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. MK nhìn thấy cơ hội trong lĩnh vực này và mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp như Viettel cùng phát triển.
Báo chí và doanh nghiệp công nghệ cần hợp tác
Chia sẻ tại buổi làm việc, ông Lê Thanh Long, Giám đốc đài Truyền hình Vĩnh Long cũng đồng tình với quan điểm của VNPost rằng khi doanh nghiệp Việt không đoàn kết thì sẽ là nguy cơ. Vì vậy, mong lãnh đạo Bộ TT&TT bàn câu chuyện hợp tác, tránh việc các đài truyền hình cạnh tranh nhau quyết liệt.
Ông Long nêu câu chuyện trong năm qua, các đoàn của Việt Nam đi xúc tiến thương mại nước ngoài rất nhiều, nhưng lại chưa xúc tiến mảng công nghiệp văn hóa. Với tinh thần “phải vượt qua mặc cảm nội dung chưa hấp dẫn để đi ra nước ngoài”, sắp tới, Đài Truyền hình Vĩnh Long sẽ hợp tác với Ấn Độ để xúc tiến thương mại văn hóa.
Ông Phạm Hiếu, Tổng biên tập báo VnExpress bày tỏ mong muốn thúc đẩy sự hợp tác giữa báo chí và các doanh nghiệp viễn thông để cùng nhau khai thác dữ liệu về người dùng, bởi nếu không hợp tác thì rất khó để giảm được sự chi phối của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới.
Ông Đỗ Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) cho hay, phim Việt giờ vàng đang thu hút được khán giả. Sở dĩ được như vậy bởi năm 2015, VTV thay đổi chiến lược quay trở lại sản xuất, nắm giữ nội dung gốc để đi đường dài. Bên cạnh đó, VTV đầu tư thiết bị, nguồn lực và thay đổi chính sách kinh doanh cùng đối tác để khai thác thay đổi hiệu quả.
“VTV là đơn vị sự nghiệp nhưng phải làm làm tốt nội dung – đó là sứ mệnh là cơ quan báo chí. VTV chủ trương tập trung vào nội dung để nhà mạng làm truyền dẫn phát sóng. VTV muốn các doanh nghiệp cùng nhau xây dựng một nền tảng để có thể phân phối nội dung trên không gian số”.
Trước vấn đề mà các cơ quan báo chí nêu ra, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Trên không gian mạng, phải có một số nền tảng số có tính hạ tầng, Nhà nước phải đóng vai trò thúc đẩy việc này. Bộ trưởng cũng chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ, phối hợp với VTV, VOV để xây dựng phương thức hợp tác giữa các bên.
Chia sẻ về doanh nghiệp của mình, ông Tạ Mạnh Hoàng, Chủ tịch của Sconnect cho biết, mô hình kinh doanh của công ty là sáng tạo ra các bộ nhân vật hoạt hình. Hiện Sconnect có 13 nhân vật hoạt hình được vào top trẻ em thế giới yêu thích. Tuy nhiên, việc đưa sản phẩm ra nước ngoài cũng đầy chông gai, như gặp vấn đề về pháp lý trên thị trường quốc tế.
Đại diện cho khối xuất bản, ông Vũ Trọng Lâm, Tổng biên tập Nhà Xuất bản CTQG – Sự Thật cho biết, trung bình mỗi ngày xuất bản 2 cuốn sách, nhưng đang lúng túng trong ứng dụng công nghệ vào hoạt động. Đã có nhiều doanh nghiệp công nghệ giới thiệu giải pháp nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu. Ông hy vọng chương trình phối hợp giữa Bộ TT&TT với Nhà xuất bản mới đây về chuyển đổi số là cơ hội để NXB giải quyết được vấn đề này.
Doanh nghiệp muốn lớn mạnh thì phải có giấc mơ lớn
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam chưa đẩy mạnh hợp tác với nhau vì chưa có bài toán đủ lớn để hợp tác. Các doanh nghiệp phải có giấc mơ lớn, bài toán lớn để hợp tác với nhau đưa đất nước phát triển.
“Đất nước biết ơn các doanh nghiệp vì đã tạo ra của cải, công việc, làm cho đất nước hưng thịnh, làm rạng danh đất nước, làm ra vũ khí bảo vệ Tổ quốc. Doanh nghiệp mà hàng nghìn người, giá trị hàng trăm triệu đô la thì doanh nghiệp ấy không còn là của mình nữa. Làm doanh nghiệp khi ấy không phải vì mình nữa. Trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng, với đất nước sẽ lớn hơn rất nhiều”, Bộ trưởng nói.
“Doanh nghiệp phải mang theo sứ mệnh quốc gia, dân tộc. Phải có giấc mơ lớn. Phải giàu có và mang sự giàu có đó để giải quyết những bài toán lớn của đất nước, giúp cho đất nước lớn mạnh, hưng thịnh, và đặc biệt, làm chủ những công nghệ hiện đại nhất để chế tạo ra vũ khí, chế tạo ra “nỏ thần” bảo vệ Tổ quốc. Quốc gia hưng thịnh mà không tự bảo vệ được thì sự hưng thịnh đó là xây trên cát” – Bộ trưởng nhắn nhủ các doanh nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã cảm ơn sự đóng góp của các doanh nghiệp, gửi lời chúc đến các doanh nghiệp, mong muốn các doanh nghiệp hãy luôn có ý thức về sứ mệnh, nhận được năng lượng mới, vượt qua khó khăn, thách thức và thành công.
Bộ trưởng cũng khẳng định, ngành TT&TT phát triển được thì đầu tiên là do các doanh nghiệp, các đơn vị trong ngành, là do sự dấn thân của các lãnh đạo và do sự khai phá các vùng đất lạ, do sự chấp nhận rủi ro.