Dự kiến, Quy định chống phá rừng của EU (EUDR) sẽ thực thi vào tháng 1/2025. Hiện doanh nghiệp cà phê Việt Nam đã có sự chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng các quy định.
Dự kiến, Quy định chống phá rừng của EU (EUDR) sẽ bắt đầu thực thi vào tháng 1/2025 đối với các doanh nghiệp lớn. Phạm vi hàng hóa sản xuất chịu sự điều chỉnh của quy định này gồm: Gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành, gỗ và một số sản phẩm có nguồn gốc từ các hàng hóa nêu trên.
Theo quy định, bất kỳ nhà khai thác hoặc thương nhân nào đưa các mặt hàng này vào thị trường EU hoặc xuất khẩu từ thị trường này phải chứng minh rằng các sản phẩm không có nguồn gốc từ đất rừng bị phá gần đây hoặc góp phần làm suy thoái rừng.
Ông Phạm Thắng – Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê – Cacao Việt Nam đã có cuộc trao đổi về vấn đề này với Báo Công Thương.
Thời gian qua, các hộ nông dân và doanh nghiệp cà phê đã quan tâm nhiều đến EUDR. Ảnh: TTXVN |
Cà phê là một trong những ngành hàng chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ Quy định chống phá rừng của EU. Từ góc độ Hiệp hội Cà phê – Cacao Việt Nam, xin ông cho biết những ảnh hưởng của quy định EUDR này đến việc canh tác cà phê Việt Nam?
Như chúng ta biết, Quy định EUDR ảnh hưởng 7 mặt hàng chính của Việt Nam, trong đó có cà phê. Hiện, diện tích cà phê của Việt Nam là trên 700.000 hecta, chủ yếu ở 5 tỉnh Tây Nguyên. Thời gian qua, các hộ nông dân và doanh nghiệp đã quan tâm nhiều đến EUDR, nhất là vấn đề truy xuất nguồn gốc.
Tuy nhiên, vẫn còn những bối rối đối với một số quy định EUDR về định vị (GPS) xác nhận về nguy cơ gây mất rừng chưa được thống nhất. Mặt khác, nhiều ý kiến cho rằng, nếu thống nhất theo bản đồ đất phá rừng của EUDR thì sẽ lệch với một số các quy định chung trước đây chúng ta đã làm, ngoài ra từng hãng thu mua đã đưa ra quy định riêng.
Trước những quy định mà EUDR đưa ra, Hiệp hội Cà phê – Cacao Việt Nam cũng đã nhận thức rõ, đồng thời hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng các đơn vị cấp các chứng nhận có công văn kiến nghị hướng dẫn các thủ tục, nội dung của EUDR, trong đó bản đồ về đất phá rừng của EU là quan trọng nhất. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã đưa các thành viên học tập các đơn vị đưa ra các quy cầu của EUDR tại EU.
Hiện, doanh nghiệp cà phê đã có chuẩn bị tương đối tốt để thích ứng với các quy định EUDR ngay khi quy định này có hiệu lực. Tuy nhiên, quá trình thực thi sẽ có khác nhau, vì thế rất cần sự đồng hành từ cơ quan chức năng để hướng dẫn doanh nghiệp cà phê triển khai thực hiện một cách hiệu quả nhất.
Ông Phạm Thắng – Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê-Cacao Việt Nam. Ảnh: Quốc Chuyển |
Đến nay, các doanh nghiệp, hộ canh tác sản xuất, xuất khẩu cà phê cũng đã chủ động thay đổi để thích ứng với quy định này. Dù vậy, thách thức còn rất lớn, nhất là quy định về truy xuất nguồn gốc đất trồng hay quy định thẩm định. Ông chia sẻ gì về đánh giá này?
Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tổ chức quốc tế tích cực hỗ trợ Hiệp hội Cà phê – Cacao Việt Nam, doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong ngành… đã triển thực hiện theo các quy định EUDR. Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện kê khai cách thức nội dung mà các nhà rang xay châu Âu yêu cầu thực hiện theo quy định EUDR. Theo đó, nhiều đơn hàng đã đi theo hướng dẫn EUDR. Tuy vậy, trong thời gian đến ngày quy định EUDR thực thi, các doanh nghiệp cà phê cũng đang vừa làm vừa nghe ngóng.
Cho đến hiện tại, nhiều doanh nghiệp cà phê của Việt Nam đã chứng minh được năng lực thích ứng, đáp ứng các quy định của EUDR. Vậy xin ông cho biết, thời gian tới, Hiệp hội Cà phê – Cacao Việt Nam cũng như doanh nghiệp thành viên đã thay đổi, triển khai các bước đi như thế nào để thích ứng với quy định này?
Việt Nam hiện có trên 700 nghìn hecta cà phê, và trong 4 năm gần đây, diện tích cà phê có xu hướng giảm đi, diện tích trồng mới năm 2025 không đáng kể. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam tự tin sản phẩm chúng ta đạt tiêu chí ban đầu đó là không phá rừng.
Hiện, niên vụ cà phê 2024-2025 mới bắt đầu, hàng xuất chưa nhiều. Tuy nhiên, chúng tôi cũng bám sát chặt chẽ việc doanh nghiệp khai báo thông tin, thực hiện đúng quy định EUDR. Phía thị trường châu Âu cũng đánh giá cao Việt Nam là nước tiên phong trong ủng hộ quy định EUDR, và bản thân doanh nghiệp cũng nhận thức được việc bảo rừng, không làm ảnh hưởng môi trường từ sản xuất cà phê.
Về phía Hiệp hội Cà phê – Cacao Việt Nam có đề xuất gì với Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan trong việc hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp thích ứng với Quy định chống phá rừng của EU cũng như để bảo vệ nhà sản xuất, doanh nghiệp trong quá trình tuân thủ các quy định của EU, thưa ông?
Cà phê là một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của ngành nông nghiệp. Niên vụ 2023-2024, Việt Nam xuất khẩu được khoảng trên 1,45 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 5 tỷ USD. Đến thời điểm hiện nay, kim ngạch xuất khẩu đạt vượt bậc so với năm 2023… Bước vào giai đoạn mới, để ngành cà phê phát triển hơn nữa, chúng tôi mong muốn được các cơ quan, Bộ, ngành quan tâm, hướng dẫn xây dựng bộ quy tắc để thực hiện quy định EUDR của châu Âu, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất hợp pháp để hộ nông dân đáp ứng được các quy định.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-ca-phe-chu-dong-dap-ung-quy-dinh-chong-pha-rung-cua-eu-359020.html