Người dân địa phương được đi lại trong đường giao thông nội bộ; được chăm sóc y tế và đưa con em đến các trường học hoàn toàn miễn phí trong vùng dự án cao-su của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Campuchia. Đặc biệt, người dân được tư vấn chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác cao-su nếu có nhu cầu.
Công ty cổ phần cao-su Chư Sê Kampong Thom (thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam) tổ chức kết nối cộng đồng, gặp gỡ, đối thoại với người dân địa phương hai xã Popok và xã Sakream tại chùa Santevanaram (tỉnh Kampong Thom, Vương quốc Campuchia) với sự tham dự của hơn 250 người dân địa phương, vào ngày 19/10 vừa qua.
Tham dự chương trình có bà Man Ashisa, Điều phối viên Tổ chức Oxfam Campuchia; đại diện chính quyền hai xã Popok và Sakream.
Tại buổi làm việc, Bà Man Ashisa đánh giá cao việc thực hiện kết nối cộng đồng của Công ty cổ phần cao-su Chư Sê Kampong Thom trong thời gian qua; đồng thời, mong muốn công ty tiếp tục duy trì công tác kết nối cộng đồng trong những năm tới.
Bà Man Ashisa, Điều phối viên Tổ chức Oxfam Campuchia phát biểu. |
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc cao-su Chư Sê Kampong Thom cho biết: “Công tác kết nối cộng đồng, mối quan hệ với người dân và chính quyền địa phương luôn được công ty xác định là yếu tố tiên quyết để thực hiện thành công dự án”.
Tại buổi kết nối cộng đồng lần này, công ty thông tin đến địa phương, người dân một số nội dung chính như: Đối với việc sử dụng hạ tầng kết nối của công ty, người dân được sử dụng đường giao thông nội bộ của công ty để đi lại và giao thương bình thường, không phải chịu bất kỳ khoản phí hay đóng góp nào.
Chùa Santevanaram trong dự án được xây dựng từ nguồn đóng góp chính của công ty và người dân địa phương, công nhân đang làm việc tại công ty; là nơi sinh hoạt và tín ngưỡng không chỉ của công nhân mà cả người dân địa phương.
Hiện nay, công ty đã xây dựng trạm y tế phục vụ sơ cấp cứu cho công nhân, người dân nếu có nhu cầu có thể đến khám và sơ cấp cứu miễn phí tại trạm y tế công ty.
Bên cạnh đó, công ty cũng đã đầu tư xây dựng 1 trường học, là điểm trường của địa phương, phục vụ việc giảng dạy, học tập không chỉ cho con em công nhân mà cả con em người dân quanh vùng dự án.
Về vấn đề an ninh trật tự, công ty cũng thông báo cho người dân được biết về công tác triển khai kiểm tra an ninh ở 2 cổng ra vào dự án; việc kiểm tra an ninh bảo đảm không ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại bình thường của người dân.
Bên cạnh đó, Công ty cũng cam kết việc bảo đảm an ninh trật tự trong dự án cũng như vùng lân cận.
Công ty cũng thông báo cho người dân về định hướng phát triển sắp tới như: Công ty sẽ tổ chức thu mua gỗ từ rẫy của người dân, thu mua mủ cao-su, cung cấp cây giống cao-su chất lượng cao, đặc biệt là công ty sẽ tổ chức tư vấn chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác cao-su cho bà con có nhu cầu.
Công ty xác định việc kết nối cộng đồng là một trong những công việc mà công ty sẽ thực hiện đồng hành trong thời gian thực hiện dự án. Công ty hy vọng rằng mối quan hệ hợp tác giữa công ty và địa phương sẽ không ngừng phát triển theo hướng hài hòa, các bên đều có lợi.
Hai bên sẽ tiếp tục phối hợp thực hiện trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, phát triển kinh tế-xã hội địa phương và cùng giải quyết các vấn đề có liên quan kịp thời và hiệu quả.
Tại buổi làm việc, đại diện chính quyền địa phương đánh giá cao về hoạt động đầu tư của công ty; đặc biệt, góp phần tích cực vào việc giải quyết việc làm cho người dân địa phương, hạn chế xuất khẩu lao động sang nước ngoài làm việc, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu của địa phương.
Nhờ dự án phát triển cao-su của công ty đã tạo ra những hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống người dân trên địa bàn, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội, thay đổi bộ mặt địa phương rõ rệt từ vùng sâu vùng xa kém phát triển trở thành vùng có hoạt động kinh tế sôi nổi.
Nguồn: https://nhandan.vn/doanh-nghiep-cao-su-viet-nam-tang-cuong-ket-noi-cong-dong-tai-campuchia-post837806.html